Trong một nỗ lực nhằm bành trướng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gã khổng lồ phần mềm dự định áp giá 3 USD cho các phiên bản "tối giản" của Windows, Office và một số phần mềm chủ chốt khác tại các quốc gia đang phát triển.
Chương trình này vừa được Chủ tịch Bill Gates công bố sáng nay (19/4) tại Bắc Kinh, với mục tiêu giới thiệu sản phẩm của Microsoft đến cả những người dùng không có điều kiện sử dụng máy tính cá nhân nhiều cho lắm, nhất là tại những nước nghèo.
Nguồn: AP
Mặc dù thấu hiểu công nghệ là phương tiện kích thích tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng người dân tại các nước này lại bị bó buộc bởi túi tiền hạn chế. Một số chính phủ đã khuyến khích công dân của họ chuyển sang dùng những phần mềm miễn phí thay vì phần mềm của Microsoft, mà đáng chú ý nhất là hệ điều hành Linux và trình duyệt Firefox.
Sáng kiến của Microsoft được công bố giữa thời điểm một dự án phi lợi nhuận mang tên "Mỗi trẻ em một laptop" bắt đầu đưa vào sản xuất những lô hàng đầu tiên. Sử dụng hệ điều hành Linux miễn phí, giá thành ban đầu của những chiếc laptop này là 150 USD, mặc dù mục tiêu cuối cùng là hạ xuống ngưỡng 100 USD. Nhiều quốc gia như Argentina, Brazil và Nigeria đã cam kết đặt hàng và phân phối số laptop này tới tay hàng triệu trẻ em nghèo của họ.
Thiện chí hơn
Trong quá khứ, Microsoft đã chào bán một số phiên bản Windows giảm giá tại một số nước đang phát triển như Malaysia và Thái Lan. Giá thành tuy đã được giảm (30 USD hoặc thấp hơn), song vẫn còn quá đắt so với thu nhập bình quân tại những nước này, đó là chưa kể vô khối điểm bất cập về tính năng. Chính vì vậy, các dòng phần mềm này hầu hết là... ế nặng.
Tuy nhiên, với chương trình mới mang tên Microsoft Unlimited Potential, Microsoft đã tỏ ra thiện chí hơn: Số lượng phần mềm được giảm giá nhiều hơn, giá thành được cắt sâu hơn và quan trọng nhất, tất cả các quốc gia đang phát triển đều được hưởng chính sách ưu đãi này.
Theo lời Phó chủ tịch phụ trách thị trường mới nổi Orlando Ayala của Microsoft, chương trình cũng sẽ áp dụng cho cả những cộng đồng khó khăn, thu nhập thấp ở các nước đã phát triển, kể cả ở Mỹ (Thu nhập khoảng 15.000 USD/năm cho cả gia đình).
Khoản "đầu tư cho tương lai"
Microsoft sẽ cung cấp phần mềm giảm giá cho chính phủ các nước để cài đặt trên máy tính mới, sau đó, chính phủ sẽ tự chịu trách nhiệm phân phối máy tính tới cho người dùng cá nhân.
Giá thành của những cỗ PC nói trên sẽ tùy thuộc vào hãng sản xuất và cấu hình phần cứng đi kèm. Giới phân tích ước tính giá một cỗ PC cơ bản với gói phần mềm Microsoft 3USD cài sẵn sẽ dao động quanh khoảng 300 USD hoặc thấp hơn.
Gói phần mềm sẽ bao gồm Windows XP phiên bản Starter, Office Home và Office 2007. Nếu áp theo giá bán lẻ chuẩn thông thường, chúng có thể lên đến 150 USD.
Hiện cả thế giới đang có khoảng 1 tỷ người dùng máy tính, chủ yếu tập trung tại những nước phát triển. Mục tiêu của Microsoft Ultimate Potential là bổ sung thêm 1 tỷ người dùng nữa vào năm 2015.
Tuy nhiên, một vấn đề đang khiến Microsoft rất đau đầu là nạn phần mềm lậu. Ông Ayala thừa nhận rằng phần mềm vi phạm bản quyền và sự cạnh tranh từ Linux là hai "áp lực" đè nặng lên Microsoft hiện nay.
"Với Microsoft, đây là một khoản đầu tư dài hạn. Sinh viên và trẻ em tại các nước đang phát triển sẽ là những khách hàng thân thiết của hãng trong tương lai".
Có thật sự khẩn thiết?
Ngoài giảm giá phần mềm, Microsoft cũng tích cực triển khai nhiều dự án mang tính cộng đồng khác. Lấy thí dụ, hãng sẽ mở thêm 200 Trung tâm phát minh Microsoft tại 25 nước trong vòng 2 năm tới. Những trung tâm này sẽ đào tạo nhân lực địa phương trong lĩnh vực phát triển phần mềm, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.
Một số chuyên gia phát triển kinh tế vẫn đặt dấu hỏi rằng: Liệu các nước nghèo có nên đầu tư quá nhiều nguồn lực (vốn đã khiêm tốn của mình) cho máy tính hay không, khi mà những nhu cầu như đào tạo giáo viên, xây dựng trường học và mua sắm sách vở còn khẩn thiết hơn? Suy cho cùng, những dự án như của Microsoft và Mỗi trẻ em một laptop đâu phải là quà "cho không biếu không".
Tuy nhiên, ông Ayala khẳng định với việc giá thành các sản phẩm công nghệ ngày càng giảm mà tầm ảnh hưởng của chúng lại ngày một lan rộng, khả năng tiếp cận máy tính và các kỹ năng công nghệ đã trở thành "một yếu tố quan trọng để phát triển".
Trọng Cầm (Theo The New York Times)