(VietnamNet) - Đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới vào Việt Nam, trong từng lĩnh vực, trong mỗi thị trường nhỏ - được coi như một tín hiệu để đo đạc, đánh giá mức độ năng động của mảng thị trường ấy. So sánh "thành tích" này của Intel với Microsoft tại VN trong năm qua, Tổng giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á - ông Chris Atkinson cho rằng: giữa họ có một sự khác biệt cơ bản, và cam kết Microsoft sẽ tập trung vào việc phát triển kỹ năng CNTT cho người dân Việt Nam.
Nhìn lại một năm qua và bàn đến những dự định trong năm 2007, PV VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Chris Atkinson, Tổng giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á nhân dịp đầu xuân Đinh Hợi 2007.
- PV VietNamNet: Có thể coi 2006 là một năm thay đổi đáng kể đối với Microsoft trong suốt quá trình hoạt động hơn 10 năm tại VN, với những sự kiện như: Chủ tịch Bill Gates sang thăm VN, hàng loạt hợp đồng bán sản phẩm phần mềm có bản quyền được ký kết sau khi VN gia nhập WTO... Ông có đánh giá gì về những việc đã làm được và chưa làm được trong năm 2006 của Microsoft tại thị trường Việt Nam?
Tổng giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á - ông Chris Atkinson. |
Microsoft đã có mặt tại Việt Nam được hơn 10 năm, và hơn bao giờ hết chúng tôi nhìn nhận được những cơ hội to lớn và cảm nhận được sự lạc quan đến vậy tại đất nước các bạn trong năm qua. Nền kinh tế VN đang tăng tốc rất nhanh chóng, và nhờ đó mà trong một năm qua, Microsoft đã có thể có được một bước đà lớn cũng như động lực lớn để phát triển.
Chúng tôi đã giới thiệu Windows Starter, đây là một chương trình phần mềm giá rẻ bằng tiếng Việt, cũng như các chương trình bằng tiếng Việt trong bộ sản phẩm Office. Chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư nhằm mục đích hỗ trợ việc thu hẹp khoảng cách số cho những người dân Việt Nam hiện chưa có điều kiện tài chính để tiếp cận công nghệ. Một ví dụ điển hình là việc Microsoft hợp tác với Qualcomm để đầu tư trên 1 triệu USD giá trị phần mềm và tiền mặt để thành lập trên 64 Trung tâm Công nghệ Cộng đồng tại khắp các tỉnh thành của Việt Nam.
Trong năm 2006, Microsoft cũng đã hợp tác chặt chẽ với các DN và cơ quan Chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các công ty triển khai sử dụng phần mềm có bản quyền. Mục tiêu chính của chúng tôi là tập trung vào giúp Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ sinh thái phần mềm bản địa lành mạnh với nền tảng cơ bản là quyền sở hữu trí tuệ. Không một công ty nào có thể phát triển hưng thịnh nếu không có và không thực hiện đúng các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ.
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và những bước đi gương mẫu đầu tiên trong việc sử dụng phần mềm hợp pháp. Chúng tôi đánh giá cao và rất hoan nghênh vai trò đi đầu của Chính phủ trong lĩnh vực này. Các công ty cần phải nhìn nhận một điều rằng sự đổi mới và phát triển sẽ không thể tăng tốc trong một xã hội mà các sáng kiến và phát minh có thế bị đánh cắp bất cứ lúc nào.
Từ góc độ của Microsoft, đây chính là lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực và hành động cụ thể, và Microsoft sẽ tiếp tục tập trung mạnh mẽ trong những năm tới vào những hoạt động thúc đẩy sự cải thiện trong lĩnh vực này.
Thực thi bản quyền - không phải chỉ cho Microsoft!
- Và chuyện vi phạm bản quyền là vấn đề mà các ông tập trung quan tâm nhất?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất trên thế giới, và để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự phối hợp của các hoạt động giáo dục và luật pháp. Trong năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến sử dụng phần mềm bất hợp pháp.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và Microsoft rất nỗ lực xúc tiến hợp tác với Chính phủ và cơ quan chủ quản về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các DN và cá nhân tại Việt Nam về tầm quan trọng và giá trị của bản quyền trí tuệ. Không có nền tảng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vững mạnh, một nền kinh tế phần mềm sẽ không thể phát triển và do đó, kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
Năm ngoái, Bộ Tài chính và các DN gương mẫu như Vietcombank đã đi đầu trong việc công bố kế hoạch triển khai phần mềm có bản quyền trên toàn bộ hệ thống máy tính của mình. Chúng ta cần mở rộng hoạt động này và giúp đỡ nhiều DN để họ hiểu việc có một nền tảng bản quyền mạnh sẽ đóng góp thiết thực thế nào để cho xã hội phát triển, chứ không phải chỉ cho Microsoft. Nỗ lực này đòi hỏi còn phải có sự tham gia của toàn ngành chứ không phải chỉ có sự cố gắng của riêng Microsoft. Các DN và người dân Việt Nam cần phải hiểu một điều rằng sử dụng phần mềm lậu cũng chính là một việc làm xấu, không khác gì việc ăn cắp ý tưởng của người khác và khai thác ý tưởng đó một cách phi pháp.
