Như đã thông tin, Việt Nam hiện chỉ còn 1 tuyến cáp quang biển truyền hầu hết dung lượng thông tin liên lạc trong nước đi quốc tế sau khi 1 tuyến ngừng hoạt động do bị cắt trộm.
Liên tiếp trong những ngày qua, VNPT đã gửi nhiều văn bản cầu cứu cơ quan chức năng, nhưng tình hình chưa được cải thiện. Các chuyên gia viễn thông cho rằng nếu không có biện pháp quyết liệt, nguy cơ Việt Nam bị “cô lập” thông tin với thế giới bên ngoài đang hiện rõ.
Theo ông Bùi Thiện Minh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BC&VT Việt Nam (VNPT), thông tin liên lạc từ Việt Nam đi quốc tế được truyền tải trên 2 tuyến cáp quang biển là TVH và SMW3; 3 tuyến cáp đất liền gồm CSC, VNPT-China Unicom và TPHCM-Phnom Penh; hệ thống thông tin vệ tinh Intelsat. Trong khi đó, 2 tuyến cáp quang biển truyền tải đến trên 83% dung lượng thông tin liên lạc.
Điều đáng nói là, lưu lượng thông tin liên lạc của tất cả các ngành, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam gồm VNPT, Viettel, FPT, Saigon Postel, EVN Telecom, Hanoi Telecom cũng đều chạy trên 2 tuyến cáp này.
Tàu được hãng viễn thông Singapore Singtel nghi là của Việt Nam đang “khai thác” cáp quang trên biển.(Ảnh do tàu cáp chuyên dụng Asean Explorer cung cấp)
Trong khi đó, theo đánh giá của tầu sửa chữa cáp chuyên dụng Asean Explorer được VNPT thuê kiểm tra sự cố, 98 km của tuyến cáp TVH đã bị cắt. “Hiện nay chưa có bất kỳ biện pháp nào đảm bảo rằng việc tuyến cáp SMW3 không bị cắt trộm dẫn đến mất liên lạc quốc tế không xảy ra.
Thậm chí nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Lâm Quốc Cường – Phó Giám đốc Cty Viễn thông Quốc tế (VTI) - đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 tuyến cáp quang biển trên - lo lắng.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh còn cho rằng nếu tuyến cáp còn lại bị cắt trộm, Việt Nam sẽ bị “cô lập” về thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài.
“Với những hệ thống truyền dẫn hiện nay, lưu lượng thông tin đi quốc tế đã khá “chật” và đôi khi còn bị “nghẽn”. Nếu hệ thống chuyển tải hơn 80% lưu lượng thông tin mất đi thì Việt Nam gần như bị “cô lập” về thông tin liên lạc.
Lúc đó, trừ những cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước, không nơi nào có thể liên lạc đi quốc tế”. Đương nhiên nếu điều đó xảy ra, mạng Internet sẽ bị “sập” trước tiên.
Liên quan đến tuyến cáp quang còn lại, ông Nguyễn Xuân Trụ – Vụ phó Vụ Viễn thông (Bộ BC&VT) - đánh giá tình hình hiện nay là “đặc biệt nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Bộ BC&VT Đỗ Trung Tá cũng tỏ ra hết sức lo ngại về tình trạng khai thác trộm cáp quang. “Tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh thông tin quốc gia” - Ông Đỗ Trung Tá nói.
Khắc phục: Ít nhất 3 tháng
Theo tính toán sơ bộ của CAT (Thái Lan), đơn vị góp gần 45% vốn cùng VNPT và một số nhà khai thác cáp quang quốc tế khác xây dựng tuyến TVH từ 1995, chi phí dự kiến phải trả cho tàu cáp khắc phục sự cố lên đến 3,5 triệu SGD (khoảng 2,6 triệu USD).
Do mức độ sự cố lớn (không chỉ cáp bị cắt trộm mà một bộ khuếch đại lặp (repeater) cũng bị lấy cắp nên tàu cáp đã ngừng sửa chữa và quay về cảng Singapore đỗ chờ quyết định của Hội đồng Quản trị hệ thống TVH. Cty CAT đã chính thức đề nghị ngừng sửa chữa, bỏ luôn hệ thống bị cắt trộm này.
Tuy nhiên, do nhận thấy tuyến TVH hết sức quan trọng trong mạng lưới thông tin liên lạc của khu vực Đông Nam Á nên CAT sau đó đã nhượng bộ nhất trí sửa lại hệ thống.
Một phần của 300 tấn cáp quang biển ở Bạc Liêu bị công an thu giữ Ảnh: Tuổi trẻ
Song, theo ông Bùi Thiện Minh, sau khi đánh giá, tàu cáp chuyên dụng Asean Explorer khẳng định sẽ mất ít nhất 88 ngày, chưa kể thời gian làm thủ tục xin phép hoạt động tại vùng lãnh hải Việt Nam, để rải các đoạn cáp và bộ lặp tín hiệu quang (repeater) mất trộm.
Tuy nhiên, công việc đến nay vẫn chưa được tiến hành. “Nếu bỏ 2,6 triệu USD để khắc phục ngay sự cố, chúng tôi sẵn sàng chi ngay lập tức. Tuy nhiên, VNPT không thể tự ý làm việc này bởi tuyến cáp liên quan đến nhiều nhà khai thác chung nhau” - ông Minh bức xúc.
Phó Giám đốc VTI Lâm Quốc Cường cho biết nếu công việc diễn ra không đúng tiến độ, sẽ khó thuê phương tiện sửa chữa bởi toàn bộ vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chỉ có 3 tàu cáp chuyên dụng.
Cần một biện pháp đủ mạnh
Trước tình hình trên, Bộ BC&VT đã chủ trì cuộc họp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tìm ra biện pháp ngăn chặn những hành động phá hoại.
Các bên thống nhất một số biện pháp cụ thể là: Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ tư lệnh Hải quân, lực lượng cảnh sát biển tăng cường tuần tra, bảo vệ các tuyến cáp quang biển có trạm cập bờ tại Việt Nam.
Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh ven biển điều tra, xử lý nghiêm đối với những hoạt động khai thác trái phép cáp viễn thông trên biển; UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình viễn thông…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng vừa có công văn giao cho cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ BC&VT và UBND các tỉnh, thành ven biển nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định quản lý việc khai thác, thu mua, buôn bán các loại phế liệu trên biển nhằm hạn chế việc lợi dụng đánh bắt hải sản để xâm hại các loại cáp quang trên biển đang được sử dụng.
Ngày 24/5, Bộ trưởng BC&VT Đỗ Trung Tá đã ký tiếp công văn báo cáo chi tiết với Thủ tướng Chính phủ và đề xuất những biện pháp xử lý về vấn đề trộm cắp cáp viễn thông trên biển.
Tuy nhiên, các chuyên gia viễn thông hiện vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn đối với “huyết mạch” thông tin còn lại. Bằng chứng là những công văn “cầu cứu” đã được gửi đến các cơ quan chức năng từ 27/4, nhưng đến 22/5, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn bắt được 3 tàu cá chở 40 tấn cáp quang “khai thác” được trên biển.
Trước câu hỏi, quả vệ tinh Vinasat được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2008 liệu có thay thế được cáp quang trên biển, ông Bùi Thiện Minh khẳng định: không thể trông đợi vào vệ tinh.
“Vinasat chỉ có tác dụng lớn nhất là phủ sóng vào vùng sâu vùng xa và dùng để dự phòng. Nó chỉ có dung lượng 720 MB so với đường truyền hơn 5 GB của Cty Điện toán và Truyền số liệu VDC (tương đương với 20% đường truyền của VDC). Cáp quang biển vẫn là phương tiện truyền dẫn hiệu quả nhất” - ông Minh nói.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng BC&VT Đỗ Trung Tá, Bộ đang thúc giục đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm tuyến cáp quang AAG chạy thẳng từ Việt Nam đi các nước Đông Nam Á và sang Mỹ đầu tiên với sự tham gia của VNPT, Viettel và SPT. Tuy nhiên, theo dự kiến, phải đến tháng 10/2008, tuyến cáp này mới được xây dựng xong.
(Theo Hải Hà/Tiền Phong)