Virus máy tính đầu tiên xuất hiện năm 1982, không gây nguy hiểm như ngày nay. Nó do một học sinh cấp 3 trường Pittsburgh tạo ra.
Virus máy ra đời khi máy tính cá nhân IBM mới được 1 tuổi. Sau 25 năm, giờ đây virus đã phát triển rất mạnh. Bên cạnh đó, ngành phần mềm bảo mật và virus cũng đã lớn mạnh.
Theo chuyên gia an toàn máy tính Eugene Spafford, đồng thời là giáo sư ngành khoa học máy tính thuộc Trung tâm giáo dục và nghiên cứu về bảo đảm và an toàn thông tin Trường ĐH Purude, thật khó có thể xác định được thiệt hại từ những phần mềm virus này. Nhưng người ta ước tính mức độ thiệt hại do nó gây ra và lợi nhuận cho những kẻ nhòm ngó trên thế giới mạng khoảng hàng chục đến hàng trăm tỷ đô la mỗi năm.
Cũng giống như virus và các chương trình tương tự có tên là worm, các phần mềm virus ngày nay có thể tự copy chính nó vào những máy tính bị nhiễm thông qua các file đính kèm ở email, trên website, thậm chí là tấn công trực tiếp. Nhưng thay vì làm hỏng máy tính, chúng có thể chỉ kiểm soát việc bấm bàn phím của người sử dụng để lấy được mã số an sinh xã hội hoặc đưa những chương trình spam vào máy. Hiện tượng này gọi là bot và nó cho phép kẻ tấn công điều khiển máy tính bị nhiễm từ xa.
Theo Spafford, tài chính là động lực để người ta làm ra nhiều phần mềm virus mới mỗi ngày, và để chúng sống ký sinh vào máy tính người khác. Chúng gây ra những phá hoại nghiêm trọng nhưng lại không muốn giết kẻ đã bị nhiễm vì nếu vậy thì chúng cũng bị giết theo.
Trong một bài bình luận công bố trên tạp chí điện tử Science tuần này, Spafford và nhà khoa học máy tính Richard Ford thuộc Viện Công nghệ Florida đã cảnh báo rằng virus phá hoại sẽ trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn trong nhiều lĩnh vực, nhất là khi ĐTDĐ và những thiết bị điện tử gia dụng ngày càng trở nên tinh vi và được kết nối với nhau nhiều hơn (ví dụ như iPhone). Virus có thể sẽ nhiễm vào ĐTDĐ qua thiết bị không dây Bluetooth. Các nhà nghiên cứu cảnh báo: "Ngày virus lây từ ĐTDĐ này sang ĐTDĐ khác sẽ không còn xa”.
Spafford cho biết không có một nguyên nhân hay giải pháp đơn thuần nào cho các phần mềm mà dường như mọi việc còn làm tệ hại hơn trước khi nó được cải tiến. "Rất nhiều vấn đề trong đó liên quan đến con người". Người tiêu dùng yêu cầu máy tính phải có nhiều tính năng hơn nữa, do đó, đã tạo điều kiện không gian cho virus và bot ẩn náu. Có thể các phần mềm và bản thân máy tính đã có những công cụ để chống lại những phần mềm virus kia nhưng người sử dụng lại phải tắt những công cụ đó đi để còn chơi game.
Báo cáo được công bố của Hội đồng nghiên cứu quốc gia vào cuối tháng 6 năm nay kêu gọi mọi người nâng cao hơn nữa công nghệ và chính sách an toàn mạng. Spafford cho biết nếu được quan tâm chú ý đúng mức, những nỗ lực của chính phủ và ngành công nghiệp máy tính có thể sẽ giúp kiểm soát việc phát triển mạnh của các phần mềm giả trong thập kỷ tới.
Ông cũng cho biết thêm rằng: "Chúng ta sẽ không nhìn thấy sự biến mất của phần mềm giả. Vấn đề chỉ là chúng ta sẽ kiểm soát chúng ở mức độ thế nào".
(Theo TTO/Sciam)