Giáo sư người Anh John Sullivan, giảng viên môn truyền thông đa phương tiện và văn hoá Mỹ tại Đại học Virginia tỏ ý nghi ngờ tính chính xác của công cụ Wikipedia. Ông cho rằng, “phải chăng chúng ta đang sống trong một thế giới tồn tại cả một thứ gọi là trí tuệ "fast food"?”
Cũng theo vị giáo sư này thì bộ bách khoa toàn thư mở trực tuyến cũng giống như những phần được gạch chân hay đánh dấu trong nhiều cuốn sách thư viện mà các sinh viên lười biếng chỉ cần lướt qua nắm ý chứ không cần đọc toàn bộ.
Ảnh: Wikipedia.org.
Giới trí thức Virginia ngày nay đang pha trộn nhiều xu hướng tình cảm đối với bộ bách khoa toàn thư mở vừa tròn 6 tuổi Wikipedia. Một số cho rằng, đây là cách thu thập thông tin luôn mới mẻ và dân chủ, trong khi số khác lại tỏ ý nghi ngờ về tính đúng đắn, xác thực của những thông tin vốn được tự do viết và chỉnh sửa bởi bất cứ ai và vào bất cứ lúc nào.
Giáo sư truyền thông học David A. Golumbia thuộc đại học Virginia nhận xét: “Wikipedia khiến cho việc nghiên cứu cũng như tìm kiếm thông tin trở nên sinh động hơn rất nhiều vì mọi thứ luôn được trao đổi hết sức cởi mở”. Ông thừa nhận, bản thân ông cũng là người đã đóng góp bài viết cho Wikipedia.
Theo ông Golumbia, điểm khác biệt duy nhất giữa Wikipedia và Bộ bách khoa toàn thư Britannica đồ sộ trên giá sách chính là ở chỗ, ai cũng có thể xem những bản đã được sửa chữa của các mục từ trên Wikipedia.
Tính chính thống của thông tin?
Nhìn chung ở hạt Albemarle cũng như các trường học tại thành phố Charlottesville của Virginia, người ta đều không khuyến khích dùng Wikipedia trong nghiên cứu khoa học.
Điều họ băn khoăn là, liệu các sinh viên có biết nguồn tin trên Wikipedia là "lẩu thập cẩm" hay không và ai là người đăng thông tin đó?
Cô giáo Patricia Vandever của trường trung học Charlottesville cho biết, cô muốn học sinh của mình học tập và nghiên cứu trên những quan điểm chính thống của các chuyên gia chứ không phải trên bách khoa toàn thư mở trực tuyến. “Một số trang trên đó thông tin hoàn toàn không đúng, và vì thế tôi muốn học sinh của tôi tới tham khảo các sách lưu giữ tại thư viện Alderman (thuộc trường đại học Virginia) hơn”.
Tính đa nguồn tất yếu
Còn cô Sandra Whitaker, điều phối viên về nghệ thuật ngôn ngữ cho các lớp từ 6 đến 12 lại cho rằng, nếu chỉ tính riêng một nguồn duy nhất thì chẳng có nguồn tin nào đáng tin tưởng tuyệt đối.
Cô nói: “Tất cả những thứ bạn đọc thấy hay nhìn thấy đều là những sự thật cần được thiết lập từ nhiều nguồn”. Theo cô Whitaker, ý tưởng về truyền thông nguồn mở sẽ hứa hẹn nhiều khả năng đáng kể với ngành giáo dục.
Tuy nhiên, cô cũng cho biết, rất nhiều mục trên Wikipedia vẫn còn sai sót. Theo cô, “một số mục thì sai thấy rõ, số khác thì nhầm lẫn không chủ ý còn số nữa sai do những biến đổi theo thời gian”.
Trong khi đó, giáo sư Golumbia tỏ ý lo ngại Wikipedia sẽ trở thành trung tâm thu thập thông tin, từ đó làm hạn chế sự phát triển của khoa học. Ông khẳng định: “Tôi không muốn bách khoa toàn thư mở trực tuyến thay thế bất cứ mô hình tri thức nào”.
Đỗ Dương (Theo Technewsworld)