Cựu lục địa đang tích cực xây dựng nền móng cho dịch vụ truyền hình di động, với hy vọng công nghệ của tương lai này sẽ kịp ra mắt trước giải vô địch bóng đá châu Âu 2008.
Nguồn: AFP |
Các nghiên cứu thị trường mới đây chỉ ra rằng truyền hình di động có thể thu hút tới 100 triệu thuê bao trên khắp châu Âu vào năm 2010. Trong khi đó, đến năm 2009, thị trường toàn cầu có thể đạt doanh thu lên tới 11,4 triệu euro.
Anh, Phần Lan và Ý đều đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chóng mặt của thị trường TV di động, mặc dù các dịch vụ triển khai đều mới là thử nghiệm. Bản thân Đức, nước chủ nhà của World Cup 2006 vừa qua cũng đã chạy thử một dự án thí điểm tại thành phố miền Tây Duesseldorf.
Hiện nay, có hai công nghệ truyền hình di động đang cạnh tranh với nhau là T-DMB (Truyền hình số mặt đất) và DVB-H (Truyền hình video số cho thiết bị cầm tay). Mỗi công nghệ lại sử dụng băng tần và dải kênh riêng.
Chi phí là chìa khóa
Theo lời đại diện của Ủy ban Viễn thông và Truyền thông, có vẻ như EU đang ngả về phía DVB-H. Công nghệ này đang được ứng dụng tại Ý, Phần Lan và cũng nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ Pháp. Tuy nhiên, chìa khóa quyết định vẫn là giá thành và chi phí.
"Để có thể thực sự hái quả từ thị trường này, cũng như "xuất khẩu" một mô hình kinh doanh truyền hình di động hiệu quả, giống như những gì chúng ta đã làm được với chuẩn GSM của ĐTDĐ, các quốc gia thành viên và nhà sản xuất cần ngồi lại với nhau, thống nhất giá thành trên cơ sở hai bên cùng có lợi".
Nhằm đảm bảo tính liên thông giữa các nền tảng truyền hình di động khác nhau tại các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu đã đầu tư khoảng 40 triệu euro để nghiên cứu và "chống lưng" cho chuẩn DVB mở.
Trong khi ấy, Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Michael Glos nhận định rằng truyền hình di động có một "tiềm năng khổng lồ" đối với nền kinh tế châu Âu, và mở ra một cơ hội "vô tiền khoáng hậu" cho ngành công nghiệp ICT (thông tin và viễn thông) của khu vực.
Trọng Cầm (Theo AFP)