Chia sẻ với PV trong những ngày đầu năm 2007 bộn bề công việc, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá nói rằng, ấn tượng sâu đậm nhất của ông khi nhìn lại năm 2006 đầy ắp sự kiện và con số của lĩnh vực CNTT – TT là việc thông tin ngày càng đến với dân được nhiều hơn, khi điện thoại, máy tính và Internet không còn là cái gì xa lạ, cao sang với ngay cả người nông dân chân lấm tay bùn. Đây thực sự là cảm xúc nhân văn của nhà lãnh đạo, nhà khoa học suốt đời gắn bó với sự nghiệp phát triển bưu chính viễn thông, đặc biệt là thông tin cho nông dân và nông thôn.
Mỗi đất nước, mỗi cộng đồng, tổ chức hay từng cá nhân, sau một năm lao động, vật lộn, tranh đấu cho phát triển, cho tiến bộ hay đơn giản chỉ là để tồn tại đều có thói quen nhìn lại để đánh giá, để suy ngẫm về những gì đã làm được và chưa làm được, về những điểm nhấn, những ấn tượng để tạo đà cho năm mới.
Đối với đất nước ta, điểm nhấn của năm 2006 phải chăng chính là những sự kiện khó quên: Đại hội X của Đảng, Hội nghị cấp cao APEC 14, chính thức gia nhập WTO, hay là những kỷ lục về thu hút đầu tư, về kim ngạch xuất khẩu, hay cũng có thể là quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước… Mỗi người đều có thể có cách đánh giá, nhìn nhận của riêng mình. Còn đối với ngành CNTT – TT, nhìn lại năm 2006, một năm đầy ắp những sự kiện từ đầu năm cho đến những ngày cuối năm, vượt lên trên những sự kiện đó, có thể nhận thấy một điểm chung là: CNTT – TT ngày càng có vai trò và ảnh hưởng trong sự phát triển chung của đất nước, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của từng người dân, từ thành thị đến nông thôn như một phần không thể thiếu, không thể tách rời. Từ những đánh giá và chỉ tiêu cho CNTT – TT trong Văn kiện Đại hội X đến Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC về tầm quan trọng của CNTT cho sự phát triển và việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo QG về CNTT, từ sự kiện ông trùm phần mềm thế giới Bill Gates đến Việt Nam đến dự án đầu tư 1 tỷ USD của Intel, từ con số kỷ lục 10 triệu thuê bao điện thoại mới đến việc Viettel, sau khi “trồng” xong trạm BTS thứ 3000 liền tung ra gói cước Tomato “kết nối bằng 0” khiến cho bất cứ ai cũng có thể dùng ĐTDĐ…., tất cả đều có chung một ý nghĩa, một tác động: phát triển và thúc đẩy.
Những ngày cuối năm vừa qua, tôi có dịp về quê, một làng trung du hẻo lánh ở miền Trung. Vừa gặp tôi, người làm ở ngành BCVT, ông chú bộ đội về hưu và mấy đứa em đều hỏi xin ĐTDĐ cũ để dùng làm tôi hết sức ngạc nhiên. Thì ra, sau khi đăng ký rồi chờ cả năm nhưng không lắp được điện thoại cố định do Bưu điện kêu thiếu cáp, giờ đây, khi sóng di động đã tràn về “đầy ắp” cả làng, các vị này tính toán và thấy rằng, dùng di động vừa tiện, vừa “oai”, không đắt hơn cố định là mấy lại không phải chờ đợi nên quyết định “tiến thẳng” lên di động luôn. Nghe chuyện, tôi không khỏi bật cười vì cách tính vừa độc đáo lại vừa táo bạo của mấy đứa em họ. Nhưng rồi lòng lại chợt bâng khuâng vì sự thay đổi đến chóng mặt của làng quê, cái làng quê đồi núi trập trùng mà trong tâm khảm tôi, từ ngày rời khỏi đây để ra Hà Nội học đại học 25 năm về trước, ký ức còn lưu lại bao giờ cũng có một chữ “nghèo”.
