(VietNamNet) - Ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng đã chủ trì cuộc họp giữa Bộ BCVT với các doanh nghiệp viễn thông, nhằm tăng dung lượng dự phòng mạng cáp quang biển, ứng cứu kịp thời nếu xảy ra trường hợp tuyến cáp SMW3 bị sự cố.
Với 5 kịch bản do công ty Viễn thông quốc tế "diễn tập" trước trường hợp SMW3 bị sự cố, trường hợp xấu nhất là tuyến Đà Nẵng rẽ nhánh sang Singapore, ngược lên Hồng Kong, Trung Quốc bị đứt, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn bộ dung lượng thông tin sẽ bị mất.
Cáp quang biển cắt trộm bị thu giữ tại Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Nguyện (ICTnews)
Để khắc phục, ông Lâm Quốc Cường - Phó giám đốc VTI cho biết, VTI xây dựng phương án chuyển sang tuyến CSC để khắc phục sự cố mất liên lạc đồng thời cả TVH và SMW3. Hiện, VTI đã đàm phán với China Telecom phương án sử dụng hệ thống CSC hướng đi Trung Quốc để khôi phục cho các luồng thoại và kênh thuê riêng trên hệ thống TVH và SMW3.
Trước đây, biện pháp khắc phục chỉ dựa vào đấu nối dự phòng giữa hai tuyến TVH và SMW với nhau. Sau khi TVH bị đứt, VTI sẽ đấu nối trực tiếp với CSC, với 5 luồng kết nối viễn thông, qua đối tác China Unicom.
Hệ thống CSC được đưa vào khai thác năm 2001, kết nối Trung Quốc, VN, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore với tốc độ hiện tại 2,5Gbs, khai thác vào tháng 6/2006. Tỷ lệ dung lượng khai thác trên CSC so với tổng dung lượng quốc tế đang khai thác của VNPT là 10% và đang được nâng cấp lên 10Gbs.
Về việc xây dựng cáp quang mới, ngoài tuyến AAG đi Mỹ đang triển khai, dự án xây dựng tuyến cáp 10 Gbps qua cửa khẩu Hữu nghị đi Trung Quốc với đối tác China Netcom cũng đang được xúc tiến. Hiện tại, VTI đang tiến hành đàm phán với đối tác này, dự kiến ký MOU trong tháng 6 năm nay. Tháng 8 năm nay, VTI cũng sẽ triển khai lắp đặt thiết bị và hoàn thành trong quý 4/2007.
"Từ đối đầu sang đối thoại"
Thay vì đối lập, mâu thuẫn trong kết nối viễn thông như đã từng diễn ra, tinh thần chung của "cuộc họp bàn tròn" này là sự đoàn kết, thống nhất để kết nối dung lượng thông tin - huyết mạch quốc gia, phòng trường hợp các tuyến cáp biển của bất kể DN nào bị sự cố.
Rút ngắn thời gian nối cáp TVH còn 15 ngày: Ông Lâm Quốc Cường - Phó Giám đốc công ty Viễn thông Quốc tế VTI cho biết, dự kiến, vào ngày 16/6 tới đây, tàu hải quân Việt Nam sẽ rời cảng Vũng Tàu, với nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ cho tàu ASEAN Restorer sửa cáp xử lý nối cáp. Dự kiến, đến cuối tháng 6 này, sẽ hoàn tất việc nối cáp. Chậm nhất, đến đầu tháng 7, tuyến cáp TVH sẽ được khôi phục, hoàn tất việc sửa chữa.
Tại đây, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã yêu cầu "các DN trong nước thống nhất, liên kết với nhau theo hệ thống back up trước, dự phòng khi cần thiết. Từ trước đến nay, VTI mới có phương án dự phòng giữa SMW3 với TVH, chưa có kế hoạch hỗ trợ giữa các DN trong nước với nhau.
Vì vậy, tôi đề nghị DN nên xây dựng kế hoạch điều tiết, tăng cường an toàn an ninh thông tin. Dựa trên cơ sở đảm bảo phối hợp với nhau, trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng của DN và có thỏa thuận trước, các phương án này đảm bảo huyết mạch thông tin luôn sẵn sàng khi có sự cố."
Đại diện cho DN viễn thông lớn thứ hai, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đang sử dụng tuyến cáp quang sang Trung Quốc, Hồng Kông nhưng dung lượng mới sử dụng hết 3,6G trên tổng số 7,5G. Tuyến cáp này kết nối thế giới bằng 6 đường cáp quang, với 3 đối tác quốc tế.
"Nếu VNPT cần kết nối cáp quang biển, Viettel sẵn sàng cung cấp, chia sẻ cho dùng chung, để "cứu nhau" - ông Hùng cũng thẳng thắn đề nghị như vậy. Trên thực tế, nếu cộng cả dung lượng dự phòng của Viettel với EVN đã có tổng lớn hơn 5G, đủ sức đáp ứng, chia sẻ cho dung lượng của VNPT hiện nay - với tuyến SMW3 chiếm khoảng 4G.
Còn theo Giám đốc EVN Telecom Nguyễn Mạnh Bằng, DN này đang sở hữu tuyến cáp Trung Quốc có dung lượng 5G và đồng thời đang xây dựng 2 tuyến cáp sang Trung Quốc đi qua Lào Cai và Hà Giang, đều chạy trên đường điện.
Chỉ đến tháng 7, hoặc tháng 8/2007, hai tuyến này sẽ được hoàn thành. Bên cạnh đó, EVN cũng đầu tư dự án cáp biển cập bờ Liên Á (VN cập tại Vũng Tàu) tại Singapore, Hồng Kông, Philippin và Nhật có dung lượng 5G, hoàn thành vào quý 4/2008.
EVN không có cáp quang chôn dưới đất, đều chạy trên đường dây điện lực, nên cũng được đánh giá là có độ an toàn thông tin hơn. Xác suất bị sự cố là 2 năm/lần/1.000 km bị sự cố. Giống với đề nghị của Viettel, dung lượng dự phòng của EVN cũng luôn sẵn sàng ứng cứu kịp thời cho "anh cả" VNPT.
Chung tay "cứu" cáp quang biển
Tóm lại, nhằm liên kết, phối hợp đồng bộ với ba DN chủ lực là VNPT, Viettel và EVN Telecom, cũng theo thứ trưởng Thắng, các DN sẽ xây dựng kết nối mạng cáp quang biển VN giữa 3 DN, luôn trong tình trạng sẵn sàng (ready) tại các trung tâm lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
"Tôi đề nghị Vụ Viễn thông sớm đề ra kế hoạch và phương án liên kết chung cho các DN, đến cuối tháng 6 này, DN trình lên Bộ phương án dự phòng. DN nên xây dựng các tuyến cáp quang rải đều ra các trạm cập bờ, phân bổ đều. DN tham gia triển khai các tuyến cáp khác nhau, sẽ làm tăng thêm độ an toàn’’ - ông nhấn mạnh.
Qua đó, sau cuộc họp này, riêng đối với VNPT/VTI đã "dự trữ" được hai phương án bảo vệ được huyết mạch thông tin quốc gia SMW, đồng thời, có kế sách dài hơi cho việc kịp thời ứng cứu đối với tất cả hệ thống cáp quang còn lại của mình.
Theo ông Bùi Thiện Minh-Phó Tổng Giám đốc VNPT, có hai phương án trước mắt là VTI sẽ hợp tác với Trung Quốc mở rộng tuyến cáp biển CSC để dự phòng lưu lượng cho SMW. Đồng thời, trong thời gian sớm nhất, VTI cũng trực tiếp hợp tác với Viettel, liên kết hệ thống cáp biển từ VTI sang Viettel đến Hồng Kông.
Đặc biệt, lãnh đạo cả hai doanh nghiệp đều đánh giá đây là phương án tích cực, sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn mở rộng với CSC-Trung Quốc, với ưu thế của các DN trong nước "gà nhà" với nhau...
-
Hoàng Hùng
>> Bảo vệ cáp quang biển: Giải pháp nào?
>> Bảo vệ cáp quang biển: Cần phối hợp thông tin kịp thời!
>> 5/7: Dự kiến khôi phục hoàn toàn tuyến cáp TVH!
>> Vụ trộm cáp biển: Lỗi thuộc về chính quyền các địa phương?
>> Bộ BCVT: "Khẩn cấp khắc phục tuyến cáp TVH!"
>> Lợi ích - Những khuôn mặt khác nhau
>> Khi tàu đánh cá chuyển sang "đánh… cáp"
>> 1kg cáp quang giá chỉ… 2.000 đồng!
>> Cáp quang vẫn còn nguy cơ bị cắt trộm có tổ chức
>> Đã tìm thấy cáp quang TVH bị cắt trộm
>> Ngư dân miền Trung thiếu thông tin về cáp quang biển
>> "Quan trọng nhất là tuyên truyền ý thức tới người dân"
>> Thủ tướng gửi công điện khẩn ngăn chặn trộm cáp quang biển
>> Bộ BCVT lập tổ công tác khẩn giải quyết nạn trộm cáp
>> "Cần nghiêm trị thủ phạm cắt trộm và tiêu thụ cáp quang!"
>> Cáp quang TVH: Mất trộm... 98km, khắc phục mất 3 tháng!
>> Không thể cho phép khai thác cáp biển làm phế liệu!"
>> Bảo vệ cáp quang biển: Cần sự phối hợp từ nhiều phía
>> Bắt giữ 6 vụ "khai thác" cáp quang biển tại Kiên Giang
>> An toàn cáp quang biển: Chỉ trông chờ ý thức công dân
>> Việt Nam chỉ còn một đường cáp quang trên biển
>> Sự cố đứt cáp quang ở Cà Mau: Liên Bộ vào cuộc!
>> Cà Mau: cáp quang lại gặp sự cố
>> Hơn 11 km cáp quang biển Cà Mau "mất tích"
Quan điểm của quý độc giả: