Giữa tháng sau, Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia - BankNet sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở đầu cho việc kết nối hệ thống thanh toán giữa 3 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng cổ phần, nhằm chia sẻ hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch.
Đề án BankNet, với mục tiêu quy tụ hệ thống thanh toán Việt Nam, khởi động từ tháng 4/2003. Hơn một năm sau, Công ty cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia chính thức ra đời, với số vốn điều lệ 94,5 tỷ USD và 8 thành viên.
Trong đó, 7 thành viên là ngân hàng và thành viên còn lại là Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC. Dự kiến, thời gian BankNet sẽ tăng gấp đôi vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu ra bên ngoài và huy động thêm từ các thành viên sáng lập.
Ông Phổ cho biết, đến giữa tháng 4 tới, sẽ chính thức khai trương hoạt động BankNet và mở rộng việc kết nối của 3 ngân hàng thành viên kể trên ra bên ngoài trụ sở.
Đồng thời, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục kết nối với 4 thành viên còn lại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Đông Á (EAB). Bản thân EAB, ACB, SaigonBank và Sacombank cũng đang tham gia liên minh thẻ VNBC. Ông Phổ cho biết, nhiều khả năng BankNet cũng sẽ kết nối với VNBC.
Theo kế hoạch, đúng dịp khai trương hoạt động, BankNet sẽ ký thỏa thuận kết nối hệ thống thanh toán với một đối tác phát hành thẻ Trung Quốc. Dự kiến chậm nhất vào tháng 9, các ngân hàng thành viên trong BankNet sẽ chấp nhận thanh toán thẻ do phía Trung Quốc phát hành. Và đến cuối năm, thẻ của phía Việt Nam có thể được chấp nhận thanh toán tại Trung Quốc.
Sẽ thu phí giao dịch
Tổng giám đốc BankNet Đặng Mạnh Phổ cho biết, hạ tầng kỹ thuật của trung tâm chuyển mạch hoàn tất từ tháng 10 năm ngoái và đến nay đã kết nối thử nghiệm hệ thống thanh toán của hai ngân hàng quốc doanh là Công thương và Đầu tư với Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công Thương (SaigonBank).
Hiện tại, khách hàng dùng thẻ của Ngân hàng Công thương (ICB) có thể đến rút tiền ở ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hay SaigonBank và ngược lại. Tuy nhiên, sự kết nối này chỉ thử nghiệm tại trụ sở của 3 ngân hàng.
Trong tương lai không xa, với một chiếc thẻ duy nhất, khách có thể đến rút tiền tại bất cứ ATM nào, ở bất cứ đâu, song sẽ phải trả một khoản phí nhất định.
BankNet đang xây dựng biểu phí giao dịch và lấy ý kiến thành viên, trong đó dự kiến mức 3.000 đồng đối với mỗi giao dịch rút tiền mặt liên mạng.
Trong đó, BankNet sẽ thu 1.000 đồng phí chuyển mạch và xử lý giao dịch. 2.000 đồng còn lại là phí mà ngân hàng phát hành thẻ (ngân hàng A) sẽ phải trả cho ngân hàng thanh toán (B), nếu khách hàng của ngân hàng A đến rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng B.
Tổng giám đốc BankNet Phạm Mạnh Phổ cho biết, tạm thời, trong giai đoạn đầu, các ngân hàng sẽ tự chịu phí này. Song về lâu dài, khách hàng sẽ phải cùng chia sẻ, mức thu bao nhiêu còn phụ thuộc vào chính sách của mỗi ngân hàng.
"Phí áp với khách hàng sẽ được ấn định ở mức có thể chấp nhận được. Tôi nghĩ khách hàng rất sẵn lòng trả thêm một chút tiền để được hưởng nhiều tiện ích hơn", Phó giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Đầu tư Lê Thị Kim Thu bình luận.
Hiện tại, BIDV có khoảng 400 trạm ATM và gần 1 triệu thẻ. Agribank cũng đã phát hành gần 1 triệu thẻ với 600 ATM trải rộng trên toàn quốc. Thành viên cỡ bự khác là ICB đang sở hữu 400 ATM và phát hành gần 800 ngàn thẻ. EAB, ACB, Sacombank và SaigonBank cũng đang tăng tốc mở rộng thị phần. Khi hoàn tất kết nối, hàng triệu khách hàng sẽ được sử dụng chung dịch vụ của tất cả các ngân hàng thành viên.
(Theo VNE)