Đã bao giờ bạn gặp phải một cửa sổ pop-up siêu "cứng đầu" hay chưa? Vừa đóng xong, một cửa sổ khác đã lại xồ ra trong chưa đầy 1/1000 giây. Bạn khởi động lại máy, bực dọc vì phần mềm diệt spyware quá vô dụng và "để lọt tội phạm".
Đó chỉ là một sự phiền toái, và không bao giờ bạn nghĩ rằng, vì nó mà bạn phải ngồi tù. Cô giáo Julie Amero cũng nghĩ vậy.
Ác mộng đời nhà giáo
Vào ngày 19/10/2004, Jolie đang đứng lớp thay cho một đồng nghiệp bị ốm tại Trường cấp II Kelly, bang Connecticut thì phát hiện thấy mấy cô cậu học trò vừa nhìn vào màn hình máy tính trong góc phòng, vừa cười rúc rích với nhau. Jolie lẳng lặng lại gần và phát hiện lũ trẻ đang chằm chằm nhìn vào một cửa sổ pop-up với hình ảnh khiêu dâm hạng nặng.
Ấy thế nhưng trước tòa, các công tố viên lại cho rằng chính Jolie đã sử dụng máy tính để ghé thăm website đồi trụy từ trước. Và rằng cô đã phạm tội vô ý "làm tổn thương tinh thần và đạo đức trẻ nhỏ" khi để cho tới 10 học sinh lớp 7 xem phải nội dung sex.
Luật sư bào chữa dĩ nhiên bác bỏ chuyện này và khẳng định máy tính đã bị nhiễm spyware, cho nên chỉ cần mở trình duyệt là cửa sổ pop-up dẫn tới website XXX sẽ nhảy ra, không cách gì ngăn lại được.
Jolie một mực khẳng định cô vô tội và từ chối xin giảm án, mặc dù chị đang phải đối mặt với án phạt lên đến 40 năm tù giam. Phán quyết cuối cùng sẽ được Tòa đưa ra vào ngày 2/3 tới đây.
Phản ánh về sự kiện này, phóng viên Steve Bass của PC World cho hay anh không có quyền truy cập tài liệu của tòa, cũng không có bằng chứng về những gì đã xảy ra, lại càng không thể tự tay kiểm tra ổ cứng của chiếc máy tính tội lỗi nói trên. "Tất cả những gì tôi có là một kiến thức đủ dùng về spyware và dọn vệ sinh cho những cỗ PC bị nhiễm malware".
Bằng chứng, giả định và sự biện hộ yếu ớt
Tuy nhiên, Steve Bass đã tiếp cận được chuyên gia máy tính của bên biện hộ, và người này cho biết chiếc PC hoàn toàn không có tường lửa. Các phần mềm diệt virus đều đã quá lỗi thời, không được cập nhật trong khi số chương trình cookie/spyware đang hoạt động lên tới 42.
Quan trọng nhất, anh ta cho biết 27 trên tổng số 42 spyware này đã từng được truy cập trước khi Jolie dùng máy. "Tôi nghĩ mọi chuyện rất rõ ràng: Jolie không sử dụng máy tính đó để xem các nội dung sex như lời bên công tố cáo buộc", Bass viết.
Luật sư biện hộ muốn chuyên gia máy tính nói trên tái diễn lại tình huống bên trong lớp học ngay trước tòa, nhưng bên công tố đã phản đối quyết liệt.
"Theo quan điểm của tôi, nếu thẩm phán được chứng kiến hiện trường vụ việc, Jolie sẽ vô tội", Bass khẳng định.
Kết án nhà trường hay giáo viên?
Câu hỏi đặt ra là ai cần phải chịu trách nhiệm về việc này? Sau khi đọc bài báo đăng trên bản tin Norwich, một tờ báo địa phương và trò chuyện với vài người nắm rõ sự vụ, Bass đã rút ra được vài kết luận.
Công tố viên chĩa mũi súng vào người Jolie, chỉ vì cô đã không tắt máy tính đi ngay lập tức. Tuy nhiên, Bass nói rằng nếu phải đối mặt với tình huống như vậy, anh có lẽ đã rất hoảng loạn (và Jolie cũng vậy) - ngăn không cho lũ trẻ nhìn tiếp vào màn hình và xua chúng ra càng xa càng tốt.
"Sau đó, tôi sẽ ngồi trước chiếc máy tính xa lạ, loay hoay tìm cách tắt màn hình, hoặc tắt máy tính, hoặc cả hai. Tuy nhiên, có vẻ như Jolie đã bị bối rối bởi lời dặn dò của cô giáo mà cô dạy thay, rằng trong mọi trường hợp không được tắt máy tính đi", Bass phân tích.
Ngoài ra, theo những thông tin mà Bass có được, Jolie chỉ là một giáo viên mới vào nghề và không thông thạo kỹ thuật. Tất cả những gì cô có thể làm chỉ là check email trên AOL từ chiếc máy tính ở nhà của người chồng. Đây cũng là những điểm mà tòa rất nên cân nhắc.
Quan trọng hơn, nếu nhà trường đã hoàn thành tốt trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ học sinh, lẽ ra tất cả các máy tính đã phải được cài phần mềm diệt virus và sypware mới nhất. Mãi đến sau khi vụ việc Jolie xảy ra, họ mới xắn tay áo cài đặt phần mềm mới.
Cộng đồng blog đã theo dõi vụ việc một cách hết sức cẩn thận, mặc dù cánh truyền thông chính thống không để mắt đến. Và hầu hết ý kiến đều cho rằng Jolie chỉ là một nạn nhân trong vụ này.
Trọng Cầm (Theo PC World)