Trong phiên bản trò game "Harry Potter và mật lệnh Phượng hoàng" dành cho ĐTDĐ, các ngọn đuốc treo dọc hành lang ngôi trường Hogwarts sẽ phát ra một thứ ánh sáng lung linh, mê hoặc y như thật.
"Chúng tôi đã phát minh ra một công nghệ có tên: ánh sáng động", ông Mihai Pohontu, Tổng giám đốc bộ phận ĐTDĐ của hãng game Electronic Arts (EA) cho biết. EA hiện là hãng video lớn nhất thế giới.
Nguồn: CNET
Có thể nói, các nhà lập trình Rumani (chẳng hạn như nhóm của Pohontu) chính là mục tiêu được các tập đoàn IT đa quốc gia săn lùng nhiều nhất hiện nay.
Từ châu Á, các doanh nghiệp đang bắt đầu ngoảnh mặt sang Đông Âu, tận dụng thế mạnh về điện toán và ngôn ngữ tại đây, cộng thêm văn minh công sở của cựu lục địa và giá nhân công tương đối rẻ.
Quá nóng
IT hiện là một trong những lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Rumani hiện nay, với doanh thu xấp xỉ 1,38 tỷ USD trong năm 2006.
Gần 90% trong số 1000 doanh nghiệp IT tại Rumani đang thuộc sở hữu nước ngoài, và chính phủ hy vọng giá trị xuất khẩu sẽ đạt 1 tỷ euro trong vài năm tới.
Tháng 2 vừa qua, Bill Gates đã khai trương một trung tâm hỗ trợ kỹ thuật tại Bucharest. Trước đó, trang web thương mại điện tử số một thế giới Amazon.com cũng đã khánh thành một trung tâm phát triển tại thành phố Lasi vào năm 2005.
Đây là trung tâm phát triển phần mềm duy nhất của Amazon tại châu Âu (không kể trung tâm Edinburgh nằm trên đảo quốc Scotland). Các trung tâm còn lại được phân bố tại Ấn Độ, Mỹ và Nam Phi.
"Giới lập trình Rumani sáng tạo một cách hiếm thấy. Và trong game, bạn cần phải khám phá", Pohontu nói.
"Trong số các quốc gia Đông Âu, Rumani được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga", bà Stefan Cojanu, người đứng đầu Oracle Rumani cho biết.
Một năm qua, Oracle đã mở rộng số nhân viên bản địa của hãng tại Rumani lên 1000 người, và dự định bổ sung thêm khoảng 500 nhân viên nữa trong thời gian tới. Hãng cũng đã khánh thành một tòa tháp văn phòng ở ngay trung tâm thủ đô Bucharest.
Cung không đủ cầu
Mức lương cho một kỹ sư lập trình Rumani "cứng cựa" hiện nay vào khoảng 600USD/tháng, rẻ hơn đáng kể so với mức 1050USD của Ba Lan và 950USD tại CH Séc. Cả hai nước này cũng đang thu hút dòng vốn đầu tư khổng lồ cho khu vực IT.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ý lo lắng rằng thị trường này đang phát triển quá nhanh và tăng trưởng quá nóng. "Để giành giật nhân tài, các hãng đang chạy đua về tiền lương và điều này tạo ra một tiền lệ không tốt.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhân lực có trình độ cũng đang mỏng dần. Sự nhiệt tình của giới đầu tư có thể sẽ nguội lạnh", bà Ana Ber, chuyên gia của Dr Pendel & Piswanger nhận xét.
"Cuộc chiến săn đầu người thật căng thẳng. Rõ ràng là đội ngũ lao động "tinh túy" không đủ cho tất cả các hãng".
Chính vì tình trạng cung không đủ cầu này mà nhiều hãng buộc phải chuyển sang xây dựng các trung tâm phát triển phần mềm hoặc hỗ trợ kỹ thuật, vốn chỉ cần lao động giá rẻ, trình độ thấp, thay vì tuyển dụng các nhà lập trình cao cấp.
"Rumani vẫn là điểm đến outsourcing tốt, nhưng không phải là đất của các bậc thầy phần mềm hạng nhất", ông Dragos Stanescu, Giám đốc bán hàng và marketing của GECAD, hãng đã bán công nghệ chống virus RAV cho Microsoft hồi năm 2003, cho biết.
Góc tối
Dữ liệu mà FBI thu thập được cho thấy Rumani đang là nơi chứa chấp đường dây đấu giá trực tuyến lừa đảo lớn nhất thế giới, một ngành "công nghiệp" có thể mang về nhiều triệu USD.
Bọn tội phạm sử dụng những website kiểu như eBay, tạo tài khoản giả để lừa người dùng. Đó là những tổ chức tội phạm rất bài bản, làm việc rất có quy tắc và khoa học", Gary Dickson, đại diện của FBI cho biết.
"Nếu ngăn được mắt xích Rumani, tỷ lệ các vụ lừa đảo trực tuyến sẽ giảm đáng kể".
Giới phân tích cho biết có khoảng 70% số phần mềm đang sử dụng tại Rumani là phần mềm lậu. Người bán công khai ghé thăm các tòa nhà văn phòng giữa Thủ đô để rao bán đĩa CD và DVD sao chép mà không bị cảnh sát sờ gáy.
Hack để... xin việc
Cộng đồng hacker của Rumani mới thật là đông đảo. Nhiều hacker hy vọng kỹ năng của họ sẽ thu hút nhà tuyển dụng, dẫu biết rằng đột nhập vào mạng máy tính của người khác chỉ để nổi tiếng hay có thêm thành tích trong CV là một việc hết sức nguy hiểm.
"Hacker nghĩ rằng máy tính là tấm vé xuất hành, đưa họ rời khỏi đất nước. Đó là cách tốt nhất để có một công việc trả lương hậu hĩnh ở nước ngoài", hacker Victor Faur cho biết.
Faur đang phải đối mặt với bản án lên tới 54 năm tù nếu như bị thông qua tội danh hack máy tính của một loạt cơ quan trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả NASA.
"Tôi nhìn thấy máy tính lần đầu năm 14 tuổi. Và ngay lập tức, tôi như bị dính keo vào nó", Faur cho biết. Năm nay, anh ta mới 23 tuổi.
Trọng Cầm (Theo AP)