Microsoft vừa tung ra phiên bản hệ điều hành mới nhất dành cho các thiết bị điện tử gia dụng, từ đầu thu KTS cho đến ĐTDĐ.
Với Windows CE 6.0, gã khổng lồ phần mềm đã thiết kế lại lõi kernel từ con số 0, nâng câo dung lượng của hệ thống từ 32 lên ... 32.000 quy trình cùng lúc. Đồng thời, giới hạn bộ nhớ ảo dành cho từng quy trình cũng được nâng lên thành 2GB.
Hệ quả của những thay đổi này là nhà sản xuất phần cứng sẽ có thêm không gian để nhồi thêm những tính năng phức tạp, tinh vi vào trong sản phẩm của mình.
Từ robot tới smartphone
Windows CE là hệ điều hành nhúng dành riêng cho robot, máy theo dõi huyết áp, máy quét cầm tay và các thiết bị định vị GPS. Ngoài ra, nó cũng là nền tảng cho Windows Mobile, hệ điều hành đã trở nên quen thuộc với PDA và smartphone.
Để đánh dấu Sinh nhật 10 năm của Windows Embedded, Microsoft đã công khai chia sẻ mã kernel của Windows CE 6.0 thông qua chương trình Shared Source của mình.
Windows CE 6.0 cho phép người dùng thiết bị cầm tay kết nối dữ liệu và gọi điện di động dễ dàng, thậm chí giữa các đồng hồ đo km thông minh trên taxi và thiết bị GPS cũng có thể "trò chuyện" với nhau.
Năm ngoái, theo số liệu của Gartner, Windows CE đứng đầu bảng trong danh sách các hệ điều hành dành cho PDA. Rõ ràng là Microsoft đã thành công rất lớn với một hệ điều hành tí hon. Chính vì thế, hãng không ngần ngại bỏ công bỏ sức viết lại Windows CE từ đầu, thay đổi gần như hoàn toàn phần lõi kernel.
"Microsoft hiểu rằng đã đến lúc phải nghĩ về tương lai 5 - 10 năm nữa. Họ đã nghĩ tới viễn cảnh khi hệ điều hành nhúng này xuất hiện trong những sản phẩm như máy quét và TV", chuyên gia Joseph Wilcox của Jupiter Research nhận định.
Trọng Cầm (Theo News Factor)