(VietNamNet) - Qua công tác theo dõi, thống kê và lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) – Bộ Bưu chính Viễn thông đã công bố 10 sự kiện an toàn mạng Việt Nam năm 2006, đồng thời đưa ra dự báo cho 10 xu hướng an toàn mạng Việt Nam năm 2007.
Tổng kết 10 sự kiện an toàn mạng Việt Nam năm 2006
1. Bổ sung các nền tảng pháp lý cho các hoạt động trên không gian mạng
Luật CNTT và Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua sẽ được triển khai cụ thể thành các nghị định, thông tư bổ sung các nền tảng pháp lý cho các hoạt động trên không gian mạng. Nhu cầu bổ sung, sửa đổi Luật Tố tụng hình sự và Luật Hình sự được đặt ra để xử lý hình sự các loại tội phạm trên không gian mạng.
2. Hacker tấn công hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp
Hàng loạt doanh nghiệp bị hacker tấn công với các phương thức và mục đích khác nhau. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề khi bị tấn công đặt ra vấn đề cần quan tâm đầu tư, giải quyết các mối nguy an toàn mạng khi kinh doanh hay hoạt động trên Internet.
3. Nhiều website của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức
Nhiều hệ thống website của Việt Nam không được quan tâm thường xuyên và đúng mức trong tổ chức vận hành và đầu tư nâng cấp an toàn mạng dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Một số trường hợp còn gây nên những tranh cãi sâu rộng trong xã hội về ý thức chấp hành luật pháp của giới trẻ và trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các hệ thống nhạy cảm của các nhà chức trách.
4. Thị trường sản phẩm và dịch vụ bảo mật sôi động
Thị trường sản phẩm và dịch vụ bảo mật sôi động với sự đổ bộ thêm của hàng loạt công ty nước ngoài, phần lớn là các công ty đến từ Châu Á với nhiều chủng loại sản phẩm đa dạng. Nhiều mối quan hệ hợp tác giữa các công ty bảo mật trong và ngoài nước được xúc tiến. Ngày càng có nhiều công ty Việt Nam tham gia phân phối sản phẩm, tư vấn, đào tạo và thực hiện các dịch vụ an toàn thông tin.
5. Xuất hiện tội phạm máy tính chuyên nghiệp
Hàng loạt đối tượng đã bị bắt giữ với các tội danh làm giả thẻ tín dụng, tấn công mạng viễn thông, tấn công từ chối dịch vụ, gửi thư rác, quấy rối và đe doạ hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử,…Tội phạm máy tính Việt Nam đang có xu hướng trở nên chuyên nghiệp và gây ra các tác hại đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của không gian mạng Việt Nam.
6. Cơ quan điều tra trấn áp mạnh mẽ tội phạm công nghệ cao
Lực lượng cơ quan công an điều tra đã vào cuộc mạnh mẽ, lập nhiều chiến công góp phần trấn áp và răn đe tội phạm công nghệ cao Việt Nam. Với sự chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, quy trình và công cụ, quá trình làm việc thực tế chặt chẽ và khoa học, các cán bộ công an đã chứng tỏ năng lực điều tra tội phạm máy tính ở đẳng cấp cao.
7. Mã độc có nguồn gốc Việt Nam phát tán mạnh mẽ
Khởi đầu là virus xRobots, hàng loạt phiên bản và hình thức khác nhau của mã độc có nguồn gốc Việt Nam được phát tán trên không gian mạng Việt Nam. Tuy không thật nguy hiểm nhưng với bối cảnh ý thức người dùng cuối chưa cao, các loại hình mã độc này lây nhiễm với tốc độ cao và phát tán rộng rãi gây thiệt hại lớn vì ảnh hưởng tới số đông người dùng internet.
8. Tăng cường phối hợp bảo vệ không gian mạng Việt Nam
Các cơ quan quản lý nhà nước cùng với các doanh nghiệp ISP, các cơ quan có các hệ thống xung yếu và các đơn vị khác có liên quan đã có những hoạt động tăng cường phối hợp để bảo vệ không gian mạng Việt Nam. Các sự cố phát tán virus đã được khống chế bằng các biện pháp có tính hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn cho một số hệ thống thông tin nhạy cảm và tính ổn định cho toàn không gian mạng Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra hội nghị APEC, cảnh báo sớm và triển khai thành công kế hoạch bảo vệ an ninh mạng trong các dịp lễ lớn là những thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng.
9. Nhận thức và nhu cầu đối với các vấn đề đảm bảo an toàn thông tin gia tăng rõ rệt
Các yêu cầu hỗ trợ, tư vấn và đào tạo đối với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp an toàn thông tin gia tăng rõ rệt. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập bộ phận ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính để chuyên trách xử lý các vấn đề an toàn thông tin của tỉnh, nhiều tỉnh thành khác có kế hoạch thành lập bộ phận này trong năm 2007. Qua các sự cố đã xảy ra, chắc chắn các đơn vị ban ngành, doanh nghiệp và người dùng cuối sẽ có nhận thức đúng đắn hơn đối với các vấn đề an toàn mạng.
10. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo an toàn mạng
Việt Nam tăng cường hợp tác với quốc tế để giải quyết các vấn đề an toàn mạng chung của toàn Internet. Tham gia các cuộc diễn tập của khối ASEAN và khối APEC trong năm 2006 với đầy đủ các nội dung. Tổ chức và tham gia các hội nghị quốc tế về an toàn thông tin với các chủ đề đa dạng. Việt Nam đã thật sự hoà mình vào cộng đồng an toàn mạng thế giới với mong muốn góp phần tích cực cho sự ổn định và an toàn chung của toàn Internet.
Dự báo 10 xu hướng an toàn mạng Việt Nam năm 2007
1. Hình thành mạng lưới phối hợp giữa cơ quan điều phối quốc gia về an toàn mạng với các doanh nghiệp ISP cùng với các nhóm đơn vị khác. Mạng lưới này sẽ tạo khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả cho không gian mạng Việt Nam. Các hệ thống xung yếu sẽ được nhóm các đơn vị tham gia phối hợp bảo vệ chặt chẽ.
2. Lực lượng công an và an ninh Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị chức trách trấn áp mạnh mẽ tội phạm mạng trên cơ sở của một nền tảng pháp lý hoàn thiện hơn.
3. Bảo mật cho các hệ thống quan trọng sẽ trở thành yếu tố tuân thủ. Đầu tư cho an toàn thông tin, cử cán bộ chuyên trách và xây dựng quy trình an toàn thông tin cho hệ thống sẽ được chú trọng.
4. Việt Nam phối hợp với các quốc gia đẩy mạnh đối phó với các vấn nạn lớn của Internet như: thư rác, lừa đảo trực tuyến, mạng máy tính ma.
5. Giới tội phạm máy tính Việt Nam sẽ phân hoá, một bộ phận sẽ ẩn mình, trở nên chuyên nghiệp, nguy hiểm và khó phát hiện hơn.
6. Tấn công có nguồn gốc nước ngoài tăng. Các loại tấn công phổ biến sẽ gia tăng và xuất hiện nhiều vụ tấn công vào các hệ thống có sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến của Việt Nam.
7. Thị trường bảo mật ở Việt Nam sẽ phát triển nóng đặt ra nhu cầu quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các công ty trong và ngoài nước.
8. Sẽ có nhiều hoạt động phạm pháp chuyển sang lợi dụng Internet làm môi trường mới để hoạt động. Các cơ quan chống tội phạm trên mạng sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để trấn áp các loại hình tội phạm này. Nhu cầu công nhận tính pháp lý của chứng cứ điện tử sẽ tăng cao,
9. Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thông tin. Nhiều văn bản pháp quy, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được ban hành. Cơ quan chức năng giám sát và cấp chứng chỉ hợp chuẩn cho các doanh nghiệp, các sản phẩm phần cứng và phần mềm an toàn thông tin.
10. Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam ra đời liên kết những doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin.
-
Minh Huy (Nguồn VNCERT)