Ngày đó, cả làng, cả xã chưa có điện, chưa có đường ô tô, đêm đến chỉ có ánh đèn dầu tù mù. Chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành với những trang sách được đọc dưới đèn dầu. Đến hơn 10 năm sau, làng tôi mới có điện, có đường ô tô. Đó có thể coi là lần “đổi đời” thứ nhất nhờ chính sách đổi mới. Rồi cũng phải đến gần 10 năm nữa, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ở đây mới có Điểm Bưu điện Văn hoá xã, có chiếc điện thoại đầu tiên. Sự kiện này cũng có thể coi là cột mốc “đổi đời” thứ 2 của người dân ở đây. Những năm đó, từ Hà Nội, có việc gì cần báo về nhà, tôi thường gọi về Điểm BĐVHX, nhờ nhân viên ở đây ghi lại rồi nhắn về nhà tôi, hoặc ngược lại người nhà tôi cần gọi ra Hà Nội cho tôi thì chỉ việc lên BĐVHX thay vì phải ra tận Bưu điện huyện cách xa hàng chục cây số. Như vậy cũng đã được coi là một sự “văn minh hoá” ghê gớm rồi. Còn giờ đây là di động và truyền hình vệ tinh (nhờ chảo lậu!), trai làng đã nhiều đứa “di động dắt cạp quần”, ở trường cấp 2 của xã đã có hàng chục máy tính nối mạng Internet (nhờ dự án của Bộ GDĐT).
Thật khó mà tưởng tượng được một sự đổi thay nhanh như vậy ở thời điểm cách đây dăm bảy năm.Trong thời đại mà chúng ta vẫn gọi là “bùng nổ thông tin” này, khi mà thông tin không còn chỉ là chuyện trao đổi tình cảm hay sinh hoạt nữa mà đã trở thành hàng hoá, thành nguồn lực để vươn lên ấm no, giàu có, văn minh thì việc “bùng nổ” thông tin như ở làng tôi hiện nay chắc chắn sẽ làm bật lên những năng lượng mới còn tiềm ẩn sau bao ngăn trở, phong bể trong nhiều đời qua để làm sống dậy cả một vùng quê nghèo khó. Và tôi tin rằng, chuyện này không chỉ xảy ra ở quê tôi mà đang là câu chuyện phổ biến của rất nhiều làng quê Việt Nam.
Trở lại với chuyện về vai trò, ảnh hưởng của CNTT trong cuộc sống hiện nay. Sau những sự kiện hoành tráng hồi giữa năm, đến thời điểm cuối năm, khi mà mọi người chỉ tập trung bàn tính cho năm mới, thì lĩnh vực CNTT – TT vẫn liên tiếp xảy ra những sự kiện khá “động trời” làm cả xã hội quan tâm, vui có, buồn có, kéo dài từ năm cũ vắt sang năm mới. Có thể kể ra đây 4 sự kiện.
Đúng vào thời điểm mà cách đây 2 năm, cơn sóng thần Tsunami hung dữ đột ngột tràn lên cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân các nước Châu Á ( ngày 25/12/2004), cơn ác mộng sóng thần tưởng như sẽ trở lại với các quốc gia này ( trong đó có Việt Nam) khi lời cảnh báo sóng thần được phát ra sau một cơn động đất mạnh 7 độ Richte ở vùng biển Đài Loan. May mắn là sóng thần đã không xảy ra trong thực tế nhưng lại sảy ra một “cơn sóng thần” khác trên môi trường Internet. Sự cố động đất dưới đáy biển đã làm đứt tuyến cáp quang quốc tế ở vùng biển Đài Loan khiến cho hệ thống kết nối Internet của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề trong nhiều ngày. Đối với cộng đồng cư dân mạng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, những người đã quen “sống Internet, ăn Internet, ngủ Internet” , không ngày nào không vào Yahoo!Messenger hay Skype để kết nối với thế giới thì đây quả thực là thảm hoạ. Bao lời than vãn, rên xiết vì sự cố này đã được tung lên mạng. Nhưng ngược lại, một bộ phận người lớn tuổi, các bậc phụ huynh vốn khổ sở vì con cái nghiện Internet hơn việc học thì lại có được một quãng thời gian thoải mái (!).
Sự kiện hacker Bùi Minh Trí, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) xâm nhập trái phép Website của Bộ GDĐT ( và nhiều Website khác) trong một thời gian dài mà đỉnh điểm là hành vi tự tiện thay ảnh của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trên Website này bằng một bức ảnh rất phản cảm của mình (cuối tháng 11/2006) đã bùng lên thành một sự kiện truyền thông, một sự kiện xã hội, làm tốn không ít giấy mực của báo chí trong một thời gian dài, kéo sang cả năm 2007. Sự tham gia nhiệt tình một cách thái quá của nhiều tờ báo cùng ý kiến tranh luận của nhiều nhân vật tên tuổi, nhiều thành phần xã hội, từ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến các chuyên gia CNTT, các nhà giáo và đông đảo bạn đọc của các báo, đặc biệt là báo điện tử đã đẩy sự kiện này ra khỏi tính chất ban đầu của nó. Chuyện hacker tấn công Website không phải là chuyện mới, hành vi sai phạm của Bùi Minh Trí cũng đã rõ ràng và xứng đáng bị xử phạt theo pháp luật. Tuy nhiên, những tranh luận xung quanh sự kiện này cũng đã làm bộc lộ lỗ hổng bảo mật trong an ninh mạng mà quan trọng hơn là những lỗ hổng về nhận thức, về pháp luật đối với những hành vi ứng xử trên môi trường mạng.
