Để ngăn chặn nạn gian dối trong thi cử, người ta đã từng cấm học sinh không đội mũ vào phòng học vì sợ chép sẵn những câu trả lời dưới vành mũ, cấm chúng mang theo điện thoại di động vì sợ gửi tin nhắn giúp nhau làm bài. Nhưng dường như lệnh cấm cũng đã biến đổi theo sự phát triển của công nghệ.
Giờ đây, lệnh cấm của các trường học trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu nhắm tới mục tiêu mới là các dòng máy nghe nhạc kỹ thuật số, những thiết bị tiềm ẩn nguy cơ tiếp tay cho kẻ lười học. Những dòng máy bị “đưa vào tầm ngắm” gồm có iPod của Apple và Zune của Microsoft. Theo các lãnh đạo nhà trường, những thiết bị nhỏ gọn này được giấu nhẹm trong quần áo, dây rợ vòng vèo thả qua cổ áo sơ mi còn tai nghe gắn vào tai là hoàn toàn có thể “tác nghiệp” trong phòng thi.
Nguồn: AP
Ông Aaron Maybon, hiệu trưởng trường trung học Mountain View khẳng định: “Giới trẻ bây giờ nhanh lắm, chúng có thể nghĩ ra rất nhiều “chiêu thức” mới mẻ và sáng tạo để giở trò gian dối”.
Mới đây trường Mountain View đã ban hành lệnh cấm dùng máy nghe nhạc kỹ thuật số sau khi các lãnh đạo trường phát hiện một số sinh viên đang tải về máy các công thức và những nội dung khác.
Theo ông Maybon, đã có một giáo viên tình cờ nghe được vài học sinh trò chuyện với nhau về điều này.
Bà Shana Kemp, phát ngôn viên của Hiệp hội các hiệu trưởng trường cấp hai toàn quốc cho biết, dù chưa có những thống kê rõ ràng về tình trạng này song theo bà, việc các trường cấm sử dụng máy nghe nhạc kỹ thuật số cũng không có gì là bất thường lắm.
Bà nói: “Tôi cho rằng nó đang dần trở thành xu hướng chung của cả nước. Chúng tôi hy vọng mỗi vùng sẽ có chính sách phù hợp với công nghệ, điều đó sẽ giúp giảm thiểu các vấn nạn của ngành giáo dục”.
Theo bà Kemp, việc sử dụng các máy nghe nhạc để gian lận trong thi cử mới chỉ là hiện tượng vừa xuất hiện, song với một số giáo viên và những người quản lý thuộc thế hệ trước, điều này cũng gây ít nhiều khó khăn trong việc phát hiện các chiêu thức lạm dụng công nghệ của học trò.
Theo em Damir Bazdar, 16 tuổi, học sinh trường Mountain View, một số sinh viên còn dùng các loại máy ghi âm tương thích với iPod để ghi âm trước các câu trả lời cho bài thi để sử dụng về sau.Chưa kể những em khác còn tải vào máy những bài dịch sẵn rồi giấu ở dạng các file văn bản “lời bài hát”.
Em Kelsey Nelson, 17 tuổi, cho biết, em có thói quen nghe nhạc sau mỗi lần làm xong bài thi, tuy nhiên, sau lệnh cấm nói trên, thói quen này đã không thể duy trì. Em cho biết, dầu vậy thì lệnh cấm vẫn chẳng ngăn được các sinh viên sử dụng thiết bị đó.
Nelson nói: “Người ta vẫn có thể luồn dây tai nghe qua tay áo rồi gắn vào tai, sau đó làm như thể đang áp tay lên đầu, như vậy hoàn toàn vẫn có thể dùng được iPod. Những người có ý định lừa dối thì vẫn sẽ lừa dối, bất chấp việc họ có hay không có máy nghe nhạc”.
Dẫu vậy thì các trường học trên toàn thế giới vẫn hy vọng những lệnh cấm kiểu ấy ít nhất cũng giúp ngăn chặn tình trạng gian lận trong trường học.
Anh Henry Jones, giáo viên trường cấp hai San Gabriel tại San Gabriel, California đã từng tịch thu máy iPod của một học sinh trong lớp khi phát hiện trong máy có dấu các đáp án bài thi, các đoạn dịch sẵn và danh sách định nghĩa từ. Các trường học ở Seattle, Wash cũng đã áp dụng lệnh cấm này.
Việc triển khai lệnh cấm không chỉ dừng lại ở Mỹ. Năm nay, trường cấp hai St. Mary College tại Sault Ste. Marie, Ontario, Canada cũng đã triển khai lệnh cấm ĐTDĐ và máy nghe nhạc kỹ thuật số. Trong khi đó, Đại học Tasmania ở Úc cũng cấm iPod, kim từ điển, máy nghe đĩa CD và các máy kiểm tra lỗi ngữ pháp.
Song, trái với xu hướng này thì đại học Duke tại North Carolina lại bắt đầu cung cấp máy iPod cho sinh viên từ ba năm trước đây trong dự án thử nghiệm sử dụng máy nghe nhạc như một thiết bị hỗ trợ cho giáo dục.
Theo ông Tim Dodd, giám đốc điều hành trung tâm hoàn thiện học thuật của Duke, các máy nghe nhạc số đã chứng tỏ là thiết bị rất đắc dụng trong một số chương trình giảng dạy như âm nhạc, kỹ thuật và xã hội học. Tại đại học Duke, các trường hợp gian lận trong thi cử đã giảm dần trong suốt 10 năm qua phần lớn là vì sinh viên được đòi hỏi sự hoàn thiện về học thuật.
Đỗ Dương (Theo AP)