Tiền thuê hạ tầng rẻ, lương nhân công thấp, tỷ lệ dân số biết tiếng Anh cao... là những lý do chính khiến nhiều công ty muốn xây dựng trung tâm outsourcing tại những thành phố như Mumbai và Bangalore của Ấn Độ. Tuy nhiên, xu hướng này rất có thể sẽ khác đi sau 4 năm nữa.
Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu IDC dự đoán rằng vào năm 2011, Trung Quốc sẽ sớm hạ bệ Ấn Độ để giành lấy danh hiệu "Điểm đến số một của outsourcing và phân phối toàn cầu".
Nguồn: Infotech
IDC đã so sánh 35 thành phố khác nhau của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên một số tiêu chí như lương lao động, tiền thuê mặt bằng, các chính sách hỗ trợ, trình độ ngôn ngữ và năng suất lao động... Trong số những thành phố thuộc "tốp đầu" có sự góp mặt của Hà Nội, Đại Liên, Kuala Lumpur, Adelaide và Bangalore.
Theo ông Conrad Chang, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IDC thì điều làm nên sự khác biệt giữa tốp đầu với những thành phố còn lại chính là "mức độ an toàn cao, cả về môi trường kinh tế lẫn chính trị". Ngoài ra, trình độ và năng lực của đội ngũ nhân sự cũng là yếu tố mang tính sống còn.
"Khi Outsourcing, doanh nghiệp cần đánh giá và lường trước những yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Không phải tiêu chí nào cũng có mức độ quan trọng như nhau. Hiển nhiên, trong một môi trường bất ổn định, không doanh nghiệp nào có thể yên tâm làm ăn được".
Tại thời điểm hiện tại, các thành phố của Ấn Độ đều đạt điểm số rất cao. Tuy nhiên, bức tranh có thể sẽ hoàn toàn thay đổi sau 4 năm nữa, với sự vươn lên mạnh mẽ của những thành phố hiện đại nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên.
Theo IDC, những lý do giúp Trung Quốc có thể soán ngôi Ấn Độ chính là việc chính phủ nước này đã đầu tư rất mạnh cho những lĩnh vực hấp dẫn outsourcing, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ và cải thiện chất lượng kết nối Internet.
Trọng Cầm (Theo CNET)