(VietNamNet) - Gạt công việc sang bên, người đàn ông tuổi ngoài sáu mươi đưa đứa con khiếm thị từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh nhận danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2006 do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tạp chí eCHÍP phối hợp tổ chức ngày 15-10 vừa qua.
Niềm hạnh phúc hiện rõ qua nét mặt, qua nụ cười của đấng sinh thành. Trải qua bao năm tháng nhọc nhằn nuôi đứa con có lúc ngỡ không còn hy vọng gì ở tương lai, hai vợ chồng ông không thể ngờ ngày nay đứa con ấy lại được tôn vinh vì có những đóng góp hữu ích cho xã hội.
Năm 1970, anh thanh niên Khúc Đình Bang nên vợ nên chồng cùng cô thanh niên xung phong Trần Thị Diềm. Hai cậu con trai kháu khỉnh lần lượt chào đời. “Mãi gần mười năm sau bà nhà tôi mới sinh đứa thứ ba là thằng Vân trong hoàn cảnh không muốn đẻ nhưng cũng phải đẻ vì bà ấy mong có một cô con gái. Lúc bà ấy sinh, tôi lại đang công tác trên đèo Hải Vân nên gọi điện về đặt tên cho con là Hải Vân. Nó ra đời khỏe mạnh, cặp mắt mở bình thường nhưng không hiểu sao một tuần rồi vẫn không thấy ánh mắt nó di chuyển…”, bác Bang bồi hồi nhớ lại.
Hai vợ chồng ông đưa con chạy chữa khắp nơi, hầu như không bệnh viện trung ương nào lại không tìm đến. Hết tây đến đông y, tia hy vọng cứ lụi dần khi đôi mắt cậu bé không hề có biến chuyển khả quan. Hải Vân được chẩn đoán viêm màng bồ đào bẩm sinh. Tâm sự với chúng tôi, người cha không giấu vẻ xúc động: “Đứa con mình đứt ruột sinh ra, cho dù nó không được lành lặn như người ta mình cũng đâu thể bỏ được. Đã hỏng mắt, Vân còn bị đầu và đôi tay yếu do có bệnh thần kinh. Mẹ nó chỉ biết ôm con mà khóc. Ai đã làm cha mẹ sẽ thấu hiểu được nỗi đau đớn của chúng tôi như thế nào. Con mình như thế, biết làm sao. Chúng tôi dặn nhau phải cố gắng ăn ở sao cho không va chạm làng xóm láng giềng; nếu không người ta sẽ mang con mình ra làm cái cớ mà nhiếc móc, tội cho nó...”.
Vì muốn có người “dắt díu”, đỡ đần cho Vân, hai năm sau cô con gái út ra đời cũng là lúc thành đoàn Hà Nội quyết định cho người vợ nghỉ mất sức vì sinh con vượt chỉ tiêu. Cuộc sống chồng chất khó khăn, nhưng vốn xuất thân từ nghèo khổ nên hai vợ chồng chắt chiu, tằn tiện nuôi bốn đứa con trưởng thành. Bác Bang vui vẻ kể: “Hồi bé xíu, Vân nó phá phách lắm. Cái tivi cũ không lên hình, thế là Vân lấy nước đổ lên tivi. Lên bảy, Vân đi học, ba năm ì ạch chỉ lớp một không xong nên nhà trường trả về. May nhờ có cô giáo thương cậu học trò đã đứng ra bảo lãnh. Sáng sáng đưa Vân đến lớp, trưa lại đưa về nhà mình dạy thêm. Một năm sau Vân học khá lên rồi lên lớp đều đều. Gia đình chúng tôi nói thật là mừng lắm”.
Cậu con trai đi học, mẹ cũng đi học theo để lo cho Vân. Vân học một chữ, bà học một chữ để về nhà kèm cho con. Những năm tháng học cấp hai, khi Vân ở lại trường học thêm lớp hè, cứ tối đến là người cha lại đóng từng hộp cơm mang vào ký túc xá cho con, thêm luôn phần của bốn đứa bạn cùng phòng. Nhà không phải dư dả, nhưng ông muốn qua đó dạy Vân phải biết thương yêu và sẻ chia với những người đồng cảnh. Có lẽ chính vì thế, câu học sinh khiếm thị ngay từ nhỏ đã biết làm công tác xã hội.
Nói về Vân với niềm tự hào, bác Bang cho biết: “Hồi đó, cứ rãnh là Vân lại đến từng nhà vận động quyên góp giúp đỡ các bạn học sinh nghèo. Nhiều người thấy Vân cầm gậy đi như vậy, ngỡ ăn xin nên dúi tiền vào tay cho. Nhưng Vân trả lời ngay là cháu không phải ăn xin. Khi về nhà, Vân khệ nệ xách nào quần áo, nào sách vở. Cứ gom lại nhiều nhiều là bố mang đến trường giúp Vân. Ở nhà nhiều khi mắng Vân là cái ông ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng.. (cười). Nói thế thôi chứ nuôi dạy con mình sống được như thế, hạnh phúc lắm chứ”.
Niềm hạnh phúc giờ đây càng đong đầy hơn khi Khúc Hải Vân được tôn vinh trở thành Hiệp sĩ công nghệ thông tin của mọi người, đặc biệt là những người khiếm thị. Cùng Phạm Sơn Hà (Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2005), Khúc Hải Vân sáng lập Trung tâm tin học Tia Sáng và trực tiếp dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị. Vân và Hà đã thực hiện bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị trên công nghệ Daisy Book, sẵn sàng cung cấp và tư vấn miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu. “Những năm tháng đã qua càng nhọc nhằn bao nhiêu thì ngày nay nhìn các con nên người, đứa nào cũng học đại học, chúng tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu.
Hôm nay vào Nam, chính là Vân đã đem về cho bố tấm giấy thông hành du lịch, điều mà các anh của nó chưa làm được. Tôi bảo Vân phải cố gắng học xong đại học, phải có tấm bằng để mai này bước đi vững vàng trên đôi chân của mình chứ ba mẹ già rồi sau này sẽ chết đi, đâu còn ở bên cạnh nữa”. Khi nói câu này, trong đáy mắt ông ánh lên niềm hy vọng và tin tưởng, vì bao năm tháng đã qua, với Vân chỉ toàn là khó khăn. Những khó khăn đó Vân đã vượt qua được cả đấy thôi! Và chắc chắn một điều rằng, trong lòng chàng hiệp sĩ Khúc Hải Vân, cha mẹ và những người thân của Vân cũng chính là hiệp sĩ.
-
Hoàng Lan