221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
951990
Nối mạng cho thanh niên nông thôn: Mới chỉ là "gió thoảng"!
1
Article
null
Nối mạng cho thanh niên nông thôn: Mới chỉ là 'gió thoảng'!
,
(VietNamNet) - Dự án phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên thiếu niên nông thôn, (gọi tắt là "Dự án Thánh Gióng") do TW Đoàn TNCS HCM xây dựng và thực hiện đã tổng kết vào giai đoạn thí điểm vào ngày 28/6/2007 vừa qua. Con số thanh thiếu niên được phổ cập tin học từ Dự án này, không ngờ lại lên tới 37 ngàn, chứ không phải 27 ngàn người như chỉ tiêu ban đầu.

Nhưng để Dự án thực sự mang lại hiệu quả trong giai đoạn sau thí điểm, thì vẫn còn nhiều trăn trở...

Ai trồng tre cho Thánh Gióng đánh giặc?
 

Ông Phạm Tấn Công (phải) và Lò Quang Tú - Phó BQL Dự án trình bày về các kết quả đạt được sau 1 năm tiến hành thí điểm ở 9 tỉnh thành với báo giới (ảnh Thế Phong)
Ông Phạm Tấn Công (phải) và ông Lò Quang Tú - Phó BQL Dự án trình bày về các kết quả đạt được sau 1 năm tiến hành thí điểm ở 9 tỉnh thành với báo giới (ảnh Thế Phong)
 
Giống như Thánh Gióng trong truyện cổ tích nhổ tre đánh giặc, "Dự án Thánh Gióng" (sau đây gọi tắt là Dự án) ngày nay muốn đẩy lùi giặc dốt, phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên, đương nhiên phải bằng máy tính, bàn phím, con chuột!

Thế nhưng mục tiêu Dự án đề ra là phổ cập tin học cho 27 ngàn thanh niên ở 9 tỉnh, trong khi tổng kinh phí vốn chỉ vỏn vẹn có hai tỉ đồng: Số máy tính Dự án được cấp từ ngân sách tổng cộng chỉ có... 135 chiếc!.

Làm thế nào để giải bài toán này?

"Phải dựa vào dân thôi" - anh Lò Quang Tú - phó ban Mặt trận thanh niên TW Đoàn, đồng thời là phó BQL Dự án, nói: "Chúng tôi phối hợp với đoàn TN Học viện BCVT, các trường ĐH và vận động các doanh nghiệp địa phương cùng hỗ trợ...".

Kết quả không ngờ là Dự án đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp địa phương, đơn cử như một doanh nghiệp tư nhân tại Đà Nẵng đã cho Dự án mượn gần trăm chiếc máy tính.

Nhưng sự hỗ trợ lớn nhất lại đến từ chính các tình nguyện viên, đa phần là sinh viên, giảng viên các khoa CNTT của nhiều trường ĐH khi tham gia Dự án, đã tình nguyện mang theo máy tính cá nhân.

Có bạn, một mình mang theo bốn chiếc máy tính, vừa của nhà, vừa đi mượn, để tham gia đội tình nguyện Thánh Gióng. Còn có người thậm chí ...giấu gia đình mang máy tính đi "thổi tù và hàng tổng" như thế!

Nhưng thiếu thì vẫn thiếu. Ông Phạm Tấn Công (Chủ tịch hiệp hội Vinasa - phó BQL Dự án Thánh Gióng) nói: "Tốt nhất thì mỗi học viên một máy tính, nhưng giá có thêm thiết bị để ba bạn chung nhau một chiếc trong mỗi khóa đào tạo cho thanh thiếu niên tại các địa phương thì cũng đã là lý tưởng lắm rồi!

Tiếc rằng điều này vẫn chưa thể đạt được, thực tế là trong Dự án thí điểm, trung bình cứ 5 bạn học viên phải chung nhau 1 chiếc máy tính, trong một khóa học... năm buổi (hai ngày rưỡi).

Thiếu thiết bị chính là trăn trở lớn trong hàng trăm khó khăn khi Dự án Thánh Gióng bước vào giai đoạn triển khai chính thức rộng khắp.

"Dự án Thánh Gióng" đi rồi, điều gì còn lại?

Trăn trở thứ hai đến từ chất lượng phổ cập tin học.

Anh Lò Quang Tú cho biết, mục tiêu trọng yếu nhất của Dự án Thánh Gióng là "xóa mù tin học", nghĩa là dạy cho những thanh niên nông thôn chưa từng biết đến bàn phím con chuột các kiến thức cơ bản: Lướt web tìm kiếm thông tin, gõ văn bản, giao tiếp email...

"Vì thế, các giáo trình đã được biên soạn hết sức cơ bản, đơn giản và chia ra làm 5 buổi học, những người kết thúc khóa học sẽ có những kiến thức cơ bản tiếp cận máy tính và internet, ở một số tỉnh như Đà Nẵng, Dự án đã tiến hành thi kết thúc khóa học để kiểm tra năng lực tiếp thu của học viên và cấp chứng chỉ như một chuẩn đánh giá hiệu quả của chương trình". Anh Lò Quang Tú kể.

Song chính anh Tú cũng thừa nhận, không phải ở đâu cũng làm tốt được như ở Đà Nẵng.

Cái khó là sự chênh lệch về trình độ, chẳng hạn như thanh niên ở ngoại vi các thành phố lớn vốn đã biết chat, lướt web khá thành thạo, nhưng thanh niên ở một số địa phương thậm chí chưa biết sử dụng con chuột!

Dự án thí điểm phổ cập tin học nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên Việt Nam:

Sau 1 năm thí điểm, từ 3/2006 đến tháng 3/2007, dự án được triển khai tại 9 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đồng Nai, Cần Thơ.

Dự án đã huy động được 2.700 lượt sinh viên, TNTN, CNVC tình nguyện có trình độ về Tin học tham gia.

Dự án đã nối mạng tri thức cho 37.000  bạn trẻ tại 270 xã thuộc 9 tỉnh thành nói trên.

Một vài xã vùng xa, đường truyền Internet do VNPT tài trợ cho Dự án không thể kéo về, người dạy phải mang vác máy tính đến nơi rồi dạy offline, thậm chí - in giao diện các trang web ra giấy để giảng dạy!

Cho nên, con số phổ cập tin học cho 37.000 thanh niên, liệu có đồng đều? tiêu chí chuẩn xác nào để đánh giá hiệu quả?

Và điều trăn trở lớn nhất là: Trang thiết bị máy tính cho Dự án có số lượng hạn chế, phải luân phiên di chuyển qua các xã huyện, sau khi lớp học kết thúc, sẽ mang đi nơi khác ngay.

Do các chương trình tình nguyện chủ yếu vào đợt hè, nên số máy này ngày thường sẽ được các huyện đoàn quản lý và đặt tại các điểm văn hóa huyện, chia ra thì mỗi huyện chỉ được vài chiếc!

Số máy tính do tình nguyện viên mang theo và doanh nghiệp địa phương hỗ trợ cho mượn thì càng khỏi phải nói, sau khi dự án Thánh Gióng đi qua thì cũng "rút lui" ngay lập tức!

Đa số học viên sau khi được "xóa mù" tin học do đó có rất ít cơ hội tiếp xúc thường xuyên với máy tính và internet.

Đó là chưa nói, với một mục tiêu và thời lượng đào tạo như thế, một số thanh niên nông thôn sẽ chỉ ham thích chat, game online, các trò giải trí trên mạng... hơn là tiếp thu các thông tin phục vụ cho đời sống kinh tế và tri thức của họ!

Cần huy động nguồn lực xã hội...

Về các giải pháp trước mắt, trong buổi tổng kết Dự án ngày 28/6 vừa qua, TW Hội liên hiệp TNVN đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VNPT, từ tháng 9/2007 đến 9/2008, VNPT sẽ tài trợ 2000 điểm truy cập Internet miễn phí tại các bưu điện văn hóa xã.

