Viện công nghệ Ấn Độ (IIT) tại Mumbai mới đây đã công bố lệnh hạn chế thời gian truy cập Internet trong ký túc xá vì cho rằng việc sinh viên quá say mê với lướt net, chơi game và blog đã ảnh hưởng tới lối sinh hoạt, khiến họ ngày càng sống khép mình hơn và thậm chí có trường hợp còn tự tử.
Internet đã trở thành một công cụ học tập và giải trí không thể thiếu của các sinh viên trên toàn cầu.
Theo ban quản lý trường IIT-Mumbai, các biểu hiện tiêu cực có thể thấy ở sinh viên là họ không thích những hoạt động giao tiếp sôi nổi, nhiều học viên ngủ dậy quá muộn hoặc thậm chí ngủ gật trong lớp học.
Ông Prakash Gopalan, trưởng ban quản sinh trường IIT-Mumbai nhận xét. “Không thể tin được là bây giờ một sinh viên không biết nổi ai đang sống cạnh phòng mình chỉ vì quá mải mê với Internet. Thói quen và nếp sinh hoạt gần gũi, thân mật giữa các sinh viên đã không còn nữa. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này chẳng lấy gì là lành mạnh”.
Học viện công nghệ IIT-Mumbai với khoảng 5000 sinh viên, vốn là một trong 7 trường Đại học công nghệ Ấn Độ được xếp vào loại những trường kỹ thuật tốt nhất thế giới. Đây cũng là vườn ươm đào tạo nên những tài năng trẻ cho những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Song cũng chính vì những khoá học có yêu cầu quá khắt khe, môi trường cạnh tranh khốc liệt và kiểu sinh hoạt khép kín tại khu ký túc xá đã làm tăng áp lực nặng nề với toàn thế sinh viên ở đây.
Hậu quả là lối sống không bình thường và trầm cảm trở nên khá phổ biến trong giới học viên của IIT. Chỉ trong vòng 5 năm qua đã xảy ra ít nhất 9 vụ tự tử. Tính riêng trong hai năm qua tại IIT-Mumbai đã có 2 vụ tự tử và nhiều vụ tự sát không thành khác.
Trong thực tế, IIT-Mumbai cho phép truy cập miễn phí mạng Internet ngay tại phòng ở để giúp sinh viên có điều kiện nghiên cứu, song rất nhiều học viên lấy đó làm thú tiêu khiển như lướt web, chat, tải phim, nhạc, viết blog và chơi game.
Do đó, kể từ đầu tuần này (12/2), việc truy cập Internet bị hạn chế từ 11 giờ đêm đến 12h30 đêm tại toàn bộ 13 khu ký túc xá của IIT-Mumbai. Với cách làm này, ông Gopalan hy vọng các sinh viên sẽ ngủ sớm hơn và dần “chui” khỏi lớp vỏ khép kín để hoà nhập trở lại với cộng đồng.
Tất nhiên, lệnh cấm này chẳng thể khiến các sinh viên vốn không ưa sự bó buộc hài lòng. Rajiv, sinh viên ngành điện tử tức giận nói: “Có lẽ họ nghĩ chúng tôi còn cần được ru ngủ như trẻ con nữa cơ”.
Trên một số blog, mặc dù các sinh viên thừa nhận đúng là có vài vụ tự tử có căn nguyên nảy sinh từ thế giới ảo, song vẫn không đồng tình với cách “thiết quân luật” của nhà trường trong cách thức quản lý đời sống sinh viên.
Dầu vậy ông Gopalan cho biết, ban quản lý các trường IIT khác cũng đang xem xét việc thực hiện lệnh cấm tương tự trong ký túc xá của họ.
Đỗ Dương (Theo Reuters)