Chip RFID, loại chip đang được thí nghiệm cấy ghép vào người tại một số bang của Mỹ, đã cho thấy những dấu hiệu kích thích tế bào ung thư ở động vật, hãng thông tấn AP đưa tin.
Một series các công trình nghiên cứu gần đây tuyên bố: những con vật bị cấy chip RFID trong phòng thí nghiệm có tỷ lệ ung thư cao hơn 10% so với nhóm vật nuôi bình thường.
Nguồn: Channel_japan
Các khối u ác tính thường xuất hiện xung quanh khu vực cấy chip, và trong nhiều trường hợp, chúng thậm chí còn bao bọc xung quanh bản thân con chip.
Cần nghiên cứu sâu
"Bộ tách sóng chính là nguyên nhân gây ra khối u", Keith Johnson, một chuyên gia về chất độc đã nghỉ hưu cho biết. Năm 1996, ông từng tiến hành một cuộc nghiên cứu về đề tài RFID và ung thư tại Michigan và đã rút ra kết luận tương tự.
Chip RFID đã được chính phủ Mỹ đồng ý cho sử dụng bên trong vật nuôi nhằm giúp nhận dạng và tìm kiếm khi chúng đi lạc. Các bác sĩ thú ý cũng tuyên bố không tìm thấy chứng cứ nào cho thấy RFID có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vật nuôi trong thời gian dài.
Mặc dù vậy, các chuyên gia ung thư hàng đầu cho rằng những cuộc nghiên cứu trước đây do chính phủ tiến hành đều chỉ bó hẹp trong quy mô nhỏ mà thôi. "Chúng ta cần có những cuộc nghiên cứu quy mô lớn để xác định xem có vấn đề gì với con người hay không".
Về phần mình, VeriChip, một trong những hãng cung cấp chip RFID lớn nhất hiện nay, vẫn lớn tiếng phủ nhận những ý kiến này.
"Suốt 15 năm qua, hàng triệu chó mèo đã được cấy ghép an toàn những con vi chip RFID mà không xảy ra hiện tượng bất thường nào. Đây là kết luận do chính bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra".
"Cơ thể động vật chấp nhận tốt những con chip này, và giới bác sĩ thú y cũng chấp nhận RFID. Nếu họ cảm thấy có vấn đề gì nghiêm trọng hay phát hiện được nguy cơ ung thư trong cơ thể chó mèo, tôi tin họ đã không tiếp tục ủng hộ RFID như vậy", đại diện VeriChip bình luận.
Có hay không sự ám muội?
Chip RFID của VeriChip hiện đã được cấy ghép cho hơn 2000 bệnh nhân và cũng được một số doanh nghiệp sử dụng để theo dõi vị trí nhân viên. Một số hộp đêm thậm chí còn dùng chip RFID như thẻ ra vào.
Tuy nhiên, bài báo của AP đã đặt ra câu hỏi về tính an toàn khi sử dụng RFID trong cơ thể người. Một vấn đề mà AP giật lên là chip RFID được Ủy ban Dược & Thực phẩm Mỹ (FDA) thông qua, nhưng FDA lại thuộc quyền giám sát của Bộ Sức khỏe và dịch vụ con người (DHHS). Tại thời điểm RFID được thông qua, người đứng đầu DHHS là Tommy Thompson.
Điều kỳ lạ là chỉ 2 tuần sau quyết định phê chuẩn RFID có hiệu lực (ngày 10/1/2005), Thompson đã rời bỏ cương vị trong chính phủ và 5 tháng sau đó, ông ta xuất hiện với tư cách một thành viên HĐQT của VeriChip Corporation, đồng thời được thưởng hậu hĩnh bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu.
Tuy nhiên, Tommy Thompson tuyên bố rằng ông ta thậm chí chưa từng biết đến VeriChip trước khi từ chức tại DHHS.
Mặc dù vậy, bài báo của AP vẫn để ngỏ khả năng rằng bệnh ung thư ở các vật nuôi thí nghiệm có thể là hậu quả của kỹ thuật cấy ghép chứ không phải của bản thân con chip. Hơn nữa, "gây ung thư cho chuột dễ hơn ở người rất nhiều", Tiến sĩ Cheryl London của Trường Đại học Ohio cho biết.
Trọng Cầm (Theo VNUnet)