(VietNamNet) - Sáng nay (26/10), tại Triển lãm Giảng Võ Hà Nội, Tuần lễ CNTT-TT Việt Nam lần thứ 15 (IT Week 15) đã chính thức khai mạc, với sự tham gia của hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lễ khai mạc IT Week 15 đã diễn ra trọng thể với sự tham gia của T.S Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, T.S Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, G.S Đặng Hữu Khai, Thứ trưởng Bộ KH-CN cùng nhiều quan chức bộ ngành liên quan tới lĩnh vực CNTT-TT.
Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào tháng 11, nên chủ đề chính của IT Weel 15 đã tập trung vào vấn đề "Những cơ hội và thách thức của nền CNTT-TT Việt Nam trong quá trình hội nhập WTO".
Năm nay, Triển lãm IT Week 15 không còn là "sàn đấu" của các nhà phát hành game online do nhu cầu thị trường này bị hạn chế. Chỉ có duy nhất một game Tam Quốc Diễn nghĩa có gian trưng bày. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vẫn giành những vị trí trưng bày chính yếu của khu triển lãm với các dịch vụ điện thoại cố định, di động, đường truyền Internet tốc độ cao...Triển lãm năm nay thu hút khách hàng khá đông ở các gian trưng bày của các hãng máy tính và công nghệ có thương hiệu nổi tiếng, từ Lenouvo tới ASUS, Acer, Canon... Nhưng gây chú ý hơn cả là các trình diễn hoành tráng nổi bật với dàn người mẫu chân dài, hệ thống loa bật nhạc dance hết cỡ, âm thanh chát chúa đến nghẹt thở như để... "doạ khách" của các hãng cung cấp máy tính nội địa với những thương hiệu như Sing PC, Vĩnh Trinh, TLC...
Bên cạnh triển lãm IT Week 15, Diễn đàn IT Week 2006 cũng được tổ chức với cùng chủ đề “CNTT - TT Việt Nam hội nhập WTO - Cơ hội và thách thức”, với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp về CNTT trong và ngoài nước.
Diễn giả Michael Mudd, Giám đốc chính sách khu vực Châu Á-TBD của CompTIA đã trình bày về một số cơ hội và thách thức mà nền CNTT-TT Việt Nam sẽ phải đối mặt khi gia nhập WTO. Cụ thể như những cơ hội về các mức thuế xuất nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao và phần mềm sẽ thấp hơn trước, ngành công nghiệp gia công trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ có tiềm năng phát triển mạnh hơn, điển hình như Ấn Độ.
Tuy nhiên, các thách thức mà ngành CNTT-TT Việt Nam phải đối mặt cũng sẽ không ít. Theo ông Michael Mudd, đó là sự nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều hơn đối với những biến đổi của nền kinh tế toàn cầu. CNTT-TT Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn từ các đối thủ quốc tế có tầm cỡ, và phải tuân theo các luật lệ của WTO, được đánh giá là có sự khác biệt khá lớn so với hệ thống thị trường mà Việt Nam đang có.
Một thách thức khác, đó là phải giữ được sự trung lập về mặt công nghệ, tránh bị phụ thuộc vào các tiêu chuẩn công nghệ của nước ngoài. Tuy nhiên, ngành CNTT-TT Việt Nam cũng phải nắm rõ và tuân theo các tiêu chuẩn công nghệ phổ biến của thế giới để có thể đưa ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn tương thích.
CNTT-TT VN hội nhập WTO - Cơ hội và thách thức
Thứ Trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam và ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam (bìa phải) tại diễn đàn IT Week 2006. |
Phát biểu tại diễn đàn IT Week 2006, Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam đã đưa ra một hình ảnh ví von, mong muốn khi gia nhập WTO, nền CNTT-TT nước nhà sẽ "bơi ra biển lớn, vượt lên trên những con cá mập để có được thành công".
Đại diện cho VNPT phát biểu tại diễn đàn này, ông Bùi Quốc Việt, GĐ Trung tâm thông tin Bưu điện cũng đưa ra hình ảnh ví von về áp lực của việc hội nhập WTO đối với doanh nghiệp chủ đạo của ngành viễn thông Việt Nam này: "Đối với VNPT, việc gia nhập WTO cũng giống như sức đẩy của một chiếc xe tăng, hoặc một chiếc xe ủi, vào con đường mòn của quá trình hoạt động, kinh doanh hàng chục năm qua". Theo ông Việt, có rất nhiều vấn đề thách thức, từ đầu tư, đến chiến lược kinh doanh, VNPT hiện vẫn đang phải xin phê duyệt, trong khi các doanh nghiệp viễn thông khác được tự ý giảm cước. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng sa thải nhân viên, trong khi VNPT là doanh nghiệp nhà nước có rất nhiều khó khăn, rồi còn công đoàn, tổ chức .v.v.
Ông Thân Trọng Phúc, GĐ Intel Việt Nam cũng chia sẻ những vấn đề quan tâm của Intel tại Việt Nam trước việc gia nhập WTO. |
Tại diễn đàn, ông Thân Trọng Phúc, GĐ Intel Việt Nam cũng chia sẻ những vấn đề quan tâm của Intel tại Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập WTO. Theo ông Phúc, trước đây, Intel có một mối quan tâm chính, là đưa công nghệ xử lý của Intel phổ biến đến với người sử dụng, giúp phổ cập CNTT đại chúng. Nhưng nay, khi tiến trình hội nhập đang nóng lên, hãng Intel đã đầu tư xây dựng nhà máy chip tại TP.HCM, thì vấn đề mới mà Intel quan tâm là làm sao xây dựng được một dây chuyền sản xuất tốt, mội đội ngũ nhân lực công nghệ cao đảm bảo chất lượng. Mới đây nhất, Intel Capital đã tham gia đầu tư vào công tư FPT, và trực tiếp quan tâm tới những xu hướng phát triển, đầu tư, hoạt động của nền công nghiệp CNTT Việt Nam.
Chiều ngày hôm nay (26/10), diễn đàn IT Week 2006 tiếp tục bàn luận về hai nghị định dưới luật CNTT. Đó là Nghị định ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật CNTT về Công nghiệp CNTT.
-
B.M
-
Ảnh: Lê Anh Dũng
Một số hình ảnh Triển lãm IT Week 15 và Diễn đàn IT Week 2006: