221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
983810
ICT Việt - Mỹ: Con đường hợp tác rộng mở!
1
Article
null
ICT Việt - Mỹ: Con đường hợp tác rộng mở!
,

(VietNamNet) - "Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu công nghệ phát triển nhanh nhất châu Á, Việt Nam đang là điểm đến số 1 của các DN Mỹ, Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng vững mạnh và tiềm năng trong tương lai..." là các ý kiến chủ đạo của đại diện chính phủ, các hiệp hội và DN Mỹ. Và từ đây, 2 bên sẽ cùng thúc đẩy tìm hiểu lẫn nhau, để cùng gắn kết, hợp tác và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông (ICT). Cuộc đối thoại ICT Việt - Mỹ, do Bộ Thông tin và Truyền thông VN (MIC) phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, trong 2 ngày (17 và 18/9) đã đạt được những điều ấy.

Cuộc đối thoại về CNTT và truyền thông giữa 2 nước VN và Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đạt được khá nhiều đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau.

Cuộc đối thoại về CNTT và truyền thông giữa 2 nước VN và Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đạt được khá nhiều đồng thuận và hiểu biết lẫn nhau.

"Việt Nam là biên giới mới của thương mại Mỹ ở châu Á"

Đại sứ David Gross, phụ trách chính sách thông tin và truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, Việt Nam là một quốc gia quan trọng đối với Mỹ. Quan hệ hai nước đã được mở rộng và làm sâu sắc thêm ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về công nghệ. 

Ông David Gross: "Việt Nam nằm trong top đầu các nước cần tăng cường đối thoại bởi tiềm năng hợp tác to lớn và mối quan tâm lớn của các DN Mỹ".

Ông Jamie Estrada, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đối với ngành CNTT và truyền thông, thể hiện sự tăng trưởng vững mạnh và tiềm năng trong tương lai. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu công nghệ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á của Mỹ, là điểm hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao từ các DN Mỹ.

Lượng vốn đầu tư quy mô lớn và chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT và truyền thông từ Mỹ và các nước láng giềng châu Á đã đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng. Rất nhiều dấu hiệu hứa hẹn dành cho DN Mỹ trong định hướng của Việt Nam. 

Sau 5 năm thực hiện BTA, xếp hạng của Việt Nam trong số các đối tác thương mại của Mỹ từ vị trí thứ 66 tăng lên vị trí thứ 43. Tại châu Á, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ với mức tăng trưởng kép hàng năm là 19% trong tỷ trọng xuất khẩu của Mỹ năm 2001 và 2006. Riêng lĩnh vực CNTT và truyền thông, tốc độ tăng trưởng trong doanh số xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất (20%). Nhập khẩu các sản phẩm CNTT và truyền thông của Mỹ từ Việt Nam tăng trung bình 62%.

Ba yếu tố chính thu hút các DN sản xuất thiết bị CNTT và truyền thông Mỹ kinh doanh tại Việt Nam là thuế quan thấp, môi trường đầu tư tích cực và chế độ tiêu chuẩn ngày càng cải thiện.

Báo cáo của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ tháng 9/2007 đánh giá Việt Nam là biên giới mới cho thương mại ở châu Á của Mỹ.

Mục tiêu ICT của Việt Nam và Mỹ là tương đồng

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Robert Pepper, Luật sư cao cấp của tập đoàn Cisco cho rằng, mục tiêu và mong muốn của DN trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của hai nước là tương đồng. Điều cần thiết là làm thế nào đẩy nhanh quá trình hợp tác. Chúng ta đã có một sự khởi đầu tốt và chắc chắn, các bước tiếp theo sẽ còn được đẩy mạnh. Gia nhập WTO và những cam kết quốc tế khiến Việt Nam sẽ đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, từ đó, lại thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài.

’TS.

TS. Vũ Đức Đam: "Không khí đối thoại giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và làm nảy nở nhiều cơ hội hợp tác giữa DN với DN, Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ và DN."

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, TS Vũ Đức Đam cho biết: "CNTT-TT Việt Nam có tiềm năng và cũng đứng trước đòi hỏi phát triển mạnh mẽ. Với tiềm lực rất mạnh, nhất là về công nghệ, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng. Hợp tác giữa hai bên đã có nhiều kết quả nhưng có thể và cần được tăng cường. Từ trước tới nay, nhiều vấn đề cùng quan tâm đã được đặt ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng ngồi với nhau, cùng đối thoại về những cơ hội, thách thức cũng như phương thức thúc đẩy hợp tác trên tinh thần cởi mở, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của cả hai bên."

"Nhiều vấn đề đã được hai bên chia sẻ. Đặc biệt, các bên đã cùng nhau trao đổi về các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đối tác hợp tác để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và thị trường thứ ba. "

Thứ trưởng nhấn mạnh, không khí đối thoại giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và làm nảy nở nhiều cơ hội hợp tác giữa DN với DN, Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ và DN.

Đại sứ David Gross cũng cho PV VietNamNet biết, trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, Việt Nam nằm trong top đầu các nước cần tăng cường đối thoại bởi tiềm năng hợp tác to lớn và mối quan tâm lớn của các DN Mỹ.

Ông Nguyễn Lâm Thanh: "Intel đang được hỗ trợ và tạo điều thuận lợi để phát triển tốt tại thị trường VN".

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào VN năm 2006 là 10 tỷ USD, và con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm 2007. Tổng tỷ trọng thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tăng rất nhanh, từ 1,5 tỷ USD năm 2001 lên 9,7 tỷ USD năm 2006. Rõ ràng, những con số trên minh chứng cho sự hợp tác kinh tế hiệu quả và một tiềm to lớn trước mắt giữa VN và Mỹ. Nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO và cam kết hội nhập, biểu hiện bằng "sự tăng tốc" của các DN "đại gia" Mỹ đang làm ăn tại VN. Tập đoàn chip bán dẫn số 1 thế giới Intel đã nâng vốn đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp tại TP.HCM từ 605 triệu USD lên 1 tỷ USD, Tập đoàn dữ liệu IDG cũng sẽ nâng vốn đầu tư tại VN lên 650 triệu USD vào năm 2010.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc phát triển kinh doanh, Tập đoàn Intel cho biết: Intel đang phát triển tốt tại thị trường Việt Nam, được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi và đặc biệt là có được những đối tác VN thông minh và am hiểu thị trường. Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Oracle Việt Nam và Đông Dương cũng cho biết, việc cần làm của Oracle bây giờ là tiếp tục tìm kiếm cơ hội và mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Cùng tháo gỡ những khác biệt

Cùng ngồi lại, thẳng thắn trao đổi, các DN của Mỹ và Việt Nam đã đưa ra những điểm còn vướng mắc, những khó khăn đã và sẽ gặp trong quá trình kinh doanh, hợp tác cùng nhau.

Bà Đan Phượng: "Phía Mỹ nên linh động hơn trong việc xét visa nhập cảnh vào Mỹ, nhằm tạo điều kiện để các DN Việt Nam dễ dàng thâm nhập thị trường Mỹ".

Đại diện tập đoàn FPT, bà Đan Phượng (FSoft) đưa ra 3 vấn đề vướng mắc, xuất phát từ thực tế thâm nhập thị trường Mỹ của tập đoàn này: visa vào Mỹ khó khăn, thanh toán quốc tế và quy định về không đánh thuế 2 lần.

Theo bà Phượng, muốn mở rộng kinh doanh tại thị trường Mỹ, FPT phải đưa các kỹ sư của mình sang Mỹ để tìm hiểu thực tế hoặc học hỏi các cơ hội tại đây, trong một thời gian tương đối dài, và các nhân sự ấy lại không thể làm việc cố định trong 1 công ty nào của Mỹ. Và điều này khiến việc xét duyệt visa cho họ từ phía Đại sứ quán Mỹ rất khó khăn. Bà Phượng đề nghị, phía Mỹ nên có những đánh giá linh động hơn đối với từng trường hợp xét duyệt visa. Như vậy, cũng là tháo dỡ một trong các rào cản để DN Việt Nam dễ dàng hơn thâm nhập thị trường Mỹ.

