221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
895776
Việt Nam sẽ có đường cáp quang sang Mỹ
1
Article
null
Việt Nam sẽ có đường cáp quang sang Mỹ
,

Theo ông Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Viettel Internet, VNPT và Viettel đang bắt tay với 6 doanh nghiệp viễn thông quốc tế để triển khai xây dựng đường cáp quang biển mới nối thẳng đi Mỹ.

Nối cáp quan Internet bị đứt tại biển Đài Loan do trận động đất cuối tháng 12/2006.

Sau sự cố đứt đường cáp quang biển tại Đài Loan hồi tháng 12/2006 khiến mạng internet châu Á, trong đó có Việt Nam gián đoạn trong thời gian dài, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam đã đưa ra kế hoạch lắp đặt đường cáp quang nối trực tiếp với các trung tâm trung chuyển băng thông trên thế giới thay vì phải đi qua các nước như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Kinh doanh Viettel, Tập đoàn BC&VT (VNPT) và Viettel đang bắt tay với 6 doanh nghiệp viễn thông quốc tế gồm: AT&T (Mỹ), CAT (Thái Lan), PLDT (Philippines), REACH (Hong Kong), StarHub (Singapore); Malaysia Telecom (Malaysia), triển khai xây dựng đường cáp quang biển mới với tổng số vốn đầu tư 780 triệu USD nối thẳng đi Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng gia tăng.

Ông Phương cũng cho biết dự án xây dựng đường cáp biển, do Malaysia Telecom khởi xướng từ tháng 2 năm nay, sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 3/2008.

Khi đi vào hoạt động, đường cáp quang sẽ có tốc độ truyền dẫn 1.92 Tbit/s. Điểm nối ra nước ngoài của đường cáp này dự kiến sẽ xuất phát từ ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chuyên gia trong ngành viễn thông đánh giá, đây là một dự án có tính khả thi.

Việt Nam - trung tâm trung chuyển băng thông của khu vực?

Trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi đầu tháng 1/2007, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra triển vọng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để xây dựng và đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển băng thông rộng trong khu vực.

“Sự cố đứt đường cáp quang tại Đài Loan là lời cảnh báo cho thấy những rủi ro có thể xảy ra nếu như một trong những trung tâm trung chuyển băng thông trên thế giới như Hồng Kông, Mỹ…  gặp phải sự cố. Việc xây dựng đường cáp quang riêng là cần thiết” - Ông Hùng nói.

Theo ông, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang xây dựng nhiều tuyến cáp từ Việt Nam nối sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh…

“Tận dụng mạng cáp nối với các nước này, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trung chuyển băng thông trong khu vực. Khi đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc mua bán băng thông với các nước trong khu vực” - Ông Hùng khẳng định.

Ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cũng khẳng định việc xây dựng những tuyến đường cáp quang nối trực tiếp với các trung tâm trung chuyển băng thông ở các nước là việc làm cần thiết và điều này càng thấy rõ hơn sau sự cố đứt cáp biển hồi tháng 12/2006.

Theo ông Liên, việc đầu tư xây dựng đường cáp biển riêng cho Việt Nam sẽ giúp làm giảm rủi ro khi có sự cố tương tự xảy ra.

“Nhu cầu kết nối của Việt Nam đi các nước hiện tăng rất mạnh trong những năm gần đây nên hoàn toàn có thể nghĩ đến việc lập đường cáp cho riêng mình để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, vốn đầu tư xây dựng đường cáp là rất lớn nên cần đặt trước vấn đề kinh doanh trên tuyến cáp như thế nào cho hiệu quả” - Ông Liên đặt câu hỏi.

“Việc cải thiện chất lượng của cáp biển sẽ như thế nào khi đưa vào khai thác? Khi sự cố xảy ra thì việc cứu hộ sẽ được tiến hành ra sao? Những vấn đề này cần được tính toán kỹ”.

(Theo Phạm Tuyên/Tiền Phong Online)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,