EU chuẩn bị kiện Intel... độc quyền
Họa vô đơn chí, giữa thời điểm đại cải tổ đầy cam go và khó khăn, gã khổng lồ Intel lại phải đối mặt với một vụ kiện độc quyền từ phía EU.
|
Nguồn: BusinessWeek |
Thông tin gây sốc này vừa được tờ Wall Street Journal tiết lộ trong số ra ngày hôm qua. Trích dẫn một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, WSJ cho biết EU đã đi đến một số kết luận và cáo buộc nhằm vào gã khổng lồ chip.
Một bản báo cáo chi tiết và tỉ mỉ sẽ được đệ trình lên Ủy viên hội đồng EU Neelie Kroes, người chuyên trách các vụ kiện chống độc quyền. Bước đi tiếp theo sau đó có thể là bà Kroes sẽ thông báo cho Intel những chi tiết hãng này cần giải trình.
Cuộc điều tra của EU nhằm vào Intel được xúc tiến từ cách đây vài năm, xuất phát từ những lời phàn nàn của AMD và hãng chip Via của Đài Loan. Mặc dù Via đã quyết định từ bỏ vụ kiện, song AMD vẫn tiếp tục gây sức ép lên EU về một cuộc điều tra trên diện rộng.
Đầu đuôi sự vụ
Nếu Intel thực sự bị lôi lên thớt, thì cộng với vụ kiện nhằm vào Microsoft, châu Âu đang biến thành một bãi chiến trường cho những vụ kiện độc quyền.
EU đang trở thành một chiến tuyến mà các hãng công nghệ của Mỹ phải mướt mồ hôi đánh vật với những lời cáo buộc kìm hãm đối thủ. Chỉ vài ngày sau khi tòa án Mỹ bác đơn kiện của AMD cáo buộc Intel đã lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường bán dẫn để chèn ép đối thủ, các quan chức chống độc quyền của EU đã xắn tay áo và chuẩn bị cho một vụ kiện chính thức.
Thông tin trên WSJ cho biết Ủy ban châu Âu đang bước vào "giai đoạn nước rút" cho một cáo buộc chính thức chống lại Intel. Cách đây hơn một năm, các quan chức EU đã thu giữ khá nhiều tài liệu tại các văn phòng của Intel ở châu Âu, sau khi nhận được đơn kiện của AMD.
Khi đó, AMD cáo buộc Intel đã "đi đêm" hoặc sử dụng chiến thuật dằn mặt để buộc các hãng máy tính tránh xa chip AMD. Ngoài ra, Intel cũng dùng nhiều biện pháp để dập tắt ý muốn bán máy tính AMD của các cửa hàng bán lẻ.
Cả Intel lẫn AMD đều chưa xác nhận thông tin này, còn người phát ngôn của EU thì từ chối bình luận. "Chúng tôi tin là hoạt động kinh doanh của mình luôn công bằng và tôn trọng luật pháp", đại diện của Intel tuyên bố gọn lỏn.
Cuộc chạy marathon của Microsoft
Tuy không bình luận gì, song có dấu hiệu cho thấy AMD đang rất nóng lòng chờ những diễn biến mới của vụ kiện. Bằng cớ là đại diện của hãng trong mấy ngày gần đây đã liên tục rỉ tai cho cánh nhà báo về "thông tin hậu trường". Mà sau vụ kiện Microsoft trước đây, ai cũng hiểu Ủy ban châu Âu đang nổi lên như một "chiến binh hùng hổ" chống lại sự độc quyền và những "con cá lớn".
Sau nhiều năm ròng rã theo đuổi vụ kiện chống lại Microsoft, cuối cùng Ủy ban châu Âu cũng đã áp đặt một khoản phạt lên tới gần 1 tỷ USD lên vai gã khổng lồ phần mềm. Tất nhiên, tập đoàn của Bill Gates vẫn đang miệt mài kháng án.
