Tình hình “khai thác” trái phép cáp viễn thông tại một số tỉnh ven biển trong thời gian qua hết sức nghiêm trọng và đáng báo động. Hầu hết ngư dân cho rằng đi biển vô tình gặp cáp, tưởng phế liệu nên lấy về bán chứ không biết mức độ, tính chất quan trọng của loại cáp này. Đã đến lúc các ngành chức năng phải vào cuộc...
Hơn 11 km cáp quang biển Cà Mau "mất tích"
Khắp nơi “khai thác”... cáp biển
Cáp viễn thông “khai thác” trái phép bị đồn biên phòng 714 Xẻo Nhàu (Kiên Giang) thu giữ ngày 20/4/2007. (Ảnh: TTO)
Tình trạng “khai thác” cáp viễn thông trên biển manh nha từ cuối năm 2005, rộ lên trong năm 2006 và đầu 2007. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an (C15), tổng số cáp viễn thông đã “khai thác” bị phát hiện, bắt giữ lên đến 808.252kg.
Tháng 5-2006, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) phát hiện và bắt giữ hai tàu đánh cá Kiên Giang đang “khai thác” trái phép 42.640kg dây cáp viễn thông. Số cáp này đã bị cắt rời nhiều đoạn, mỗi đoạn dài 2-4m.
Tiếp đó, ngày 2/6/2006, Cơ quan điều tra Công an BR-VT phát hiện đối tượng đang trên đường vận chuyển 15.300kg dây cáp đã qua sử dụng đi tiêu thụ. Đối tượng này khai nhận mua lại số cáp trên của một người tên Đây, chủ tàu đánh cá ở Kiên Giang tại phao số 0.
Mặc dù ngay từ đầu các cơ quan chức năng BR-VT xác định việc “khai thác” cáp viễn thông là trái phép và xử lý (phạt hành chính), nhưng ngày 10/8/2006 Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này lại có công văn gửi UBND tỉnh BR-VT đề xuất cho phép ngư dân được thu gom số cáp phế liệu trên biển. Sau đó, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ Bình Giã, P.10, TP Vũng Tàu) cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng xin phép “khai thác” cáp biển.
Ngày 16/8/2006, UBND tỉnh BR-VT có công văn đồng ý để Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với ông Nguyễn Văn Hòa tổ chức thu gom cáp phế liệu trên biển tại các tọa độ đã xác định trước. Sau khi được cấp phép, ông Hòa cùng một số người khác huy động nhiều tàu bè tổ chức “khai thác” phế liệu, cáp viễn thông dưới biển, tập kết tại kho ở BR-VT rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Trước việc “khai thác” cáp viễn thông (kể cả có phép và không phép) ngày một rầm rộ, có thể ảnh hưởng đến hệ thống cáp viễn thông đang hoạt động của Nhà nước, ngày 6/2/2007 Công an BR-VT có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị không cho khai thác cáp ngầm trên vùng biển Vũng Tàu. Ngày 13-2-2007 UBND tỉnh BR-VT có công văn yêu cầu chấm dứt việc thu gom cáp phế liệu trên biển.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, ngày 6/2/2007 lực lượng chống buôn lậu công an tỉnh đã phối hợp với bộ đội biên phòng phát hiện hai tàu đánh cá đang vận chuyển 154.338kg cáp viễn thông cập cảng Trần Đề (thuộc xã Trung Bình, Long Phú). Các đối tượng khai nhận trong quá trình đánh bắt thủy hải sản, cả hai tàu phát hiện lưới bị vướng dây cáp ngầm. Sau đó đã tiến hành cắt và trục vớt số cáp mang về đất liền bán.
Ngày 13/3, Công an tỉnh Ninh Thuận cũng phát hiện một tàu cá cập vào cảng Muối (thôn Phương Diên, Cà Ná, Ninh Thuận) và bốc lên hai ôtô khoảng 50 tấn cáp đã chặt ra thành từng khúc để vận chuyển về TP.HCM. Ngày 4/4 tại cảng Ninh Chữ, Công an tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh bắt giữ hai tàu vận chuyển khoảng 34.000kg cáp được cắt khúc, bên trong có lõi đồng. Chủ hàng Hà Thắng (sinh 1966, ngụ P.5, TP Vũng Tàu) khai nhận số cáp này được “khai thác” tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) và thu mua của ngư dân trên đảo.
Ngày 9/3, Công an tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện ba tàu đánh cá do Lê Thị Kim Liên và Nguyễn Sỹ Tùng (Kiên Giang) làm chủ chở khoảng 366.000kg cáp. Các đối tượng cho biết số cáp này được “khai thác” cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 120 hải lý.
Phải ngăn chặn ngay!
Cáp viễn thông “khai thác” trái phép bị bắt giữ tại Bạc Liêu. (Ảnh: TTO)
Sau khi bắt giữ nhiều vụ “khai thác” cáp, công an một số tỉnh có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) và Bộ tư lệnh Quân khu 7 đề nghị xác định đặc điểm chủng loại, tính năng sử dụng và cơ quan quản lý. Qua giám định, Bộ tham mưu Quân khu 7 cho biết đây là cáp viễn thông quân đội Mỹ (cáp đồng) được thiết lập trước năm 1975, kết nối từ Thái Lan đến BR-VT, Cam Ranh (Khánh Hòa) đi sang Philippines rồi về Mỹ. Tuyến cáp này do Cộng hòa liên bang Đức thực hiện và bảo hành.
