Ít ai biết rằng, trong lúc nguồn lực của VN có hạn, nhà nước lại có tới 18 chương trình, đề án, dự án công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm cấp quốc gia kém hiệu quả, gây lãng phí lớn, mà đề án 112 chỉ là một...
Một lễ ký kết hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNTT của Bộ KHCN. (Ảnh: HS) |
Tháng 5/2001, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 81/2001/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động triển khai chỉ thị 58 cho giai đoạn 2001-2005.
Tháng 7/2002, Thủ tướng lại có quyết định số 95/2002/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT ở VN đến năm 2005. Theo đó, có bốn chương trình, 14 đề án, dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu:
+ Đến năm 2005 đưa trình độ và hiệu quả ứng dụng CNTT trong cả nước đạt mức trung bình của các nước trong khu vực.
+ Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân ở trung ương, TP Hà Nội, TP.HCM đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực; công nghiệp CNTT đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 20-25%.
+ Công nghiệp phần mềm đạt giá trị sản lượng khoảng 500 triệu USD/năm, trong đó xuất khẩu đạt 200 triệu USD; đào tạo thêm 50.000 chuyên gia về CNTT...
Dự thảo tổng kết của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT mới đây cho thấy. sau năm năm thực hiện chỉ thị 58 của Bộ Chính trị, trình độ ứng dụng CNTT của VN vẫn còn tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa đạt mức trung bình trong khu vực như đã đề ra trong kế hoạch. Những kết quả nghèo nàn đó khiến VN đứng trước thách thức lớn với mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra là đạt trình độ tiên tiến trong khu vực vào năm 2010.
“Ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. (Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị)
Mặc dù các chương trình, đề án, dự án này đã “ngốn” của Nhà nước hơn 12.150 tỷ đồng (thống kê chưa đầy đủ) nhưng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cho rằng, việc ứng dụng CNTT chưa có tác động đổi mới lề lối làm việc của bộ máy công chức, chưa phục vụ tốt công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tốc độ phát triển về ứng dụng CNTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Về công nghiệp CNTT, các chỉ tiêu về sản lượng phần mềm, xuất khẩu phần mềm và sản xuất máy tính, thiết bị truyền thông trong nước đạt chưa tới 50% chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, đầu tư cho các chương trình, đề tài, dự án vừa nhỏ giọt vừa dàn trải, trùng lặp nhiều và thiếu sự phối hợp, gây lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Thật khó tin khi cả 14 đề án, dự án trọng điểm đều không hoàn thành.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, nguyên nhân dẫn tới việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án nói trên không hiệu quả là do:
+ Không có cơ chế đặc thù để triển khai ứng dụng và phát triển CNTT.
+ Thiếu một hệ thống tổ chức chỉ đạo và quản lý thống nhất, tập trung và có hiệu lực; chưa khai thác tốt kinh nghiệm quốc tế để rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, chi phí và tránh các thiếu sót. Phân bổ vốn đầu tư ngân sách chưa hợp lý, không theo trọng điểm và nhiệm vụ trọng tâm, nặng về cơ chế “xin - cho” và phương án triển khai không tính đến hiệu quả đầu tư.
Thế nhưng ban chỉ đạo vẫn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép tăng dần đầu tư cho CNTT và truyền thông từ nguồn ngân sách, tiến tới đạt mức không ít hơn 1% ngân sách từ năm 2001 (ngân sách đầu tư cho CNTT giai đoạn 2001-2005 chỉ ở mức 0,2-0,4%).
TS Mai Anh, ủy viên Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội cho rằng, trước nhất, ứng dụng phải phục vụ dân.
- Thưa ông, có phải Nhà nước đã lãng phí hơn 12.000 tỉ đồng của dân khi đầu tư cho gần 20 chương trình, đề án, dự án trọng điểm quốc gia được triển khai không hiệu quả trong thời gian qua?
