Những buổi hòa nhạc diễn ra trong thế giới ảo "Second Life" sẽ như thế nào? Đó là sự hội tụ cùng lúc của cả 3 nền tảng: tường thuật trực tiếp, Internet và thế giới ảo để mang đến cho người xem một trải nghiệm chưa từng có.
Trong một nhà kho nhỏ, bỏ hoang ở khu công nghiệp phía bắc Denver, ba ban nhạc địa phương là Bad Weather California, Born in the Flood và Meese đang cuồng nhiệt tham gia một show trình diễn dị thường.
Nguồn: BBC
Dị thường là bởi vì nhà kho đó chính là đại bản doanh kiêm trường quay của một hãng Video Internet mang tên ManiaTV, và còn bởi màn biểu diễn của 3 ban nhạc đang được tường thuật trực tiếp trên mạng truyền hình IPTV của hãng này.
Nhưng điều làm cho buổi hòa nhạc tại Denver trở nên hoàn toàn khác biệt, là vì không chỉ được truyền đi trong thế giới thực, nó còn được phát sóng trực tiếp trong thế giới ảo Second Life nữa.
Lại nữa, bạn tự nhủ đây đâu phải là lần đầu tiên người ta lên Second Life để ca hát. Năm ngoái, 2 nghệ sĩ Suzanne Vega và Ben Folds đã từng dùng avatar của họ để "quậy" một trận tưng bừng trên sân khấu đấy thôi.
Ý tưởng hấp dẫn
Nhưng xin lưu ý rằng Denver đã cố gắng hội tụ cả 3 nền tảng - trực tiếp, Internet và thế giới ảo, vào trong một sự kiện duy nhất.
Động cơ nào khiến họ làm vậy? Bởi vì doanh số tiêu thụ của đĩa CD đang tuột dốc không phanh, doanh thu từ nhạc số chưa đủ để tạo nên sự khác biệt, các sự kiện trực tiếp có thể là "sản phẩm của âm nhạc trong tương lai", và vì thế, người ta không ngừng phát minh ra những hướng khai thác lợi nhuận mới.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên sự liên thông không giới hạn giữa cả 3 nền tảng", ông Farook Singh, Chủ tịch hãng ManiaTV, nơi đã tiến hành sản xuất buổi biểu diễn tại Denver cho biết. "Binh thường khi phát sóng một chương trình gì đó, các fan sẽ chỉ được xem trên một nền tảng mà thôi".
Lấy thí dụ, những ai thưởng thức chương trình của ManiaTV sẽ không chỉ xem được hình ảnh từ nhiều góc quay camera khác nhau, mà còn được thưởng thức cả một góc nhìn đặc biệt của Second Life, ghi lại cảnh avatar của các ban nhạc đang trình diễn.
Trong khi ấy, những thành viên của Second Life, nếu thấy chán với cảnh các avatar chơi nhạc (vì thiếu sinh động chẳng hạn), có thể chuyển sang xem video truyền trực tiếp ngoài đời thực, đang được phát trên màn hình lớn đằng sao "sân khấu ảo".
Những ai đang xem trực tiếp ngay tại trường quay cũng có thể thưởng thức cả hai thế giới nói trên, nhờ 25 màn hình TV được lắp khắp không gian.
Một thí dụ khác chính là chuỗi buổi hòa nhạc Live Earth sắp diễn ra vào tháng 7 tới. Không chỉ tổ chức nhiều buổi liveshow cùng lúc tại nhiều nước trên thế giới, các nhà sản xuất còn tường thuật trực tiếp sự kiện này thông qua mạng truyền hình của MSN.
Người xem có thể lựa chọn một trong nhiều góc máy camera khác nhau, tương tác với bản đồ thành phố nơi liveshow đang diễn ra và thậm chí là gửi các video do họ tự chế về chủ đề bảo vệ môi trường cho ban tổ chức nữa.
Lợi nhuận lâu dài hay sự hiếu kỳ nhất thời?
Tất cả những nỗ lực này sẽ mang về lợi nhuận như thế nào thì chưa ai biết chính xác. Các nghệ sĩ có thể thu tiền từ cả IPTV lẫn Second Life, còn các nhà tài trợ có thể trả thêm chút đỉnh để banner của họ xuất hiện trên cả hai thế giới thực lẫn ảo. Tuy nhiên, trước khi ý tưởng này chinh phục được các nghệ sĩ lớn lẫn các nhà tài trợ lớn, nó cần phải được hoàn thiện thêm đã.
Trước hết là vấn đề thời gian trong Second Life. Làm cho 30 avatar thay quần áo, biểu diễn cùng lúc, chưa kể thời gian tải video ở mỗi nơi dài ngắn khác nhau, khiến cho việc "tường thuật trực tiếp" như ngoài đời thật hết sức khó khăn và vấp váp.
Vấn đề thứ hai chính là bán vé. Cũng như ở ngoài đời thực, bạn bè trong thế giới ảo muốn cà kê, tụ tập cùng nhau chứ không một mình thưởng thức sự kiện nào, dù nó có được đánh giá cao đến mấy.
Và cuối cùng chính là công việc kiểm soát avatar của các nghệ sĩ. Vì những nghệ sĩ biểu diễn ngoài đời thật làm sao có thể ngồi trước màn hình máy tính để chỉnh sửa avatar cho mình, dĩ nhiên là phải có người giúp họ việc đó. Muốn cho mái tóc của Pete Townshend tung bay trong gió đâu chỉ những câu lệnh thông thường là được, chúng cần phải được lập trình trước. Một giải pháp khả dĩ là sử dụng công nghệ "bắt cử động", nhưng rất đắt.
Gạt tất cả các yếu tố công nghệ sang bên, câu hỏi quan trọng nhất là liệu buổi hòa nhạc ảo có thu hút được khán giả hay không.
Khoảng 1200 fan đã đăng ký tham gia show của ManiaTV trên Second Life, và khoảng 40.000 người khác xem tường thuật trực tiếp qua IPTV. Đây quả là kết quả ngoài mong đợi đối với một sự kiện chẳng được tiếp thị, quảng bá là mấy. Nhưng ai cũng hiểu khi sự tò mò chết đi, liệu "thành tích" có còn vang dội đến thế?
Trọng Cầm (Theo Reuters)