Nào đã hết, có thể Microsoft lại sắp bị kiện tiếp mà lần này, nguyên đơn nhiều khả năng là Symantec. Nổi danh với các sản phẩm bảo mật Norton dành cho PC và máy chủ, các quan chức Symantec cho biết họ đã được Ủy ban châu Âu phỏng vấn nhiều lần trong năm qua. Mục tiêu của EU là tìm hiểu cơ cấu của thị trường phần mềm bảo mật.
Symantec cũng đang rỉ tai cánh báo chí rằng hệ điều hành sắp ra mắt của Microsoft (Windows Vista) sẽ bó tay bó chân những hãng bảo mật có sản phẩm cạnh tranh với Microsoft.
Đơn giản hơn
So với vụ kiện Microsoft, có thể nói trường hợp của Intel đơn giản hơn nhiều. Vụ kiện Microsoft chồng chất nhiều tầng vấn đề của sở hữu trí tuệ và ma trận chằng chịt của những đoạn mã máy tính. Ngay đến các chuyên gia còn rối tung rối mù huống hồ người ngoại đạo. Trước đó lại chưa từng có vụ kiện nào tương tự để các thẩm phán dựa vào mà xét xử.
Trong khi ấy, đơn kiện của AMD rất đơn giản: Intel đã sử dụng các thủ thuật kinh doanh không công bằng trên thị trường. Cụ thể, hãng chip lớn thứ 2 thế giới cho rằng Intel đã áp dụng các chính sách chiết khấu và gây sức ép lên những đối tác thân thiết. Mặc dù đây có thể là "chính sách chấp nhận được" với các hãng nhỏ, nhưng với một gã khổng lồ thống trị thị trường như Intel, đây có thể coi là sự độc quyền, lũng đoạn và không đúng pháp luật, AMD lập luận.
Thêm nữa, vụ kiện Microsoft đã trở thành tiền lệ để soi chiếu vào cuộc tranh cãi AMD - Intel. "Vụ này dễ hơn nhiều. Không có mấy yếu tố công nghệ dính dáng vào đây", luật sư đại diện cho AMD cho biết.
Các thông tin ngoài luồng cũng cho hay đại diện Intel đã đe dọa không xuất hàng cho một hãng bán lẻ ở Đức (hãng Vobis) chỉ vì Vobis đã trưng một tấm banner của AMD tại hội chợ triển lãm.
AMD cũng cáo buộc Intel đã chi hàng triệu USD hòng hất sản phẩm AMD ra khỏi chuỗi cửa hàng Saturn và Media Markt ở Đức. Hai hãng bán lẻ này chiếm tới hơn một phần ba doanh thu PC ở quốc gia Tây Âu này.
AMD vẫn giành thị phần
Nếp gấp duy nhất của vụ kiện là bất chấp việc Intel có sử dụng các thủ thuật chống cạnh tranh, AMD vẫn đang giành được thị phần đáng kể ở châu Âu. Thực tế này có thể phản ánh phần nào ảnh hưởng đến khả năng EU xúc tiến vụ kiện.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Eszter Morvay của IDC thì thành quả của AMD chủ yếu có được từ sản phẩm tốt. Morvay nhấn mạnh rằng AMD đã đánh bại được Intel với loại chip 64-bit dành cho máy tính để bàn. Những khách hàng sử dụng nhiều ứng dụng đồ họa mạnh cũng chuộng chip AMD hơn. Hệ quả là thị phần chip AMD tại thị trường máy desktop châu Âu đã tăng 20% trong quý II/2006, còn thị phần Intel thì tụt từ 82% xuống 80%.
Tôi không nghĩ bóng ma của vụ kiện đang phủ bóng lên hoạt động kinh doanh của Intel. Ngược lại, AMD đang thu hoạch quả ngọt từ chiến lược marketing và sản phẩm chất lượng của họ, Morvay nhận định.
Trọng Cầm (Tổng hợp BusinessWeek, WSJ, The Inquirer)