Tập đoàn Sony cho biết sẽ không cách chức quan chức hàng đầu nào của hãng về scandal thu hồi gần 10 triệu pin laptop lỗi. Vụ việc có thể sẽ khiến lợi nhuận của hãng rơi vào tình trạng tồi tệ.
Ông Howard Stringer - Giám đốc điều hành Sony. Ảnh: AFP. |
Sony cho biết hôm thứ 3 vừa qua (24/10) rằng Giám đốc điều hành người xứ Wales Howard Stringer và Chủ tịch Ryoji Chubachi sẽ tiếp tục đảm nhận công việc của mình để giám sát việc thu hồi hàng triệu pin laptop mắc lỗi. Các viên pin này được xác định là có nguy cơ gây cháy nổ.
"Howard Stringer và Chubachi cũng đã thành thực nhận trách nhiệm về tình huống này", Giám đốc tập đoàn Naofumi Hara cho biết trong một cuộc họp báo tại một khách sạn ở Tokyo, nơi Sony một lần nữa chính thức tuyên bố nhận lỗi về sản phẩm pin laptop. Ông cho biết Sony "chưa có bất cứ biện pháp cải tổ nào trong quá trình quản lý''. "Chúng tôi tin rằng trách nhiệm (về vấn đề quản lý) là thực hiện nhanh chóng chương trình thay thế pin để khôi phục sự tin tưởng nơi khách hàng và người tiêu thụ".
Phó chủ tịch Sony Yutaka Nakagawa cũng đã đưa ra một lời xin lỗi mới đối với khách hàng của hãng nhưng cho biết công ty không có kế hoạch ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh pin, dù scandal này đã khiến cho hình ảnh của của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới trở nên lu mờ. "Chúng tôi nhận thấy sự cố này đã khiến mọi người trở nên lo ngại hơn về độ an toàn của pin lithium ion. Chúng tôi thành thật xin lỗi", ông nói.
Mới đây, hãng sản xuất máy vi tính Gateway của Mỹ đã trở thành công ty mới nhất bị thiệt hại trong chuỗi vụ việc này, buộc phải thu hồi khoảng 35.000 pin laptop lỗi do Sony sản xuất.
Tuần trước, Sony cho biết đã thu hồi khoảng 9,6 triệu bộ pin với tổng chi phí lên tới 51 tỷ Yen (427 triệu USD) do nguy cơ có thể gây cháy laptop.
Sony cho rằng các mảnh kim loại cực nhỏ, vô tình được tạo ra trong quá trình sản xuất các cục pin laptop từ khoảng tháng 8/2003 đến tháng 2/2006, có thể gây chập mạch và làm tăng nhiệt khiến pin có thể gây cháy nổ. Sony cũng đã đưa ra một giả thiết khác rằng có thể laptop của các nhà sản xuất khác khiến cho pin bị tăng nhiệt hơn so với thiết kế ban đầu.
Năm ngoái, công ty này đã phải thay thế 35.000 pin sử dụng cho laptop của Dell cũng do vấn đề tương tự là pin tăng nhiệt gây cháy máy, nhưng mãi tới tận tháng trước mới buộc phải thực hiện chiến dịch thu hồi toàn cầu.
"Việc phân tích công nghệ lúc này có lẽ chưa phù hợp'', ông Nakagawa thừa nhận. "Do pin là loại hàng hoá công nghệ nên chúng tôi chưa bao giờ đảm bảo rằng pin của chúng tôi sẽ không bao giờ có các mảnh kim loại bên trong. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Sony có công nghệ để sản xuất ra pin hiệu quả và an toàn", ông nói.
Sony sẽ đề nghị các nhà sản xuất máy vi tính để xem xét việc sử dụng pin từ các hãng sản xuất khác để để đổi các sản phẩm lỗi trong trường hợp họ không thể cung cấp đủ pin thay thế.
Ông Nakagawa cho biết hãng cũng chưa biết sẽ cung cấp sản phẩm thay thế được khoảng bao nhiêu trong số 9,6 triệu bộ pin đã thu hồi. "Khả năng chia sẻ (thị trường) pin laptop của chúng tôi có thể sẽ thất bại. Chúng tôi chưa biết điều gì sẽ xảy đến với chúng tôi trong tương lai".
Sự cố này đã giáng thêm một đòn chí tử vào Sony trong qúa trình tái cơ cấu, sau khi công ty vang bóng một thời này cố tung ra sản phẩm Walkman nghe nhạc số nhưng đã chịu thất bại dưới tay đối thủ Apple với sản phẩm máy nghe nhạc iPod cực kỳ thành công.
Ph.Thúy (Theo AFP)