Những người dùng Internet châu Á đã bắt đầu cảm nhận được tin vui le lói đầu tiên sau sự cố đứt cáp quang khi tốc độ truy cập đã phần nào được cải thiện sau bốn ngày “đen tối” nhất trong thời đại @. Tuy nhiên, các cuộc gọi quốc tế, SMS, email chúc mừng tăng vọt vào thời điểm giao thừa khiến đường truyền Internet châu Á luôn đứng trước nguy cơ quá tải.
>> Chunghwa Telecom tuyên bố không đầu tư thêm cáp dự phòng
>> TP.HCM: Ẩu đả vì... Internet "chết"!
>> Các ISP đã khắc phục một phần băng thông Internet quốc tế
>> Dân mạng VN "náo loạn" và "vô vọng" vì không có... YM
>> Viễn thông châu Á lộ ra "tử huyệt" sau động đất
>> Internet châu Á lừ đừ sống lại
>> Khắc phục sự cố Internet châu Á: Mất ít nhất 3 tuần!
>> "Thoại VoIP và SMS quốc tế của Viettel đều bị ảnh hưởng"
>> "Khắc phục sự cố Internet quốc tế sẽ mất 2-3 ngày"
>> Internet Châu Á hồi phục trong tình trạng... vá víu
>> Đường Internet quốc tế của Việt Nam và châu Á tê liệt
>> Cả châu Á náo động vì mạng Internet tê liệt
>> Châu Á chậm chạp khôi phục liên lạc sau sự cố
>> Sự cố đứt mạng cáp quang: Internet "chập chờn" 10 ngày nữa
Khi đường truyền Internet và điện thoại quốc tế bị gián đoạn, hàng triệu người dân châu Á đã rơi vào cảnh chực chờ email cũng như mỏi mắt trông mong vào những chiếc điện thoại không đổ chuông. Chỉ tới lúc dữ liệu liên lạc được điều dẫn qua hệ thống cáp truyền dự phòng và vệ tinh thì tình hình mới có dấu hiệu hồi phục.
Theo thông báo của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Hồng Kông, mặc dù khả năng kết nối điện thoại quốc tế đã được cải thiện, tốc độ truy cập mạng cũng nhanh hơn phần nào, nhưng cư dân mạng vẫn phải chấp nhận trước sự trì trệ tạm thời của Internet.
Ngày thứ năm tuần qua (28/12), hai tàu sửa chữa đã thả neo ngay bên trên khu vực đứt cáp triển khai công việc, còn ba chiếc khác vẫn đang trên đường tới. Có tới 6 trong số 7 cáp chủ chốt nằm trong eo biển Lozon giữa Đài Loan và Philippines đã bị phá hoại trong trận động đất vừa qua.
Theo thông tin từ các cơ quan hữu trách, nếu điều kiện thời tiết và tình hình thực tế ở biển cho phép, những sửa chữa ban đầu với một hệ thống cáp ngầm sẽ hoàn thành vào ngày 9/1/2007. Các hệ thống cáp ngầm khác sẽ được sửa chữa dần cho tới cuối tháng giêng.
Mong manh trước "cơn bão" thông điệp mừng năm mới
Những người dùng ĐTDĐ cũng được cảnh báo về tình trạng chậm chạp khi gửi tin nhắn từ Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cả chiều đi và nhận trong dịp năm mới vì số lượng tin này rất lớn, có thể gây nghẽn mạng.
Nhà chức trách Hồng Kông cũng khuyến khích người dân nên cắt giảm các hoạt động truy cập Internet đòi hỏi dung lượng đường truyền lớn nếu không thực sự cần thiết, tránh mọi cuộc điện thoại trừ khi cần liên lạc khẩn cấp tới Hàn Quốc.
Các lãnh đạo hãng Infocomm Development phía Singapore cho biết, tốc độ truy cập Internet trong khu vực thành phố đã gần như trở lại bình thường. Trong khi đó, ngày thứ bảy trôi qua, việc kết nối tới các trang web nước ngoài tại Trung Quốc vẫn rất ì ạch.
Một quan chức của China Netcom cho biết, hãng này đang nỗ lực để khắc phục tình trạng. Theo tuyên bố của công ty này hôm thứ sáu (29/12) thì họ sẽ cố gắng để mọi việc trở lại như cũ sau vài ngày nữa.
Tình trạng gián đoạn kết nối mạng đã khiến hàng triệu cư dân Internet của Trung Quốc lao đao, điều này rõ ràng cũng cho thấy, họ ngày càng phụ thuộc vào những dịch vụ web phổ biến kiểu như gửi tin nhắn trực tiếp trong MSN. Kết quả điều tra trực tuyến của trang web Sina.com, cổng thông tin hàng đầu của Trung Quốc, cho thấy, có ít nhất một nửa trong số khoảng 15 triệu người dùng dịch vụ của MSN bị tạm ngưng dịch vụ trong sự cố vừa qua.
Hãng truyền thông Thái Lan CAT Telecom cho biết, tốc độ truy cập mạng trong nước vẫn còn chậm, thêm vào đó là tình trạng người dân gửi quá nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới khiến cho đường truyền “đã chậm nay còn chậm hơn”.
Ông Suthat Uanapaphan, phó chủ tịch tiểu ban mạng quốc tế của CAT Telecom cho biết: “Chúng tôi hy vọng chất lượng dịch vụ mạng sẽ được cải thiện đáng kể sau khi cơ quan quản lý viễn thông Đài Loan sửa chữa và thử nghiệm xong xuôi hệ thống cáp ngầm của Thái Lan vào trung tuần tháng giêng tới.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và các điều kiện tự nhiên có cho phép hoàn thành tiến độ như dự kiến hay không. Quá trình đó có thể sẽ bị trì hoãn. Chúng tôi đã cố hết sức để sửa chữa hệ thống nhanh nhất nhưng sự cố quá lớn. Thêm nữa, trong những ngày nghỉ cuối tuần này, chẳng dễ gì liên hệ được với nhóm quan chức hữu trách ở các nước khác”.
Kim Thoa (Theo AFP)