(VietNamNet) - Đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá nhấn mạnh trước các đại biểu và báo giới tại Hội nghị triển khai văn bản pháp luật về BCVT, CNTT và chương trình, kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, do Bộ BCVT tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng) sáng nay - 24/7/2007.
Đẩy mạnh dịch vụ phát thanh, truyền hình công ích
Quang cảnh tại Hội nghị triển khai văn bản pháp luật về BCVT, CNTT và chương trình, kế hoạch cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.(ảnh Thế Phong) |
Gần 3 trăm đại biểu gồm lãnh đạo Bộ BCVT, 64 Sở BCVT các tỉnh thành, lãnh đạo các UBND các tỉnh thành và đại diện nhiều doanh nghiệp viễn thông cả nước đã tới dự Hội nghị kéo dài hai ngày rưỡi (24 - 26/7/2007) tại Đồ Sơn, Hải Phòng bàn về các vấn đề triển khai văn bản pháp luật trong CNTT, Viễn thông và kế hoạch cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá cho biết, trong các năm trước, dịch vụ viễn thông công ích đã có những hoạt động đầy hiệu quả, được giới doanh nghiệp và xã hội hoan nghênh. Với mục tiêu chủ yếu hướng vào các dịch vụ viễn thông thoại và Internet.
"Sau 6 tháng đầu năm 2007 phát triển mạng lưới dịch vụ BCVT và CNTT, cho đến nay đã có 19 ngàn điểm phục vụ BCVT ở các tỉnh thành trên cả nước, khoảng 8 ngàn điểm bưu điện văn hóa xã (trong đó có trên 90% số xã đặc biệt khó khăn) có các dịch vụ điện thoại, truy cập internet, với bán kính phục vụ trung bình 2,37 km." - Bộ trưởng phấn khởi cho biết.
Trao đổi thêm, Bộ trưởng BCVT cho hay vào thời điểm hiện tại, Bộ BCVT đã trình Quốc hội phương án đổi tên Bộ với hai lựa chọn là đổi tên thành "Bộ Công nghệ thông tin - truyền thông" hoặc ngắn gọn hơn: "Bộ Thông tin và truyền thông". Nhưng cho dù có chọn tên nào, thì cụm từ "truyền thông" cũng cho thấy Bộ sẽ nắm nhiều trọng trách liên quan đến các lĩnh vực báo chí, phát thanh và truyền hình.
Do đó Bộ trưởng khẳng định, các dịch vụ viễn thông công ích mà Bộ lên kế hoạch cho 6 tháng cuối năm 2007, năm 2008 và các năm sau sẽ tập trung chủ điểm vào các dịch vụ công ích cho phát thanh và truyền hình, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao con số 91,7 % số xã có báo Đảng đến trong ngày, cũng như tiếp tục phát triển băng rộng Internet trong cả nước.
Sẽ có 3 Luật mới và Luật CNTT thành Bộ luật
Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá: "Dịch vụ truyền hình và phát thanh công ích sẽ là chiến lược chủ đạo trong những năm tới". (ảnh Thế Phong) |
Cũng trong buổi khai mạc Hội nghị sáng nay, chủ đề chính thứ hai được đề cập là tình hình triển khai các văn bản pháp luật về BCVT và CNTT, đại diện Bộ cho biết, ngoài việc cụ thể hóa triển khai các văn bản đã có, hiện vẫn còn một số bất cập về vấn đề pháp luật cần được tháo gỡ.
Trước hết là chuyện Pháp lệnh BCVT được ban hành năm 2002 cho đến nay đã bộc lộ nhiều điểm không theo kịp thực tế phát triển, và Bộ có quyết định đề xuất phương án xây dựng các văn bản pháp luật mới thay thế, bóc tách riêng từng mảng để quản lý sát với thực tế.
Ba luật mới dự tính sẽ được xây dựng để thay thế Pháp lệnh BCVT bao gồm luật Viễn thông, luật Bưu chính - chuyển phát và luật Tần số vô tuyến điện. Các kế hoạch này đã được trình Quốc hội và có thể hoàn thành vào năm 2009.
Sau đó là chiến lược lâu dài - thông qua thực tiễn quản lý thời gian tới, xem xét và xây dựng Luật CNTT (có hiệu lực từ năm ngoái) thành Bộ luật, nhằm cụ thể hóa và thu hẹp các phạm vi điều chỉnh của luật này cho sát với thực tế. (Theo lãnh đạo Bộ BCVT, Luật CNTT hiện nay còn quá rộng).
Hội nghị triển khai văn bản pháp luật trong CNTT, viễn thông và kế hoạch cung cấp các dịch vụ viễn thông công ích sẽ còn thảo luận trong hai ngày nữa. Các phiên làm việc tiếp theo bao gồm nhiều bài trình bày hướng cụ thể đến hai chủ đề chính.
Đáng chú ý nhất là các bài giới thiệu văn bản pháp luật trong ngành như của Vụ viễn thông: Trao đổi các thông tin mới liên quan đến nghị định Chứng thực số (chữ ký số), Vụ khoa học công nghệ: Nghị định 64 về ứng dụng CNTT, Nghị định xử phạt hành chính của Thanh tra Bộ.. Hội nghị cũng sẽ được nghe trình bày về thanh toán quyết toán quỹ viễn thông công ích và các kế hoạch cụ thể của quỹ này trong thời gian tới. PV VietNamNet sẽ tiếp tục có những ghi nhận và phản ánh nội dung hội nghị tới quý độc giả, mời quý vị chú ý theo dõi.
-
Thế Phong
Quan điểm của quý độc giả: