221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
942200
Lợi ích - Những khuôn mặt khác nhau
1
Article
null
Lợi ích - Những khuôn mặt khác nhau
,

Hai tuần qua quả là có nhiều "vụ việc" trong đời sống thường ngày. Thấp thoáng sau các vụ việc đó là các khuôn mặt khác nhau của lợi ích.

Những chai nước tương có chất 3-MPCD độc hại và những đoạn cáp biển bị cắt.
Những chai nước tương có chất 3-MPCD độc hại và những đoạn cáp biển bị cắt.
Vụ nước tương (hay "xì dầu" theo cách gọi ngoài Bắc) khiến người ta ba lần choáng váng. Choáng váng vì hóa ra mỗi người có thể đã nhận vào mình không biết bao nhiêu lượng chất 3-MPCD độc hại. Choáng váng thứ hai là bởi cái thái độ, cái triết lý kinh doanh man rợ của một số nhà sản xuất. Họ làm và họ bán thứ nước tương độc hại đó cho cả người lớn, trẻ em, cho cả các bà mẹ mang thai sử dụng. Khi bị phát hiện, họ buộc phải làm nước tương theo quy trình khác, không có độc tố. Nhưng rồi họ dùng quy trình này để làm nước tương xuất khẩu, cho người ngoài ăn. Còn đồng bào của mình - "đồng bào", theo nghĩa gốc, là sinh ra cùng một bọc - thì họ tiếp tục cho xài nước tương làm theo dây chuyền cũ.

Họ nói rất hồn nhiên về lý do: vì mùi vị nước tương sạch không hợp khẩu vị người dùng, nên tiêu thụ chậm. Nếu như họ ghi lên vỏ chai, rằng nước tương này sạch nhưng vị không ngon, nước tương này vị ngon nhưng ăn vào có thể ung thư - thử hỏi người dân sẽ chọn loại nào? Đây không chỉ là tham lam (tham lam còn có thể tha thứ được). Đây là sự vô sỉ, không thể tha thứ nổi, không thể chỉ lên án qua dư luận, mà phải bị kết tội nơi pháp đình. Một lần nữa, chúng ta chứng kiến khuôn mặt trắng trợn của một thứ lợi ích - thứ lợi ích chà đạp lên lợi ích người khác, cái khuôn mặt mà thế kỷ trước Mark đã mô tả: vì một mức lợi nhuận nào đó, một số kẻ có thể phản lại cả người thân, thậm chí tự treo cổ mình!

Cái choáng thứ ba có thể là nặng nhất. Tôi đã đọc rất nhiều những lời giải thích, và tôi vẫn không thể nào hiểu nổi sự vô cảm đáng sợ của những người được giao phó nhiệm vụ canh giữ không để những lợi ích vị kỷ của một số nhà kinh doanh gây tổn hại cho sức khỏe và sinh mệnh của người dân. Và nếu không chỉ là vô cảm? Người ta có quyền đặt ra câu hỏi: sự im lặng đáng sợ trong nhiều năm của họ có nguồn gốc lợi ích nào không? Và nếu có, thì thật khó hình dung lợi ích ấy có khuôn mặt đáng sợ đến chừng nào!

Vụ việc cắt đường cáp quang biển, nói tóm tắt là thế này: người dân thấy ngoài biển có những búi cáp có vẻ như là phế thải và đã đề nghị chính quyền cho khai thác. Chính quyền địa phương cho phép làm điều đó với sự giám sát của bộ đội biên phòng. Kể ra đó cũng đã có sự thận trọng. Vấn đề là ở chỗ người ta đã không lường hết được một khi đã cho phép, việc khai thác diễn ra dường như khó kiểm soát nổi. Mỗi kg cáp vớt lên bán được vài ngàn đồng. Đó cũng là một lợi ích. Nhưng cả nước bị đặt vào tình trạng bị cắt thông tin liên lạc ra ngoài (mà đó là trong thời buổi toàn cầu hóa đã vào các ngóc ngách của cuộc sống kinh tế - xã hội!). Bài học rút ra là: Việc thỏa mãn một lợi ích nhỏ phải đặt trên nền tảng có khả năng thực tế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lợi ích lớn hơn gấp bội. Ở đây mỗi sơ suất sẽ có thể dẫn đến cái giá phải trả lớn không thể tưởng tượng được.

