Khi sự cố đứt mạng toàn cục xảy đến với châu Á tuần qua do động đất , rất nhiều chuyên gia kỹ thuật "quần chúng” đã nhanh tay xoay xở, sử dụng các giải pháp có sẵn để tránh khỏi tình trạng truy cập mạng với tốc độ ì ạch đến “não nề”. Một vài người thiết đặt lại máy tính để tránh bị gián đoạn Internet bằng cách kết nối trực tiếp với các server đặt tại châu Âu để đi vòng sang Mỹ, tránh điểm đứt cáp ở Đài Loan.
Người khác lại sử dụng các chương trình kiểu như Web2Mail, một dạng ứng dụng trực tuyến cho phép lấy nội dung trong các trang web rồi chuyển tới người dùng qua email. Chí ít là với cách thức này, người dùng còn được hưởng một cái lợi nữa là không phải dán mắt hàng giờ trước màn hình máy tính để chờ “loading” từng trang web.
Bên cạnh đó là cảnh hàng dài người nối đuôi nhau đứng chờ bên những chiếc máy tính dùng chung được ưu tiên phục hồi tốc độ truy cập nhanh, hệt như cảnh tượng hàng đoàn taxi phải chực chờ sau một chiếc cứu thương trên xa lộ.
Dù rằng các chuyên gia châu Á vẫn một mực khẳng định, vụ thảm hoạ đường truyền Internet như vừa qua chỉ là hy hữu, hàng trăm năm mới có một lần, nhưng cư dân mạng trên toàn cầu vẫn rất băn khoăn với câu hỏi: “Sẽ như thế nào nếu điều đó tái diễn?”
Rõ ràng là những thủ thuật thay thế khéo léo, không đòi hỏi quá nhiều tới kiến thức chuyên ngành về mạng Internet như vừa được vận dụng ở châu Á, lại không phải dễ dàng với đại đa số những người gắn bó thường xuyên với Internet trong đời sống hàng ngày.
Và thêm nữa, việc gửi thư, nghiên cứu, tiến hành giao dịch thương mại, truyền thông và thậm chí cả gọi điện thời nay cũng đã ngày càng phụ thuộc hơn vào cái gọi là IP hay “Internet Protocol”. Khi xảy ra sự cố đứt mạng, không phải chỉ làm cho một trang web như BBC ngừng tải dữ liệu hay một phiên đấu giá trên eBay phải tạm hoãn, mà là toàn bộ những hoạt động thiết yếu đó cùng bị đình trệ.
Và như thế, điều gì sẽ xảy ra nếu mạng Internet bị ngắt?
Hầu hết các chuyên gia sẽ bảo với bạn rằng đó là điều không thể, rằng cái mà các phương tiện truyền thông gọi là thảm hoạ viễn thông ở châu Á trong thực tế cũng không phải là đứt mạng toàn cục... Rằng họ sẽ chứng minh về đặc tính “tự hàn gắn” của mạng Internet, một phương thức tự tìm lộ trình truyền tải dữ liệu thay thế khi xảy ra sự cố.
Thêm nữa, chúng ta không có quá nhiều lựa chọn. Các lĩnh vực giao thương và truyền thông đã từ bỏ kiểu mạng lưới thực tế “khép kín” với những giai đoạn mở đầu, trung chuyển và kết thúc được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để chuyển sang mạng Internet với tính chất “mở”, hoạt động theo hình thức chia nhỏ dữ liệu thành nhiều gói “bit”, gửi tức thì qua các đường truyền hiệu quả nhất rồi lại “tái hợp” lại tại điểm nhận dữ liệu.
Không giống như 20 năm trước đây, thời điểm mà CompuServe, Prodigy, Fidonet, France's Minitel và hàng ngàn các “bảng yết thị” dial-up nghiệp dư, tự do có thể trở thành những mạng thay thế, ngày ngay, chỉ có một số các công ty đa quốc gia mới đủ điều kiện ưu tiên để có các đường truyền thông tin tư nhân và được bảo hộ. Và bất cứ chính phủ nước nào, nếu có tiến hành xây dựng hệ thống dự phòng khẩn cấp ngừa sự cố thì đều không tiết lộ vì lý do an ninh.
Một số người cho rằng đây chính là thiếu sót “chết người” của mạng Internet, các mạng cá nhân sẽ tăng trở lại ngày càng nhiều, đơn giản chỉ để đảm bảo các kênh truyền thông thay thế an toàn (cũng như chống virus hoặc spam). Trong tương lai xa xôi, những hệ thống mạng khép kín sẽ thay thế kiểu mạng Internet còn nhiều lộn xộn và không hạn chế được như hiện nay.
Lại có người cho rằng thế hệ mạng tiếp theo Internet sẽ hướng tới việc giải quyết thiếu sót đó.
Một dự án nghiên cứu có tên gọi Global Environment for Networking Innovations – GENI – (tạm dịch là Môi trường toàn cầu cho những cách tân về mạng) vừa được triển khai tại Mỹ với mục đích giải quyết vấn đề này và những phức tạp vốn có khác của mạng Internet. Là một phần của sáng kiến Quỹ khoa học quốc gia, GENI sẽ tìm kiếm mô hình và thử nghiệm những cấu trúc tiềm năng nhằm tìm kiếm một mạng World Wide Web mới mẻ và cấp tiến hơn.
Ông Vinton Cerf, một trong những sáng lập viên mạng Internet đồng thời là người truyền bá công nghệ cho Google đã được chọn làm tư vấn cho dự án.
Tất nhiên, phải mất nhiều năm nữa, chúng ta mới có thể biết được kết quả thu được từ dự án nói trên. Thế nên, trong khi chờ đợi, cách ứng phó khôn ngoan, khéo léo của cư dân mạng châu Á với sự cố vừa qua là rất đáng tham khảo.
Đỗ Dương (Theo Herald Trinune)