Đại diện tập đoàn VNPT, ông Hoàng Tiến (Vụ Hợp tác quốc tế) thì đặt câu hỏi rằng, các DN và cơ quan quản lý của Mỹ có kinh nghiệm gì trong việc điều hành và tạo ra 1 thị trường công nghệ viễn thông mới NGN phát triển. Theo ông Tiến, thực tế tại Việt Nam cho thấy, hạ tầng công nghệ cho mạng NGN không hiệu quả. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đều có hạ tầng mạng NGN cho riêng mình, gây lãng phí, không tận dụng và phối hợp sức mạnh cùng nhau.

Ông Jamie Estrada: "VN là một trong những thị trường xuất khẩu công nghệ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á của Mỹ, là điểm hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao từ các DN Mỹ".

Đại diện Bộ Thương mại Mỹ, ông Jamie Estrada đã nêu lên 6 vấn đề then chốt để tăng cường thương mại song phương về CNTT và truyền thông với Việt Nam, bao gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng - đưa ra các giải pháp cứng rắn để đẩy mạnh cạnh tranh và các hình thức cải tổ về quy định khác; an ninh mạng - nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng nhận biết kinh doanh để đánh bại các tội phạm mạng; các kỹ năng và đào tạo - xây dựng lực lượng lao động gồm các kỹ sư phần mềm được chứng nhận quốc tế; sao chép lậu phần mềm - thực thi khung pháp lý mới về quyền sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử - thúc đẩy lòng tin khách hàng thông qua tuân thủ thông lệ quốc tế và bảo mật dữ liệu; và mua sắm của Chính phủ - đón nhận các công nghệ và bí quyết nước ngoài nhằm hỗ trợ cho việc triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử.

Ông Estrada khẳng định: "Tích cực giải quyết các vấn đề này, Việt Nam sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và thế giới rằng Việt Nam đang nghiêm túc trong việc xác định một vị trí chiến lược trong nền kinh tế kết nối toàn cầu".

Sau gần 15 giờ làm việc liên tục, cuộc đối thoại kết thúc lúc 6h chiều ngày 18/9, các đại biểu tham dự của 2 bên đều tỏ ra khá vui vẻ, thoải mái. Các đại diện phía Mỹ được đánh giá là những người làm việc cầu thị, nhiệt tình và rất chuyên nghiệp. Họ đều có chung nhận xét với PV VietNamNet: Đây quả là một hình thức đối thoại sáng tạo, cởi mở và hiệu quả. Các vấn đề khúc mắc được đặt lên bàn rất nhẹ nhàng, trên tinh thần hợp tác và thực tế đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Được biết, trước khi ngồi vào đối thoại, phía Mỹ (Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại) đã tập hợp được hơn 20 vấn đề vướng mắc – dựa trên những ý kiến phản hồi của các DN Mỹ đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, để kiến nghị với phía Việt Nam. Tuy nhiên, sau các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa các quan chức 2 bên, giữa đại diện các DN với nhau trước khi tiến hành đối thoại, những vướng mắc đó giảm xuống chỉ còn 7 vấn đề, và sau khi kết thúc đối thoại, 2 bên đã trở nên hiểu nhau hơn, những vướng mắc, khó khăn hầu như không còn.

Tựu chung lại có thể thấy, tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông của các DN Việt Nam và Mỹ là rất lớn, bởi những điểm tương đồng như thế, bởi những nền tảng thuận lợi như thế, bởi những mục tiêu và mong muốn của cả 2 bên lớn như thế. Những vướng mắc hay khác biệt còn lại sẽ tiếp tục được tháo gỡ trong một tinh thần làm việc hợp tác, mong muốn hướng về phía trước như tại cuộc đối thoại về ICT lần đầu tiên này. Mục tiêu và cũng là quyết tâm của Chính phủ và các DN Việt Nam có thể nhận thấy tại cuộc đối thoại là, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành một nước Malaysia tiếp theo về khởi sắc ICT, sẵn sàng vươn tới những thành công đi trước của ngành CNTT và Truyền thông Trung Quốc và Ấn Độ. 

  • Phương Loan - Huyền Chi 
    Ảnh: Trí Hiếu
     

    Quan điểm của quý độc giả về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực ICT giữa Việt Nam và Mỹ:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,