Điều này có lẽ đã cơ bản giải quyết vấn đề thanh niên nông thôn có chỗ thường xuyên tiếp cận máy tính, Internet sau khi được phổ cập tin học.

Về việc thay đổi nội dung các chương trình đào tạo và nâng cao đánh giá hiệu quả của công tác đưa tin học đến với thanh niên nông thôn, BQL Dự án cho biết cũng đang tiếp thu ý kiến để có hiệu quả tốt nhất.

"Nhưng có lẽ, chỉ cần cho thanh niên nông thôn có cơ hội tiếp xúc với Internet, máy tính đã là một thành công rất lớn". ông Phạm Tấn Công nói.

Theo ông Công, chỉ cần họ được tiếp xúc, đa phần sẽ nảy sinh ham thích, sau đó tự tìm cách tiếp cận và tìm hiểu máy tính, Internet.

Trước những trăn trở lớn, nhiều ý kiến từ BQL và những người quan tâm tới Dự án đều cho rằng cần có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng xã hội hơn nữa.

Ông Công cho biết, BQL Dự án đã có đề xuất xin thêm ngân sách cho Dự án Thánh Gióng sau giai đoạn thí điểm thành công, con số này hiện đang được tính toán.

Thế nhưng, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bài toán về thiết bị phục vụ dạy và học cho Dự án còn có thể có lời giải ngoài ngân sách.

Nếu như có sự hỗ trợ tốt hơn từ các địa phương, mặt bằng sẽ không còn là vấn đề! Về máy tính, hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách vận động các doanh nghiệp địa phương tham gia tích cực!

Hiện tại, ở mỗi địa phương, nhất là tại các khu vực trung tâm kinh tế xã hội, số lượng các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước rất nhiều, có đơn vị nào lại không sử dụng máy tính? Số lượng máy này thường xuyên được nâng cấp, thay mới.

...và một "đầu tàu" đủ mạnh

Ví dụ như một doanh nghiệp tư nhân làm tư vấn kế toán tại Đông Anh (Hà Nội), với 2 chục nhân viên, chỉ trong năm qua đã thay 8 cái máy tính và 3 màn hình. Số thiết bị được thay sau đó mang bán phế liệu!

Với yêu cầu dạy và học như của Dự án Thánh Gióng, số thiết bị cũ như thế hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và cấu hình!

Vấn đề là nếu chỉ có đoàn thanh niên và VNPT (với tư cách doanh nghiệp) yêu cầu được các doanh nghiệp địa phương hỗ trợ thiết bị cũ như vậy thì sẽ rất hạn chế, nếu cơ quan quản lý, chẳng hạn, Bộ BCVT đứng ra vận động thì chắc chắn sẽ khác!

Về hiệu quả đào tạo, một trong các ý kiến nói rằng: "Các chương trình đào tạo ngoài phổ cập tin học, sao không đặt ra các mục tiêu thiết thực như "giúp thanh niên làm giàu từ Internet"? Hướng cụ thể đến nhu cầu của thanh niên nông thôn và đào tạo cho họ, tìm các thông tin về đào tạo trực tuyến ở đâu? Tìm kiếm thông tin giá cả và cây con giống? Giới thiệu lên mạng các mặt hàng nông sản của gia đình, địa phương?...

Đương nhiên còn phải có sự kết hợp phát triển công nghiệp nội dung Internet một cách chặt chẽ và phù hợp...".

Những trăn trở lớn về công cụ giảng dạy và hiệu quả công tác phổ cập tin học cho thanh niên nông thôn có thể còn có nhiều lời giải. Nhưng khi cả xã hội cùng hướng về mục tiêu ứng dụng ICT để thay đổi bộ mặt nông thôn và mở mang tri thức thanh niên, "ông Thánh Gióng" thế kỷ 21 chắc chắn cũng sẽ có những chiến thắng oanh liệt như trong cổ tích.

  • Thế Phong

    Ý kiến của quý độc giả:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,