(VietNamNet) - Cải cách hành chính là một trong các chủ đề nóng đang được đông đảo người dân quan tâm trong buổi đối thoại với Thủ tướng ngày mai 9/2. CNTT và truyền thông, với vai trò tin học hoá bộ máy quản lý hành chính nhà nước, cũng đang là lĩnh vực được nhiều người kỳ vọng sẽ được Thủ tướng trả lời và định hướng trong buổi đối thoại đặc biệt này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trực tuyến với người dân sáng 9/2/07. Ảnh: Lê Anh Dũng - VietNamNet. |
Ngoài yếu tố chính là “con người”, chắc ít ai để ý đến yếu tố công nghệ là công cụ giúp cho việc tìm người và là nền tảng cho sự công khai, minh bạch và hiệu quả cho công cuộc cải cách hành chính của chúng ta. Đó chính là thành quả của Công nghệ thông tin - truyền thông, công cụ tiên tiến nhất đã đưa cả xã hội loài người tiếp cận tới nền kinh tế trí thức và xã hội thông tin.
Nhưng tiếc thay, chủ chương thì có, nhưng hiện thực chưa thấy đâu. Một thí dụ điển hình dễ thấy khi tra cứu từ “Chính phủ” và từ tiếng Anh “egov Vietnam” trên mạng thì thấy có 2 kết quả khác nhau: Một trang của Chính phủ và một trang của Ban điều hành đề án 112. Rõ ràng chúng ta đã có làm, nhưng đang rất không thống nhất.
Cải cách hành chính phải đi đôi với tin học hoá, nhưng tiếc thay cả hai đều còn ỳ ạch. Về đề án tin học hoá của Chính phủ, đến nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi sau 5 năm ta đã làm được những gì và quan trọng hơn cả tiếp theo ta cần phải làm những gì? Trong khi dư luận chung vẫn đang đặt câu hỏi cho sự ỳ ạch của cải cách hành chính và có cả sự cố thủ của đề án tin học hoá cải cách hành chính giai đoạn vừa qua.
CNTT-TT là động lực quan trọng của sự phát triển, ứng dụng CNTT-TT nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới, hỗ trợ hội nhập, góp phần thành công cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năm 2005, 2006 hai bộ luật về CNTT-TT đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về quyền và nghĩa vụ được hưởng thụ các thành quả của CNTT-TT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng tiếc thay, luật thì đã có, nhưng hải quan điện tử, thanh toán điện tử, xác thực điện tử chưa biết bao giờ có được để các bộ luật về CNTT-TT đi vào cuộc sống thường ngày. CNTT-TT chỉ là công cụ, còn ứng dụng CNTT-TT là trách nhiệm liên quan của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Nhưng đáng tiếc “ông nào” cũng có “quyền” trong hệ thống hành chính mà chẳng ngồi được với với nhau để giải quyết các vấn đề mà quốc tế đã bỏ xa ta hàng chục năm. Phải chăng câu trả lời là “thiếu sự thống nhất và thiếu hẳn một cơ quan điều phối tập trung” cho các “hướng dẫn chung” để toàn xã hội đều được hưởng lợi từ thành quả mà CNTT-TT mang lại?
Hội nhập WTO là cơ hội “đi ra biển lớn” của mọi người dân Việt Nam, nhưng thách thức chẳng nhỏ chút nào và rất tốn kém. Mới đây, một tin ngắn trên mạng nói về việc Tổng thống Rumania khẳng định khi tiếp Bill Gates "Chính nhờ tình trạng sao chép bất hợp pháp mà người sử dụng tại một nước đang phát triển có cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm của Microsoft để khám phá thế giới rộng mở của máy tính và Internet“. Một cách xử sự bản lĩnh và rõ ràng cho hội nhập.
Qua khảo sát từ TP. Hồ Chí Minh với một đầu mối là một sở mua phần mềm văn phòng thương mại cho khoảng 300 nhân viên đã tốn tới 2,5 tỷ đồng. Nếu 80 đầu mối của trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam được tin học hoá văn phòng sẽ tốn 200 tỷ đồng, bằng kinh phí đầu tư cho CNTT tại thành phố này trong cả ba năm.
Vấn đề hội nhập và cam kết quốc tế đặt ra “chúng ta, nhà nước phải làm gì?” để không chỉ Chính phủ và còn hơn 200.000 doanh nghiệp, ngành giáo dục và toàn xã hội sẽ tiết kiệm kinh phí khi chuyển đổi sử dụng các giải pháp, sản phẩm CNTT thay thế đã thông dụng với chi phí dịch vụ rẻ, để CNTT-TT được ứng dụng, sử dụng thành công ở Việt Nam trong các cam kết hội nhập quốc tế.
-
Nguyễn Long (Tổng thư ký VAIP)
Bạn có thể gửi câu hỏi tới Thủ tướng về vấn đề CNTT-TT và tin học hoá cải cách hành chính theo mẫu sau: