221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
950650
Cổ phần hóa các DN viễn thông: Nhà đầu tư sốt ruột!
1
Article
null
Cổ phần hóa các DN viễn thông: Nhà đầu tư sốt ruột!
,

Thông tin về việc cổ phần hóa các DN viễn thông của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng công bố từ năm 2005. Song đến nay, mới chỉ có MobiFone đang khẩn trương triển khai. Trong con mắt của các nhà đầu tư, tiến trình cổ phần hóa các DN viễn thông Việt Nam đang diễn ra quá chậm…

Nguồn tin từ Công ty MobiFone cho biết, đơn vị này đang hoàn tất các thủ tục cho việc cổ phần hóa trong năm nay, để đầu năm 2008 sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng. Hiện đã có khoảng năm đối tác đặt vấn đề mua cổ phiếu và muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty này. Tuy nhiên, do mới chỉ trong giai đoạn chọn nhà tư vấn nên MobiFone chưa xem xét đến việc chọn đối tác chiến lược.

“Rục rịch” MobiFone

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, cho biết đến thời điểm này chính ông cũng không biết định giá MobiFone sẽ là bao nhiêu. Phải đợi đến khi có nhà tư vấn, tham vấn ý kiến của các chuyên gia và các cấp lãnh đạo, căn cứ vào một số tình hình cụ thể thì mới biết được giá của MobiFone.

Hiện MobiFone đang chấm thầu để chọn nhà tư vấn. Dự kiến khi chọn được nhà tư vấn, các công việc liên quan đến cổ phần hóa sẽ được nhanh chóng hoàn thiện trong năm nay để đầu năm sau có thể phát hành cổ phiếu.

Cùng trực thuộc Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông (VNPT) và cùng trong diện cổ phần hóa như MobiFone, nhưng mạng di động VinaPhone chưa thể thực hiện ngay được đề án cổ phần hóa. Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone, cho biết hiện chưa có phương án cụ thể về vấn đề này. VNPT đang tập trung cổ phần hóa MobiFone trước, khi công việc với mạng di động này hoàn thành mới tiến hành bước tiếp theo với VinaPhone.

Sau MobiFone và VinaPhone, các công ty viễn thông nằm trong danh sách cổ phần hóa tiếp theo là Viettel Telecom và EVN Telecom… Tuy nhiên, đến nay các công ty này cũng chưa có động thái khởi động cho quá trình cổ phần hóa. Có ý kiến cho rằng có thể họ còn nghe ngóng kết quả và học tập kinh nghiệm từ MobiFone, VinaPhone.

Thứ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông Trần Đức Lai không đồng tình với ý kiến cho rằng các DN viễn thông hiện đang “ăn nên làm ra” nên không muốn cổ phần hóa, kéo theo sự chậm trễ. “Cách triển khai cổ phần hóa tại mỗi DN hoàn toàn khác nhau và thực hiện theo năng lực của họ. Viettel Telecom và EVN Telecom là những DN mới. Do vậy, họ đang xây dựng kế hoạch cổ phần hóa sao cho phù hợp với tình hình thực tế,” Thứ trưởng Trần Đức Lai nói.

Trong khi MobiFone đang khẩn trương cổ phần hóa thì việc này lại chưa phải là ưu tiên của Viettel. Có thể công ty này cho rằng khi cổ phần hóa sẽ có sự tham gia của nhiều cổ đông nhỏ với mục tiêu ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến những chiến lược xây dựng một tập đoàn lớn về lâu dài. Kế hoạch của Viettel thời gian tới là phát triển mạnh về vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Nhưng đây là những vùng không sinh lợi trước mắt nên các cổ đông sẽ không thích… Do vậy, Viettel dự kiến sẽ cổ phần hóa các công ty hạch toán phụ thuộc trước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết Viettel vừa thành lập một công ty cổ phần về dịch vụ giá trị gia tăng cho điện thoại di động. Trước mắt, Viettel sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty này. Như vậy, Viettel đã thay đổi cách nhìn của mình trong việc cổ phần hóa. Cổ phần hóa công ty chuyên kinh doanh dịch vụ thay vì cổ phần hóa Viettel Telecom. Theo ghi nhận của TBVTSG, EVN Telecom cũng đang chọn cách làm tương tự Viettel.

Nhà đầu tư nóng lòng

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã liên tục có văn bản thúc giục các DN viễn thông sớm tiến hành cổ phần hóa. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang sốt ruột và rất quan tâm đến cổ phiếu của các mạng di động.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2007) được tổ chức hôm 30-5 vừa qua tại Hà Nội, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất nóng lòng tham gia vào quá trình cổ phần hóa một lĩnh vực quan trọng như viễn thông. Ông nói : “Để các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia vào lĩnh vực viễn thông, Eurocham cùng các thành viên của mình mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm đưa ra một lộ trình cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.”

Ông Bossnan, Giám đốc tài chính của tập đoàn Telenor, cho biết năm 2000, khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Telenor cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bản thân đơn vị này cũng cho rằng sẽ mất quyền kiểm soát công ty. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng, thương hiệu Telenor đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới và là thương hiệu mạnh nên chưa cần thiết phải cổ phần hóa cũng như đưa cổ phiếu ra thị trường.

Song, với kinh nghiệm của mình, ông Bossnan cho rằng các DN viễn thông Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên sàn càng sớm càng tốt bởi nếu để lâu sẽ mài mòn sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Dù vậy, ông cũng thừa nhận, việc xác định giá trị cổ phiếu của các DN viễn thông thường phức tạp và liên quan đến rất nhiều vấn đề.

Do vậy, kinh nghiệm của Telenor là minh bạch thông tin, có đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm giám sát mọi biến động của thị trường. Tất cả những công việc này do người của Telenor làm chứ không ủy thác cho các ngân hàng hay tổ chức tài chính nào khác.

Còn ông Mark Shuper, Giám đốc điều hành và quản lý nghiên cứu viễn thông toàn cầu của Ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng việc định giá cổ phần các DN viễn thông sẽ là tốt nhất khi các công ty này đang trong giai đoạn phát triển. Thậm chí, việc định giá lúc DN đang phát triển cực thịnh cũng không tốt bằng. Do vậy, các DN cần chọn đúng thời điểm để định giá. Tuy nhiên, ông nhận định, các DN viễn thông Việt Nam chưa chắc sẽ cổ phần hóa trong năm nay. Ông khẳng định: “Có thể tiến trình này sẽ diễn ra mạnh vào năm tới hoặc những năm sau nữa. Và tất nhiên, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng để tham gia vào quá trình này.”

(Theo TBVTSG)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,