Năm Bính Tuất 2006 đã đi qua với sự phát triển hết sức ngoạn mục cùng nhiều thành tựu ấn tượng của BCVT-CNTT trong sự phát triển chung của đất nước. Nhân dịp Xuân Đinh Hợi, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam những cảm xúc, ấn tượng của mình một năm đã qua và bước đường sắp tới.
|
Báo BĐVN: - Thưa Bộ trưởng, năm 2006 vừa qua đã ghi nhiều dấu ấn trên chặng đường phát triển của ngành BCVT - CNTT Việt Nam. 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm qua đã được Bộ công bố. Với trọng trách người đứng đầu ngành, Bộ trưởng có thể cho biết những ấn tượng sâu sắc nhất của mình trong năm qua?
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Từ lâu nay, tôi rất trăn trở với việc đưa bưu chính viễn thông đi sâu vào trong lòng dân, phục vụ cho dân ngày một tốt hơn và qua đó nghe được đánh giá của nhân dân để tự sửa mình tốt hơn. Tôi rất vui khi các doanh nghiệp đã có sự đồng thuận, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trên tinh thần vì sự phát triển của quốc gia.
Chính phủ và Bộ BCVT đã chỉ đạo quyết liệt để đạt những mục tiêu mang tính xã hội cao: gần 92% số xã có báo đến trong ngày, gần 8000 điểm BĐVHX có sách báo đọc miễn phí, 100% số xã có điện thoại, phát triển 10 triệu máy điện thoại/năm, ứng dụng mạnh công nghệ vô tuyến, khởi động dự án vệ tinh Vinasat... Thông tin đến với người dân đã không còn phụ thuộc vào khoảng cách xa gần nhờ công nghệ số. Nay chúng ta phóng vệ tinh lên quỹ đạo thì dù địa hình như thế nào người dân vẫn có thông tin. Thế là nông thôn cũng như thành thị rồi.
Tôi đã suy nghĩ trong nhiều năm qua, từ lúc làm giáo viên, đến lúc nghiên cứu và khi làm công tác quản lý thì càng thôi thúc mạnh hơn là làm sao đem lại lợi ích cho những làng quê của chúng ta, như: "Internet về làng", rồi người nông dân có "di động dắt cạp quần". Nay thì những định hướng này đã trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Vừa rồi, tôi có đọc một bài báo của một nữ doanh nhân Việt kiều tại Mỹ trên mạng, chị ấy nói từ năm 2002 Việt Nam đã có những bước tiến rất táo bạo về CNTT. Qua Long An thấy nhiều ngôi nhà bên trong không có đồ đạc gì đáng giá ngoài chiếc bàn thờ nhưng bên cạnh lại có chiếc bàn nhỏ và trên đó là 1 máy vi tính. Sau đó, lên Đà Lạt chị thấy rất nhiều học sinh, sinh viên ngồi trước Internet, chị cảm nhận rằng Việt Nam đã rút ngắn "đáng sợ" khoảng cách với thế giới, nhờ có Internet. Đó là những cảm xúc hết sức chân thành của một người xa quê.
Cũng trong năm 2006, công tác QLNN, từ Bộ đến các Sở BCVT ở địa phương đã có nhiều kết quả tốt. Việc mở cửa, cạnh tranh và tiến tới tham gia WTO đều được tiến hành thận trọng, hiệu quả. Giá cước viễn thông ngày càng hạ, dịch vụ ngày càng nhiều, các doanh nghiệp hợp tác với nhau để hình thành năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ hội nhập, viễn thông và truyền hình trực tiếp phục vụ Hội nghị APEC 14 với chất lượng tốt nhất, kết quả của Hội nghị lần thứ nhất Bộ trưởng CNTT và Truyền thông các nước ASEM tổ chức tại Hà Nội, sự có mặt của Bill Gates và của Tập đoàn Intel ở Việt Nam cũng là những dấu ấn tốt đẹp của CNTT-TT Việt Nam trong năm 2006.
Điều mừng nữa là cả năm có trên 2700 bài báo, bình quân 7 bài mỗi tuần, viết về BCVT và CNTT, trong đó, số lượng bài đánh giá tốt, biểu dương tương đối nhiều. Một số bài đóng góp ý kiến, phê bình thẳng thắn, thậm chí gay gắt nhưng đều rất chân thành và xây dựng. Nhìn chung giới truyền thông, báo chí đã có mối quan hệ thông cảm, gần gũi hơn khi thấy cả ngành ta quyết tâm lấy tích cực để khắc phục tiêu cực.
- Khi làm công tác nghiên cứu, tôi không chỉ chủ trì các đề tài mang tính chất hiện đại hóa mà còn trực tiếp tham gia nhiều đề tài liên quan đến nông thôn, như đề tài y tế từ xa, đề tài về chế tạo các hệ thống truyền dẫn và chuyển mạch dung lượng nhỏ cho nông thôn và sau này, làm công tác quản lý thì đề xuất việc xây dựng các ĐBĐVHX... Đã có những kết quả nhất định được ứng dụng vào thực tế như PCM30, đề án bọc sợi quang, chế tạo tổng đài điện tử 1000 số, chẩn đoán bệnh từ xa, xây dựng các điểm BĐVHX trên phạm vi toàn quốc…
Hiện nay, ở Việt Nam, giá cước điện thoại cố định vào loại thấp nhất thế giới, nhưng với thu nhập của người nông dân, thì mức giá đó vẫn còn cao. Chính vì thế có thể ta phải làm ngược lại với thế giới: người ta phát triển điện thoại IP từ thành phố rồi phát triển dần về nông thôn, còn ta nên mở điện thoại IP giá rẻ và chất lượng chấp nhận được ở nông thôn trước bằng cách kết hợp giải pháp truy nhập với các hệ thống chuyển mạch mềm tự chế tạo. Khi nào điện thoại IP đạt chuẩn chất lượng cao thì ta chuyển cả mạng lưới từ công nghệ truyền thống sang hẳn công nghệ IP.
Khi phát triển viễn thông ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các doanh nghiệp sẽ được Qũy dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ. Mấy năm nay, chúng ta phấn đấu cho "Internet về làng" và người nông dân có "di động dắt cạp quần"… Nay thực tế đã dần sáng tỏ. Hãy tưởng tượng một khi cả 8.000 ĐBĐVHX trong cả nước đều có các cột anten cao lừng lững cho di động, rồi 8.000 điểm này đều có hoặc là cáp quang truy cập, hoặc là bắt sóng từ vệ tinh Vinasat của Việt Nam xuống để cung cấp dịch vụ Internet cho nông dân thì việc thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị gần như không còn là vấn đề.
Mục tiêu phát triển phổ cập CNTT-TT là vì con người, nên không phải chỉ rút ngắn nhanh khoảng cách về công nghệ mà còn phải rút ngắn sự chênh lệch về trình độ dân trí, về số lượng người được thụ hưởng các dịch vụ CNTT-TT. Làm sao trên cơ sở hạ tầng này phải có ngày càng nhiều nông dân được sử dụng những dịch vụ tiện ích, thiết thân đối với họ với mức cước rẻ thì khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị mới được thu hẹp đúng nghĩa. Các ĐBĐVHX từ vị trí những điểm thông tin cộng đồng từng bước sẽ biến thành những trung tâm kinh tế - xã hội của làng xã, vì ở đó người dân có thể thực hiện được cả những giao dịch thương mại không dùng tiền mặt trên một môi trường mới: chợ điện tử.
Năm 2006, CNTT-VT của ta đã phát triển với tốc độ rất nhanh chóng và đạt những cột mốc ngoài dự đoán. Bộ trưởng có bình luận gì về những sự phát triển đó, nhất là cột mốc 10 triệu thuê bao phát triển mới, tốc độ phát triển Internet trên 32%. Bộ trưởng có dự báo gì về sự phát triển của năm mới 2007?
Năm 2006 là năm đất nước ta đã tạo ra được rất nhiều dấu ấn của một quốc gia đang phát triển tràn đầy sức sống: tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 14, chính thức gia nhập WTO, nhận quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Hoa Kỳ... Trong những sự kiện đó, có thể nói lúc nào viễn thông cũng song hành hoặc đi trước một bước. Chúng ta càng thấm thía hơn lời dạy của Bác Hồ: thông tin liên lạc là việc quan trọng bậc nhất của công tác cách mạng.
Một điểm mừng nữa là các doanh nghiệp cũng hài lòng với Bộ về việc quan tâm, tạo điều kiện cho họ phát triển. Những hướng dẫn của Bộ đã giúp doanh nghiệp yên tâm, hồ hởi phấn đấu. Những quyết định của Bộ về vấn đề kết nối đã giải quyết những mắc mớ lâu nay bằng việc chuyển từ cơ chế thỏa thuận sang hợp đồng kinh tế, rất công bằng và đôi bên cùng có lợi. Bản thân các doanh nghiệp cũng có sự đổi mới về tư duy, nhận thức rõ phương châm vừa hợp tác vừa cạnh tranh trong thời kỳ mở cửa.
Trong những năm tới, sẽ có sự chuyển dịch từng bước hệ thống mạng lưới của Việt Nam từ công nghệ TDM sang công nghệ IP. Công nghệ chuyển mạch gói này sẽ giúp giảm giá thành đầu tư, tạo ra nhiều dịch vụ và mở ra triển vọng hội tụ khá sâu sắc giữa các hệ thống tiếng nói, chữ viết và hình ảnh.
Trong khi chuyển đổi, vì mạng lưới truyền thống TDM vẫn còn tốt nên vấn đề đặt ra cho mà các nhà khoa học và quản lý là cần nghiên cứu giải pháp kết nối liên kết hệ thống mạng cũ với hệ thống mạng mới để tạo cho khách hàng những dịch vụ băng rộng mới, những dịch vụ toàn cầu. Như vậy hiện đại hoá nhưng vẫn tiết kiệm được vốn đầu tư cho ngành bằng chính nội lực của mình.
Những tác động của CNTT cần đi vào phục vụ dân sinh. Ví dụ như thẻ điện tử, chứng minh thư điện tử, tài chính điện tử, vé hàng không điện tử... Chăm sóc, theo dõi trẻ em ở nhà trẻ cũng có thể được điện tử hóa, gắn kết nhà trường với xã hội, bằng thông tin hình ảnh, số liệu. Nhanh chóng đưa các dịch vụ Internet, gửi thư điện tử lên màn hình tivi, những màn hình dẹt sẽ trở thành các báo điện tử tại nhà.
Chúng ta phải tạo ra nguồn nhân lực, trong đó mỗi người hoạt động trong lĩnh vực CNTT có thể sẽ trở thành một giám đốc nhỏ. Chỉ cần một chiếc máy tính và một người là có thể thành một công ty. Vậy, cứ hình dung một giám đốc trẻ mang lại công ăn việc làm cho 10 người nữa thì CNTT sẽ góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Và chính CNTT sẽ giúp đất nước nhanh chóng ra khỏi danh sách các nước nghèo.
- Thưa Bộ trưởng, trong sự phát triển đó, vai trò của Bộ BCVT sẽ thể hiện như thế nào?
- Hành lang pháp lý trong lĩnh vực BCVT-CNTT đã tương đối đầy đủ cho việc quản lý ở mức độ như hiện nay. Nhưng trong tương lai, khi sự hội tụ của các dịch vụ ở mức độ cao, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, những nhu cầu của ứng dụng rộng lớn hơn, vai trò QLNN của Bộ BCVT cần phải được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, nâng cao Pháp lệnh BCVT. Hay nói cách khác là xây dựng các đạo luật mới trên cơ sở Pháp lệnh BCVT: Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện, Luật Bưu chính và chuyển phát... Nếu như vậy, cùng với Luật CNTT và Luật GD ĐT, chúng ta sẽ có một hệ thống pháp luật quản lý về CNTT-TT hoàn chỉnh vào năm 2009. Nó phù hợp với tên gọi của Bộ mà chúng ta đang đề nghị.
Thứ hai, Bộ cần thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển CNTT, bằng cách xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách sao cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển mạnh, ứng dụng CNTT được thúc đẩy rộng rãi trong mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương, mọi doanh nghiệp, mọi trường học và đến mỗi người dân. Cần làm sao cho cả xã hội thấy không thể thiếu được ứng dụng CNTT, CNTT thực sự mang lại năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản lý, tiết kiệm thời gian và thúc đẩy tiến trình tự động hóa các quá trình quốc tế dân sinh...
Thứ ba, phải xây dựng được một nền công nghiệp CNTT của Việt Nam. Nếu đi vào xây dựng công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung rồi trên cơ sở tiếp nhận những thành quả của quốc tế, tăng cường hợp tác và phân công lao động quốc tế, thì trong lĩnh vực này Việt Nam cũng không phải là quá kém, quá xa so với các nước đang phát triển. Thế giới vẫn đánh giá tiềm năng nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam thích ứng khả quan với sự phát triển CNTT. Cho nên phải coi phát triển công nghiệp CNTT dựa trên lợi thế so sánh của ta là một mục tiêu nhằm phát triển nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
- Nhân dịp Xuân Đinh Hợi, Bộ trưởng có lời chúc đầu Xuân tới CBCNVC toàn ngành và các cộng tác viên, bạn đọc của Báo BĐVN?
Với đà phát triển này, chỉ sau Tết nguyên đán vài tháng, chúng ta sẽ có một buổi mừng công về việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển điện thoại 35 máy/100 dân mà Nghị quyết ĐH Đảng X đã đề ra cho năm 2010. Vì vậy, tôi rất mong toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành hãy đoàn kết, có một cái nhìn khách quan thực tiễn chủ động xử lý những tồn tại của ngành để từ năm 2007 trở đi chúng ta phát huy mạnh mẽ hơn những ưu điểm và cơ hội trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh. Các doanh nghiệp sẽ là người thực thi những chiến lược mà ngành đề ra, vì vậy cần phải có sự hợp tác với nhau để chúng ta chuyển từ giai đoạn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam sang cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và tiến đến cạnh tranh tầm quốc gia: giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.
Đọc báo cũng là học, là cập nhật kiến thức và tự đào tạo mình. Vì vậy, nhân dịp Xuân mới Đinh Hợi, tôi gửi lời cảm ơn tập thể phóng viên, biên tập viên và cán bộ công nhân viên chức Báo Bưu điện Việt Nam vì những cố gắng trong việc đổi mới nội dung và hình thức của báo trong năm qua và xin chúc các cộng tác viên, bạn đọc gần xa của Báo Bưu Điện Việt Nam một năm mới: Mạnh khoẻ, Hạnh phúc và Thành đạt.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Thực hiện: VÕ ĐĂNG THIÊN - ĐẶNG KIM LONG
ảnh: TRẦN THANH HẢI
(Theo Báo Bưu điện Việt Nam)