Hãng Fenner Investments có trụ sở tại Texas đang tiến hành khiếu kiện ba đại gia sản xuất game dùng bộ thiết điều khiển game (game controler) là Microsoft, Nintendo và Sony với tội danh vi phạm bản quyền sáng chế của "Low-Voltage Joystick Port Interface" (Giao diện cổng điều khiển điện áp thấp).
Nguồn: Bestbuy.ca. |
Bản quyền sáng chế mà hãng Fenner nhắc tới ở đây chính là đăng ký cho phát minh loại cổng đồng bộ dữ liệu giữa thiết bị điều khiển 5 volt tiêu chuẩn với máy tính. Theo bên khởi tố thì ba hãng này “đang và sẽ tiếp tục sử dụng loại cổng đó trong cách quản lý và trong những hoạt động vi phạm bản quyền của hãng.
Theo đó, Fenner yêu cầu được đền bù thiệt hại với những khoản như thiệt hại do xâm phạm bản quyền, chi phí thuê luật sư, tiền tổ chức phiên toà. Vụ tố tụng này do toà án quận miền đông Texas giải quyết.
Bản quyền thực chất của ai?
Mặc dù Fenner tuyên bố nắm giữ bằng sáng chế số 6.297.751 của Giao diện cổng điều khiển điện áp thấp, song theo biên bản hồ sơ thì thiết kế này lại do công ty Lucent Technologies phát triển năm 1998.
Không rõ bằng cách nào Fenner có được quyền sở hữu hợp pháp của bằng sáng chế nói trên. Liên tiếp có những cú điện thoại gọi tới trụ sở chính của hãng này để hỏi rõ chân tướng sự việc song không có ai trả lời.
Về phía ban quản trị của Lucent Technologies, nay là công ty Alcatel-Lucent, cũng chưa có bất cứ ý kiến giải trình nào.
Đây không phải là vụ kiện đầu tiên Fenner đưa ra nhằm chống lại các ông lớn công nghệ. Năm ngoái, chính Fenner đã từng thua kiện trong phen đối đầu với hai hãng điện thoại Alcatel, Nokia và cả Cisco, vụ tố tụng cũng lại liên quan tới chuyện bằng sáng chế.
Công nghệ game – “cái nôi” của kiện tụng
Gần đây, ngành công nghệ kinh doanh video game thường xuyên có những vụ tranh chấp về luật pháp với đủ các kiểu loại. Nintendo là một ví dụ, gần đây hãng này đã buộc phải tự bảo vệ mình trước những luận điệu liên quan tới những game controler được thiết kế chuyên biệt cho loại đồ chơi Wii của hãng, còn gọi là Wiimote.
Chẳng là tháng trước hãng điện tử Interlink buộc tội công ty của Nhật này ở chi tiết nút bấm trên Wiimote, Interlink cho rằng “cái nút bấm” đó được làm theo thiết kế đã được bảo hộ của hãng.
Tất nhiên, cả Sony lẫn Microsoft cũng đều không tránh khỏi những “va vấp” luật pháp kiểu đó với các thiết bị điều khiển game của họ. Năm 2002, hãng Immersion kiện Microsoft và Sony đã ăn cắp ý tưởng sử dụng tính năng rung trên game controler của hai thiết bị Xbox và PlayStation. Trong vụ kiện lần đó, Immersion đã “vớ” được của Microsoft khoảng 26 triệu USD và “cướp trắng” của Sony 80 triệu USD.
Còn hiện tại, tất cả các đại diện của Microsoft, Nintendo lẫn Sony đều chưa có bất cứ bình luận gì về lời khiếu kiện mới này của Fenner.
Đỗ Dương (Theo NewsFactor)