Nhà nước luôn luôn phải có những giải pháp để bảo vệ các lợi ích khác nhau. Nhiều khi các lợi ích này có những chỗ giáp ranh mà kẻ xấu luôn muốn lợi dụng. Ví như vì lợi ích an toàn xã hội, chúng ta nghiêm cấm mọi hình thức đánh bạc trong cộng đồng người Việt. Nhưng lợi ích của thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế lại đòi hỏi chúng ta, trên đất Việt Nam, đảm bảo để người nước ngoài có những dịch vụ mà pháp luật của họ không cấm đoán, như việc chơi bạc. Những kẻ lợi dụng để biến một dịch vụ kinh doanh có điều kiện thành vô điều kiện trên thực tế cần bị trừng trị. Có điều khi làm điều đó, cần kiên quyết, nhưng cũng khéo léo, ví như đánh được chuột mà không gây hoảng hốt cho người. Như thế cũng là để trừ diệt lợi ích xấu, nhưng không ảnh hưởng đến lợi ích khác.

Trong vụ truy quét những kẻ tổ chức lợi dụng dịch vụ cho người nước ngoài để đánh bạc cho người Việt Nam, lại có một điều khiến ta phải suy nghĩ. Đó là việc một cơ sở vi phạm lại là chỗ mà một đơn vị kinh tế của lực lượng công an có góp vốn. Có thể bản thân việc góp vốn này không liên quan đến hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh đó, nhưng bản thân chi tiết này khiến ta thấy cần thực hiện nhanh chủ trương tách bạch hoạt động kinh tế khỏi hoạt động công quyền. Các lợi ích khác nhau về tính chất phải được vận hành trong các hành lang khác nhau, không thể đan xen. Minh bạch là dưỡng khí cho một xã hội có nhiều dạng và nhiều nhóm lợi ích có thể tồn tại và phát triển lành mạnh.

Trong vụ nước tương chứa 3-MPCD, lợi ích của một số kẻ kinh doanh không trung thực và lợi ích người tiêu dùng hoàn toàn khác biệt. Nhưng trong thực tế, có khi xung đột lợi ích diễn ra cả giữa các lợi ích không tách biệt tính chất theo kiểu trắng - đen, tốt - xấu. Xung quanh kiến nghị thu hồi lại một phần lợi nhuận của một đơn vị sản xuất hiện cũng có hai luồng ý kiến khác nhau trên mặt báo. Một mặt việc làm đó nhằm bảo vệ lợi ích của xã hội, của nhà nước, do lợi nhuận kia có được cũng có phần quan trọng là từ cơ chế ưu đãi về giá đầu vào. Nhưng một khi đơn vị này đã cổ phần hóa, thì lợi ích của các nhà đầu tư cũng rất chính đáng. Nhiều điều phải suy nghĩ để có một cơ chế sao cho cổ phần hóa diễn ra một cách công bằng cho cả phần quyền lợi của nhà nước, cả phần quyền lợi của các cá nhân góp vốn.

Còn bao việc khác minh họa cho các đường đi, những sự cọ xát của các lợi ích. Nhưng xin kết thúc bằng vụ việc phát hiện ra một loạt các hành động ngang ngược của các công ty xiết nợ. Xiết nợ cũng là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhằm bảo vệ lợi ích của người này, đơn vị này khi bị người khác, lợi ích khác xâm hại. Nhưng khi việc làm đó diễn ra theo kiểu xã hội đen, thì đó lại là báo động về một cách hành xử chà đạp lên lợi ích cơ bản của cá nhân. Lợi ích không thể mang khuôn mặt hung hãn. Lợi ích, nếu chính đáng, phải được bảo vệ bởi một phương thức chính đáng.

Trần Đăng Tuấn (Theo VTV.vn)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,