Từ những năm 1980 hệ thống này đã ngưng hoạt động, nhiều lần bị ngư dân cắt, thu bán phế liệu. Hiện thông tin Quân khu 7 không quản lý tuyến cáp này. Bưu điện các tỉnh cũng xác định không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Riêng loại cáp bị phát hiện ở Bạc Liêu có nguồn tin cho rằng có thể đây là loại cáp quang giống như loại cáp đang sử dụng vừa bị mất tại vùng biển Cà Mau. Qua đối chiếu với số cáp bị bắt giữ ở BR-VT, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết “số cáp bắt giữ ở Bạc Liêu có loại có những đặc điểm tương tự (như cáp quang - NV) nhưng cũng có loại có những đặc điểm khác biệt”, do đó cơ quan điều tra đang lúng túng trong việc xử lý. Hiện Công an Bạc Liêu đang chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát và C15 để tiến hành xử lý vụ việc.
Điều đáng lưu ý, theo tài liệu từ cơ quan điều tra, trong số cáp viễn thông do cơ quan chức năng của tỉnh BR-VT thu giữ “có một số thiết bị đầu nối của đường cáp dưới biển nghi vấn có chứa chất phóng xạ bên trong” (hiện số thiết bị này đang được Cơ quan điều tra Công an BR-VT quản lý, xác minh).
Theo cơ quan điều tra, phần lớn số cáp sau khi “khai thác” được các ngư dân hoặc đầu nậu đem bán phế liệu. Hai lô cáp bị tịch thu tại BR-VT, Bộ đội biên phòng đã giao cho Sở Tài chính... bán đấu giá. Cả hai lô hàng đều do ông Trần Ngọc Ẩn (DNTN Ngọc Ẩn, 185 Bạch Đằng, P.15, TP Vũng Tàu) trúng đấu giá. Lô hàng 42.640kg được mua với giá 162 triệu đồng, lô 15.300kg bán với giá 107 triệu đồng. Đối với một số lô cáp khác, Công an BR-VT cũng đã xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng với mức phạt 10 triệu đồng, tịch thu và chuyển số cáp trên sang Sở Tài chính tỉnh lập hồ sơ bán đấu giá.
Ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện các đối tượng “khai thác” trái phép cáp viễn thông từ các nơi gửi về, lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát (phía Nam) đã yêu cầu tiến hành điều tra, xác minh đề xuất hướng xử lý. Qua xác minh, Tổng cục Cảnh sát cho biết việc “khai thác” cáp viễn thông trên biển là có thật. Hệ thống cáp bị “khai thác” tại vùng biển các tỉnh phía Nam là hệ thống dây cáp đã ngưng sử dụng.
Tuy nhiên, dù ngưng sử dụng hay đang sử dụng, việc “khai thác”, vận chuyển, buôn bán cáp viễn thông trên vùng biển VN mà không xin phép các cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật được qui định tại nghị định 137 ngày 16-6-2004 của Chính phủ. Hậu quả của hành vi khai thác cáp trên biển có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn trong hoạt động thông tin liên lạc của Nhà nước và của cả xã hội... Vì vậy, việc ngăn chặn hành vi “khai thác” cáp trái phép trên vùng biển VN là công việc cấp thiết.
(Theo Hoàng Khương/Tuổi Trẻ)
Trung tướng Phạm Nam Tào, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (văn phòng phía Nam): “Đây là hành vi vi phạm mới...” - Hành vi “khai thác”, buôn bán trái phép cáp viễn thông là vi phạm pháp luật. Tổng cục Cảnh sát đã có công điện gửi công an các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau chỉ đạo thực hiện ngay một số biện pháp để ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm. Đây là hành vi vi phạm mới nên các cơ quan chức năng lúng túng trong quá trình xử lý. Qua làm việc với cơ quan công an, hầu hết ngư dân cho rằng do vô tình đi biển gặp cáp tưởng phế liệu nên lấy về bán chứ không biết được mức độ, tính chất quan trọng của loại cáp này. Có xử lý hình sự hay không còn tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi đó. Tổng cục Cảnh sát đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an về vấn đề này. Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng chỉ dừng lại ở việc xác minh, thu thập chứng cứ chứ chưa tiến hành xử lý. Trong khi chờ ý kiến của bộ, Tổng cục Cảnh sát yêu cầu công an các địa phương phối hợp các cơ quan, ban ngành thông báo rộng rãi trong bà con ngư dân biết việc “khai thác” cáp dưới biển là trái phép vì đó là tài sản quốc gia, ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Khi phát hiện các vụ buôn bán, vận chuyển mặt hàng cáp quang, cơ quan công an tiến hành lập biên bản tạm giữ hàng hóa, không được giam giữ người. |