Máy tính càng ngày càng thu gọn về kích thước, những bộ vi xử lý càng ngày càng thông minh, đảm đương được những tính năng mà trước đây đòi hỏi rất nhiều vi chip khác nhau. Tuy nhiên, trong mắt Intel, có một loại linh kiện máy tính vẫn "sừng sững trụ lại qua mọi đổi thay": Ấy chính là chipset.
Nếu coi vi xử lý là bộ não của máy tính thì chipset chính là hệ thần kinh trung ương của nó. Những thiết kế PC truyền thống thường sử dụng một bộ chipset gồm 2 con chip: Một có chức năng điều khiển bộ nhớ, trong khi con chip còn lại đảm đương các chức năng I/O.
Nguồn: Omnisys
"Chipset sẽ không biến mất", ông Richard Malinoski, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bộ phận Chipset của Intel hùng hồn tuyên bố, dù các chức năng của nó không ngừng biến đổi và cải tiến theo thời gian.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy cấu trúc truyền thống nói trên đang có sự thay đổi, chuyển mình rõ rệt. AMD là hãng chip máy tính đầu tiên gạt bỏ con chip điều khiển bộ nhớ ra khỏi chipset.
Chức năng này đã được AMD tích hợp vào bộ vi xử lý chính để nâng cao hiệu suất, và ngay bản thân Intel cũng dự định nối gót với Nehalem, một thiết kế vi xử lý mới dự kiến trình làng vào năm 2008.
Chưa hết, cả AMD lẫn Intel đều dự định chuyển một số tính năng đồ họa - vốn đang được tích hợp bên trong chipset - sang vi xử lý chính. Những dạng máy tính khác nhau sẽ sử dụng cấu trúc vi xử lý - chipset khác nhau chứ không "đổ đồng" như hiện nay nữa.
Hội tụ nhưng không tuyệt chủng
Lấy thí dụ, trong một tương lai không quá xa nữa, nhiều model PC sẽ được trang bị bộ vi xử lý có khả năng đồ họa rất mạnh. Mặc dù vậy, những hệ thống cao cấp dùng cho công tác thiết kế hoặc những cỗ PC chơi game hạng nặng vẫn phải cần đến chip đồ họa riêng biệt để có thể phát huy hết sức mạnh hình ảnh của chúng.
Và mặc dù vai trò của chipset ngày càng được tiến hóa, sẽ vẫn còn một yếu tố không đổi nữa là việc người dùng phải cần tới I/O (In/Out). Cả máy tính tầm trung lẫn cao cấp đều cần có chipset để đảm đương dòng dữ liệu trao đổi giữa vi xử lý với các linh kiện khác bên trong máy tính như ổ cứng ở thể rắn hoặc chip đồ họa, card đồ họa.
Sự hội tụ và tích hợp mạnh mẽ nhất sẽ diễn ra trong những cỗ máy tính siêu di động. Các tính năng, các linh kiện riêng rẽ sẽ được tích hợp với nhau để giảm thiểu mức điện năng tiêu thụ và thu nhỏ kích cỡ, trọng lượng cho thiết bị.
Những model PC siêu di động mà Asustek hay Via Technologies mang đến Triển lãm Computex 2007 đều minh họa rõ điều này.
Đầu tuần trước, Giám đốc điều hành Wenchi Chen của Via tiết lộ rằng bo mạch chủ Mobile ITX của hãng sẽ có kích thước 7,5 x 4.5 cm, tức là nhỏ hơn cả một tấm danh thiếp.
Và ông này hứa hẹn trong thời gian tới, Via sẽ còn tiếp tục trình làng những mẫu bo mạch chủ nhỏ hơn nữa, nhờ vào việc kết hợp vi xử lý với chipset và vi xử lý đồ họa trong một gói chip duy nhất.
Trọng Cầm (Theo PC Mag)