Không chỉ con người, bản thân Googleplex cũng là đại diện cho sức sáng tạo. Các tòa nhà đã được cơ cấu lại theo hướng thân thiện với môi trường. Năng lượng mặt trời được sử dụng một cách tối đa, các văn phòng sáng choang nhờ vách tường toàn bắng kính mà các nhân viên vẫn gọi vui là "khối rubic thủy tinh".
Dọc theo các hành lang dẫn vào đại sảnh là những tấm bảng trắng ngoại cỡ, dành cho nhân viên tự do viết lại các ý tưởng "đột xuất". Bên ngoài khuôn viên, họ đùa nghịch trên những con xe trượt scooter do hãng cấp cho, hoặc nằm dài sưởi nắng trên những chiếc ghế êm ái, bên dưới cây dù nhiều màu sặc sỡ.
Sáng kiến chạm đến cả một lĩnh vực mà hầu hết các doanh nghiệp đều quên mất, hoặc cố tình làm lơ: Thực phẩm. Googleplex có cả thảy 11 quán cà phê, mỗi quán nằm trong một tòa nhà. Tất cả đều có đầu bếp trưởng, và khẩu vị, phong cách được thiết kế sao cho phù hợp với các nhân viên làm trong tòa nhà nhất.
Năm nay, Google lại vừa mở thêm Cafe180, một quán cà phê hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương khi chỉ tiêu thụ nông sản trong bán kính 180 dặm quanh Googleplex.
Văn hóa tuyển dụng
Nền văn hóa Google được duy trì và bảo tồn nhờ một quy trình tuyển dụng khắt khe, ngặt nghèo, cũng giống như thủ tục tuyển sinh của những trường đại học danh tiếng vậy. Ứng viên thậm chí không cần phải nộp đơn. Chỉ cần họ nổi bật ở một lĩnh vực nào đó, chuyên gia săn đầu người của Google sẽ tự động gõ cửa.
Kinh nghiệm và điểm chác là những yếu tố cần thiết, nhưng quan trọng nhất là ứng viên đó phải có chất "Google" trong người, giám đốc văn hóa Stacy Sullivan nói. "Họ không phải mẫu người truyền thống, họ có điểm khác người".
Mỗi ứng viên được phỏng vấn bởi một hội đồng tối thiểu 5 người. Họ bị xoay như chong chóng trong một series các câu hỏi nhằm kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Có câu trả lời đúng chưa chắc đã trúng, và trả lời sai, chưa chắc đã là thảm họa.
Abraham Egnor, 25 tuổi, được tuyển vào Google cách đây 3 tháng. Anh ta có một ngoại hình rất "Google". Khi đi làm, Egnor thả cho mái tóc dài, đen lòa xòa xuống lưng, diện áo phông đen, quần ngố, đi sandal xỏ ngón và đeo ba lô lừ lừ đi vào văn phòng.
"Quá trình phỏng vấn rất khoai", Egnor nhớ lại. "Một người trong hội đồng nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống và chuyên đưa ra các câu hỏi trái khoáy. Ông ta nói: Này cậu, cậu chẳng có bằng đại học, thế thì làm sao tôi biết trình độ cậu đến đâu nhỉ? Tôi bèn đáp: Có nhiều thứ tôi chưa được học, lẽ dĩ nhiên tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ mình có khả năng tiếp thu rất nhanh".
Xuất khẩu văn hóa doanh nghiệp
Một ứng viên xin việc khác nói với các nhà phỏng vấn từ Google rằng: tính cách xấu nhất của anh ta là lười và hay cáu. Và thế là anh ta không được tuyển.
"Chúng tôi chỉ chọn những ai thích giải quyết các vấn đề hóc búa, các bài toán khó, hơn là những người dễ thỏa mãn hoặc trì hoãn "Ồ, tôi sẽ làm chuyện đó sau 30 năm nữa", ông Laszlo Bock, Phó Chủ tịch nhân sự của Google cho biết.
Kể cả sau khi đã được nhận vào làm, các nhân viên vẫn cần trau dồi kiến thức liên tục. Hãng thường xuyên mời các nhân vật nổi tiếng về thuyết trình tại Googleplex, hệt như trường đại học mời giáo sư về giảng vậy.
Trong một chuyến thăm mới đây, Giám đốc Điều hành Eric Schmidt đã chủ trì một cuộc thảo luận về phụ nữ và chiến tranh với hai khách mời - Gloria Steinem và Jane Fonda. Ở phía sau, một nhân viên tóc tết bím đứng lặng lẽ, trên ngón tay là một con vẹt xám Châu Phi đang đứng tênh tênh.
Với việc quá nhiều văn phòng chi nhánh được mở trên phạm vi toàn cầu, Sullivan nói rằng khó khăn lớn nhất là làm sao "xuất khẩu được nền văn hóa doanh nghiệp tại Googleplex" sang những nơi khác. Nhiều giải pháp được đưa ra, chẳng hạn như chọn một số nhân viên lâu năm, kỳ cựu làm "Đại sứ Google" hoặc dựng các đoạn băng video minh họa "Thế nào là một nhân viên Google".
Trọng Cầm (Theo Washington Post)