Nếu 2 sự kiện nêu trên đều không phải là những sự kiện mang tính tích cực thì sự kiện sáng kiến “nhắn tin ủng hộ người nghèo” được phát động trong chương trình “Nối vòng tay lớn” do UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào đúng đêm giao thừa của năm 2007 xứng đáng được coi là một sáng kiến tuyệt vời, đầy hiệu quả và đầy tính nhân văn. Với sáng kiến này, sức mạnh của CNTT – TT, sức mạnh của lòng nhân ái và sự chia sẻ, đùm bọc trong cộng đồng đã hoà quyện làm một để có được hàng chục tỷ đồng trong một thời gian ngắn để lo Tết, lo nhà cho người nghèo. Chắc chắn rằng, sáng kiến này sẽ không chỉ dừng lại ở việc phát động ủng hộ cho quỹ Vì người nghèo mà sẽ còn được phát huy mạnh mẽ trong nhiều chương trình nhân đạo mang tính cộng đồng khác.
Cuối cùng là một sự kiện còn tương đối mới lạ ở Việt Nam nhưng hết sức ấn tượng vừa xảy ra. Đó là việc cổ phiếu CNTT lên sàn chứng khoán và lập tức gây “sốt” nặng mà minh chứng cụ thể là những người có cổ phần trong Công ty FPT sau một thời gian ngắn thấy tài sản của mình được nhân lên gần 50 lần nhờ cổ phiếu (!). Còn ông Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FPT Trương Gia Bình thì được báo chí phong cho danh hiệu (không chính thức) “Người giàu nhất Việt Nam” với khối tài sản lên đến 2.500 tỷ đồng thông qua giá trị cổ phiếu FPT trên sàn.
Sự kiện này đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thì không có gì lạ và đã trở thành thông lệ: từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong số những người giàu nhất nước theo những thống kê chính thức bao giờ cũng có những nhân vật trong giới CNTT thay cho vị trí thống soái của những nhà tỷ phú trong giới ô tô, dầu lửa hay bất động sản như trước. Còn nhớ ở thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu CNTT cuối thế kỷ trước, theo thống kê của Tạp chí Forbes, tài sản của Bill Gates lên đến hơn 80 tỷ USD, giữ vị trí quán quân của nước Mỹ và thế giới, hơn gấp đôi nhân vật đứng thứ 2. Sau đó, do cuộc khủng hoảng các công ty dotcom năm 2000, chiếc “bong bóng” cổ phiếu CNTT bị vỡ, tài sản của ông vua phần mềm này bị rớt xuống còn… 50 tỷ USD hiện nay nhưng vẫn giữ vững vị trí quán quân. Và trong số những người giàu nhất nước Mỹ và thế giới sau Bill Gates theo thống kê mới nhất vẫn có nhiều tên tuổi lừng danh trong gới CNTT như: Paul Allen, Micheal Dell…Không chỉ ở Mỹ mà ngay cả những nước gần ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng có tình hình tương tự. Vì vậy, sự kiện cổ phiếu FPT sốt giá và “Người giàu nhất Việt Nam” cũng cần được coi là sự kiện tích cực, là niềm tự hào của giới CNTT. Tuy nhiên, trong một xã hội vẫn còn có sự rơi rớt của tư tưởng “không thích người giàu” và việc công khai, minh bạch tài sản riêng còn chưa trở thành thông lệ và được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc thì những thông tin nêu trên cũng gây ra những sức ép đáng kể cho người trong cuộc và dễ hiểu vì sao họ ngại đề cập đến thông tin này.
Nhìn lại năm cũ là để ước mong cho một năm mới, năm Đinh Hợi 2007 phát triển mạnh hơn, nhiều thành tựu và nhiều sự kiện ấn tượng hơn trong lĩnh vực CNTT – TT. Để rồi đến cuối năm, chúng ta lại có dịp tổng kết, đánh giá, bình chọn với những thông tin vui vẻ, tích cực hơn.
(Theo Báo Bưu điện)