TS Mai Anh: "ứng dụng phải phục vụ dân". (Ảnh: HS) |
Nguồn lực của ta có hạn: nhân lực yếu, thiếu, ngân sách có hạn... nên khi triển khai độc lập quá nhiều chương trình, đề án, dự án có qui mô, mục tiêu quá kỳ vọng thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả và không thành công.
- Theo ông, vì sao lại có quá nhiều chương trình, đề án, dự án được phê duyệt như vậy?
Bỏ qua một bên tình trạng “chạy” chương trình, đề án, dự án, chúng ta cũng phải thông cảm với việc nhiều ngành muốn ứng dụng CNTT cho ngành, lĩnh vực mình. Do vậy ngành nào cũng cố có một đề án trong kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT của quốc gia. Nhưng việc khoanh gọn các mục tiêu cần đạt sao cho khả thi ứng với nguồn lực thực tế, theo tôi, mới là quan trọng.
Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Phú Thọ (sản phẩm của đề án 112) mới chỉ có thiết bị, không có thông tin cập nhật
- Có ý kiến cho rằng việc ứng dụng CNTT tại VN kém do nội dung các chương trình, đề án, dự án còn chung chung, ôm đồm nhiều mục tiêu?
Việc ứng dụng một công nghệ cao như CNTT vào các hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội là rất khó. CNTT chỉ là công cụ kỹ thuật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật, qui chế công tác, cải cách hành chính... mới là vấn đề quan trọng đảm bảo thành công cho một chương trình ứng dụng CNTT. Trong khi đó, hơn mười năm qua hầu hết kế hoạch tổng thể, chiến lược, chương trình, các dự án CNTT cấp quốc gia đều do các chuyên gia CNTT thiết kế, xây dựng nên chúng thường mang sắc thái chủ quan của người làm CNTT. Bên cạnh đó, cải cách hành chính cũng chưa song hành với các dự án quốc gia về ứng dụng CNTT.
- Đích cuối cùng của ứng dụng CNTT vốn phải là phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ cộng đồng?
Nhà nước của chúng ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vấn đề cơ quan nhà nước phải phục vụ nhân dân tốt hơn đã được đề ra trong nhiều nghị quyết. Theo tôi, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan công quyền cũng phải lấy mục đích và định hướng phục vụ người dân tốt hơn qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, định rõ tên các dịch vụ công, tiêu chí của chúng và lộ trình cần hoàn tất việc cung cấp các dịch vụ công này cho người dân...
- Ông đánh giá thế nào về việc ngân sách nhà nước phải bỏ ra cho các chương trình, dự án này và có cho rằng có sự thất thoát tiền đầu tư của Nhà nước qua cách triển khai, quản lý như vừa qua?
Ở đâu có tiền mà ở đó cơ chế quản lý không chặt chẽ, mục tiêu đặt ra không cụ thể, qui trình triển khai dự án, đánh giá nghiệm thu kết quả không chặt chẽ thì có thất thoát.
- Đề án 112 đang được tiến hành kiểm toán. Việc này liệu có nên áp dụng đối với những chương trình, đề án, dự án còn lại?
Theo Luật ngân sách, tất cả các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước đều phải được kiểm toán. Tôi cho rằng mọi chương trình ở tầm quốc gia thì Kiểm toán Nhà nước sẽ phải thực hiện kiểm toán.
- Ông nghĩ sao khi Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án 112?
Cái được, cái chưa được của đề án 112 đã được đánh giá qua nhiều bài viết, nhiều thảo luận, nhất là trong báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội.
Việc Thủ tướng quyết định ngừng triển khai đề án 112 là đúng đắn, được xã hội ủng hộ. Còn việc đưa CNTT vào ứng dụng trong các cơ quan nhà nước để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đó, cũng như định hướng phục vụ người dân tốt hơn qua các dịch vụ công trực tuyến thì không thể dừng được. Chúng tôi thấy rằng cái khó nhất là làm sao rút được các kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn, không giẫm chân vào các sai lầm cũ.
(Theo Tuổi trẻ Chủ nhật)