- Microsoft và Intel đều là 2 tập đoàn "đại gia" trên thế giới cùng đang có mặt tại VN. Ông đánh giá và so sánh như thế nào về sự đầu tư vừa qua của Intel vào TP.HCM (tổng trị giá 1 tỷ USD xây dựng nhà máy ATM) với những mối quan tâm tập trung (phần lớn về doanh thu bản quyền) của Microsoft tới thị trường VN?
- Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Tôi rất mừng khi nhận thấy ngoài Microsoft, các đối tác CNTT khác cũng nhìn nhận được những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Giữa Microsoft và Intel có một sự khác biệt cơ bản trong vấn đề đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư của Intel tập trung vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư của Microsoft tập trung vào việc phát triển kỹ năng CNTT cho người dân Việt Nam.
Trong 10 năm có mặt và hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi đã đầu tư nhiều vào những sáng kiến như chương trình Đối tác trong Giáo dục (Partners in Learning) trong lĩnh vực giáo dục, và "Tiềm năng không giới hạn" là chương trình cộng đồng nhằm khuyến khích việc thu hẹp khoảng cách số cho các cộng đồng dân cư còn thiệt thòi.
Microsoft cũng đồng thời phát triển những chương trình cụ thể hướng tới các chuyên gia CNTT và những kỹ sư phần mềm tại Việt Nam như chương trình Cộng đồng Phát triển Microsoft (MSDN). Chúng tôi cũng tổ chức những hội thảo và hội nghị nhằm cập nhật cho cộng đồng CNTT Việt Nam về những tiến bộ mới nhất trong ngành cũng như cập nhật về những sản phẩm phần mềm của tập đoàn.
- Tình hình kinh doanh các sản phẩm phần mềm tại VN của Microsoft năm qua đã khả quan hơn nhiều. Chắc rằng Microsoft đã đặt mục tiêu một mức doanh số nhất định cho năm 2007. Mức đó có thể tiết lộ được không?
- Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này vì chúng tôi không được phép tiết lộ kế hoạch cũng như doanh thu của từng nước.
"Chúng tôi cần tiếp tục chung sống với mã nguồn mở"
- Ông có lo ngại gì về khả năng Việt Nam sẽ phát triển phần mềm nguồn mở để giảm sự lệ thuộc và chi phí bản quyền đắt đỏ của Microsoft? khả năng thị phần sẽ bị chia sẻ, thậm chí sẽ thống lĩnh bởi phần mềm nguồn mở?
Có một từ mà tôi rất tâm đắc và rất tin: "Co-opetition" (cooperative competition). Chỉ một từ thôi nhưng thể hiện được được cả khía cạnh hợp tác và cạnh tranh. Nói cụ thể về mã nguồn mở, chúng tôi hợp tác với họ trong một số trường hợp, và chúng tôi cạnh tranh trong một số trường hợp khác. Đây là một cuộc cạnh tranh lành mạnh và với tư cách là đối tác trong ngành hay đối tác CNTT, chúng tôi tiếp tục cần phải chung sống với mã nguồn mở. Các DN và khách hàng cần được tự đánh giá về hiệu quả kinh doanh và giá trị thu được khi theo đuổi một nền tảng cụ thể, và tự quyết định cho mình nền tảng nào tốt và phù hợp nhất.
- VN là thị trường đang phát triển, nhưng giá các sản phẩm của Microsoft bán tại đây vẫn giống với giá bán tại các thị trường lớn như Mỹ. Cách đây 2 năm, Microsoft đã từng tuyên bố sẽ có chính sách giá riêng cho VN, tương tự như với các nước khác trong khu vực, nhưng chưa thực hiện. Vậy đến thời điểm này, chính sách riêng, đặc biệt, hỗ trợ của Microsoft đối với thị trường VN là như thế nào? Có hay không?
Microsoft đã đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi và các chương trình về giá cho các thị trường đang phát triển cũng như những thị trường khác trên toàn cầu. Ví dụ, Microsoft có một cơ chế giá rất tốt và hợp lý cho những đối tượng khách hàng cụ thể như giáo viên và học sinh, sinh viên. Microsoft cũng đưa ra các phiên bản phần mềm giá rẻ như phiên bản Windows Starter giành cho những người chưa từng sở hữu máy tính.
Đây chính là những ưu đãi và cơ chế giá tốt mà Microsoft giành cho những thị trường đang phát triển, và chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và khai thác thêm nhiều sản phẩm và chương trình mới có khả năng đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của khách hàng tại các thị trường này.
- Xin cảm ơn ông. Chúc ông và Microsoft có một năm mới thành công hơn, có nhiều đóng góp hơn cho quá trình phát triển CNTT của Việt Nam.
-
Huyền Chi (thực hiện)
Ý kiến của quý độc giả: