Hãy tưởng tượng một ngày nào đó trong chương trình học ở trường, bên cạnh các môn truyền thống như toán, vật lý, văn học lại có thêm môn “video games”. Ý tưởng này là của một giáo sư đại học người Mỹ đưa ra, khi ông kêu gọi các trường học xem xét việc coi những trò video game như công cụ học tập, giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn các kĩ năng nghề nghiệp sau này.
Mặc dù không ít các nhà giáo dục chế nhạo ý tưởng này nhưng có thể thấy trong thực tiễn, những ứng dụng hữu ích của game đã được vận dụng. Quân đội Mỹ có game dùng huấn luyện binh lính, thanh thiếu niên mắc bệnh ung thư coi video game như một cuộc chiến sinh tử với bệnh tật và một vài bác sĩ phẫu thuật chơi game để tay linh hoạt hơn.
Ông David Williamson Shaffer, giáo sư chuyên ngành giáo dục học tại trường Đại học Wisconsin – Madison cho rằng, các trường học nên dùng game để chuẩn bị cho trẻ những kĩ năng nhất định, giúp chúng có đủ khả năng tồn tại trong môi trường lao động ngày càng khắc nghiệt, nơi mà công nghệ thông tin đang ngày càng trở thành đòi hỏi bắt buộc.
Ông Shaffer cũng là tác giả của cuốn sách “How Computer Games Help Children Learn." (Các trò game trên máy tính giúp trẻ học tập như thế nào). Ông nói: “Người ta vẫn nghĩ rằng cách chúng ta dạy trẻ ở trường là phương thức tự nhiên nhất mà ta nên theo. Nhưng giới trẻ tại Mỹ ngày nay đang phải đương đầu với các công việc được chuẩn hoá trong một thế giới sẽ nhanh chóng loại bỏ những ai không có khả năng sáng tạo. Chúng ta không thể cứ mãi dựa vào “kĩ năng và cần cù” để đạt được những sáng tạo ấy”.
Theo ông Shaffer, thế hệ trẻ thời hiện đại đang phải cạnh tranh để tìm chỗ đứng trong công việc với lực lượng lao động giỏi trên toàn thế giới, những lao động có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ.
Chính vì thế, trẻ em cần được tạo cơ hội vận dụng cùng một lúc tất cả những năng lực giác quan bẩm sinh như nghe nhạc, chơi game, xem video, lướt web và trao đổi tin nhắn với bạn bè thông qua máy vi tính hoặc điện thoại di động. Tất nhiên các em vẫn sẽ học các môn quen thuộc như sinh học, lịch sử và vật lý.
Giáo sư Shaffer cho rằng, hệ thống giáo dục ngày nay đã được xây dựng từ hồi cuối những năm 1800 và đó là kiểu giáo dục để tạo ra những con người thích ứng với xã hội công nghiệp của Mỹ chứ không phải một xã hội thiên về công nghệ thông tin như hiện nay.
Với sự thay đổi trong cách thức giáo dục như vậy, giáo sư Shaffer hy vọng sẽ giúp Mỹ cạnh tranh được với các cường quốc lao động chất xám như Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia đang sản sinh hàng loạt các kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu.
Chính phủ các nước Anh và Singapore cũng đã ủng hộ ý tưởng dùng video game cũng như công nghệ khác để xây dựng những phương pháp giáo dục kiểu mới.
Những người đề xuất ý tưởng của các nước này cho rằng, việc chơi video game sẽ giúp trẻ tham gia vào những lĩnh vực có liên quan tới đời sống của chúng, giúp chúng học được kĩ năng làm việc khi chúng lần đầu bước vào các không gian văn hoá và xã hội mới mẻ.
Cũng giống như quân đội Mỹ, một vài tập đoàn doanh nghiệp lớn của nước này cũng đã triển khai ứng dụng việc chơi video game để huấn luyện công nhân.
Giáo sư Shaffer và các cộng sự của ông đã xây dựng hàng loạt những trò chơi giúp sinh viên có điều kiện được tập suy nghĩ như những kỹ sư, nhà quy hoạch đô thị, nhà báo, kiến trúc sư và rất nhiều ngành nghề khác. Những ai quan tâm có thể tìm hiểu danh sách các trò chơi này tại địa chỉ: http://www.epistemicgames.com/eg/?cat=5.
Hồi tháng 3 năm ngoái, giáo sư Shaffer cùng đồng nghiệp đã bắt đầu hợp tác với một trường học tại Madison, Wisconsin để triển khai ý tưởng nói trên và cuối năm nay sẽ làm việc với một trường học khác tại Chicago.
Giáo sư Shaffer nói: “Luôn có những trò game tai hại, điều này cũng giống như những cuốn sách tồi. Vì thế, các bậc phụ huynh quan tâm tới chuyện học hành của con trẻ cần phải tự mình tìm hiểu về những trò game, và quan trọng hơn, họ cũng nên bắt đầu suy nghĩ về cách học theo những phương pháp mới trong một thời đại cạnh tranh toàn cầu của công nghệ số”.
Đỗ Dương (Theo Reuters)