Gã khổng lồ tìm kiếm vừa đồng ý mua lại Adscape Media, một hãng chuyên về quảng cáo trong game với giá 23 triệu USD.
Thông tin đáng chú ý này được website Red Herring giật lên cuối tuần trước, trích dẫn một nguồn tin giấu tên nhưng "thân cận với vụ việc". Tuy nhiên, phía Google đã từ chối bình luận với lý do xưa như Trái đất : "Chính sách của hãng là không đáp lại những lời đồn đại, suy diễn hoặc giả định".
Trong khi ấy, giới chuyên gia của ngành công nghiệp video game thì cho rằng nếu thành công, bản hợp đồng này sẽ kích cho thị trường quảng cáo trong game tăng tốc "vù vù".
Nước cờ chiến lược
"Quan điểm của tôi về bản hợp đồng này là nó không có nhiều ý nghĩa với Google cho lắm, nhưng sẽ là một cú hích lớn cho ngành marketing trong game", nhà phân tích Shar VanBoskirk của Forrester nhận định.
Về phần mình, Adscape cũng đang miệt mài tìm kiếm thỏa thuận với gần như tất cả các hãng game lớn hiện nay. Mặc dù vậy, giá trị của hãng không nằm ở những "mối quan hệ hợp tác" này, mà chủ yếu dựa trên đội ngũ nhân lực nội tại, cũng như công nghệ ưu việt mà hãng đang sở hữu. Nó cho phép chèn quảng cáo động trên các Pano, bảng tin xuất hiện bên trong video game.
Tất nhiên, được lợi nhiều hơn từ phi vụ này chính là Adscape. Lẽ đơn giản, so với công việc kinh doanh quảng cáo trị giá hàng tỷ USD và đội ngũ nhân viên bán quảng cáo vừa đông, vừa kinh nghiệm của Gã khổng lồ tìm kiếm, Adscape chẳng bằng đầu ngón tay.
Thành công có lặp lại?
Tuy nhiên, không phải là không có những ý kiến dè dặt được đưa ra. "Google là ông vua của quảng cáo tìm kiếm, nhưng liệu hãng có thành công trên thị trường quảng cáo video game hay không thì khó đảm bảo được", ông Michael Cai, giám đốc bộ phận băng thông rộng và game của Parks Associates cho biết.
"Quảng cáo trong game và quảng cáo tìm kiếm là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Chưa chắc mô hình tìm kiếm đã vận dụng vào được", Cai khuyến cáo.
Cai cho rằng chuyên môn quảng cáo của Google phù hợp với website và những game tĩnh, đơn giản, nhẹ nhàng kiểu như "Solitaire", "Bejeweled" hơn là những trò game online và video game phức tạp, khổng lồ như World of Warcraft. Thế nhưng chính "phần hậu" mới chiếm thị phần áp đảo trong thị trường game trị giá 30 tỷ USD này.
Cú hích
Thông qua Microsoft, Massive đã lợi hơn một nước khi hãng này có điều kiện phát triển quảng cáo trong game dành cho Xbox 360. Trong khi ấy, Sony và Nintendo, hai đối thủ hàng đầu của Microsoft về máy chơi game, đều chưa có chiến lược quảng cáo trong game riêng.
Electronic Arts, Activision và nhiều đại gia game khác trong làng video game toàn cầu cũng đang để mắt đến quảng cáo trong game, nhưng thái độ dè dặt và cẩn trọng vẫn chiếm áp đảo. "Các nhà quảng cáo vẫn còn nhiều không gian khác để vung tiền. Họ chưa muốn mạo hiểm với một thể loại mới như video game", VanBoskirk nói.
Tuy nhiên, việc hai thương hiệu là Microsoft và Google cùng nhảy vào thị trường này có thể giúp thuyết phục những ai còn chần chừ và hồ nghi rằng video game đích thực là một phương tiện quảng cáo có giá.
Trọng Cầm (Theo Reuters)