221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
984872
"VN ở vị trí thuận lợi trong hệ thống ICT toàn cầu"
1
Article
null
'VN ở vị trí thuận lợi trong hệ thống ICT toàn cầu'
,

(VietNamNet) - Bên lề Đối thoại ICT Việt - Mỹ, Chủ tịch UB về IT, truyền thông và IP của Amcham Hà Nội, ông Michael Mudd, chia sẻ góc nhìn về sự phát triển của ICT Việt Nam, cơ hội làm ăn của DN Việt Nam tại Mỹ và DN Mỹ tại Việt Nam trong lĩnh vực ICT. Michael Mudd đồng thời là Giám đốc phụ trách chính sách công, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CompTIA, một tổ chức của 24 DN ICT của Mỹ.

Michael Mudd: "AnCham sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam cải thiện môi trường thương mại, đầu tư của mình". (Ảnh: H.S)

ICT Việt Nam: không có lí do để đi xuống

- Sau gần 1 năm gia nhập WTO, các DN Mỹ nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam, thưa ông?

Nhân tố ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam là việc trở thành thành viên của WTO. WTO đồng nghĩa với việc chấp nhận những luật lệ thương mại toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam cần có một quá trình chuyển đổi bởi Việt Nam là một nước đang phát triển. Mọi người đều hiểu điều đó và họ không cảm thấy có vấn đề gì vì chuyện này. Nhìn thấy sự khác biệt, bạn sẽ cần phải thích ứng, cần phải điều chỉnh.

Kinh doanh ở Việt Nam lần đầu tiên cách đây 13 năm, tôi thấy mọi sự rất khác biệt. Tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi: Sự thích ứng và thông qua các luật lệ quốc tế, vai trò ngày càng tăng của nền kinh tế Việt Nam thông qua APEC, ASEAN... ; sự cắt giảm những rào cản thương mại ở cấp độ khu vực, và quốc tế. Và Việt Nam cũng hưởng lợi từ quá trình đó.

WTO đem lại lợi ích cho Việt Nam và các đối tác thương mại của VN. Các nhà đầu tư trông đợi vào sự chuyển biến trong môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý của Việt Nam, trong đó có luật bản quyền. Đây cũng là vấn đề của tất cả các thị trường đang phát triển.

Điều mà cộng đồng DN thế giới mong muốn được chứng kiến là xu hướng cải thiện. Điều đó đang đến và Việt Nam đang tiến gần hơn. Dưới tác động của WTO, cuộc cách mạng trong lĩnh vực này đang diễn ra tại Việt Nam.

- Trong lĩnh vực ICT, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành ICT Việt Nam?

Đại sứ Michalak đã nói, Việt Nam có khả năng để đi đầu trong ngành IT. Với tư cách là DN, tôi nhìn thấy những cơ hội làm ăn to lớn ở Việt Nam trên nền tảng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Việt Nam là một thị trường đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực ICT với nhiều công nghệ và dịch vụ bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội và khả năng xuất khẩu lớn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy những nền kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc lớn mạnh như thế nào. Và chúng tôi không thấy có lí do gì để Việt Nam đi xuống vào thời điểm này với chính sách quản trị tốt, một khung tốt.

Lương và chi phí của hoạt động ICT ở VN rất thấp. Mức lương của quản lý dự án và lập trình viên tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 tới 1/2 những lập trình viên và quản lý dự án tương ứng tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Tỷ lệ cọ sát trong các DN CNTT của Việt Nam so với Trung Quốc và Ấn Độ tương đối thấp, từ 5-7%.

Các trường ĐH, CĐ và trung cấp kỹ thuật của VN hàng năm có 10.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, 5.000 sinh viên hiện đang theo học ngành CNTT và 10.000 cán bộ trong lĩnh vực này.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT cũng rất quan trọng trong kinh doanh. Việt Nam cần phát triển theo hướng cạnh tranh. Tính cạnh tranh này không nằm ở giá cả thấp, bởi giá cả thấp không có ý nghĩa quan trọng nhất trong lĩnh vực IT. IT là lĩnh vực kinh doanh giá trị cao. Điều cần hướng tới trong cạnh tranh là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn.

Điều mà chúng tôi có thể làm để giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh là giúp đào tạo nguồn nhân lực, từ đó, cho phép các DN Việt Nam bắt kịp tiến trình. Chúng tôi sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để Việt Nam cải thiện môi trường thương mại, đầu tư của mình. Amcham cũng thường xuyên nhấn mạnh mong muốn cải thiện điều này.

Đầu tư vào VN trong tầm nhìn dài hạn

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội kinh doanh của các DN Mỹ tại Việt Nam?

Cơ hội đó là rất lớn. Việt Nam có lực lượng khá đông trong lĩnh vực ICT. Thêm vào đó, việc mở rộng của các thể chế đào tạo như ĐH FPT... như là một minh chứng cho sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong đào tạo.

Càng nhiều người hoạt động và có kỹ năng trong lĩnh vực này đồng nghĩa với sức hấp dẫn của ngành công nghệ ICT Việt Nam tăng lên trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ. Sẽ không cần thiết để tiến hành sản xuất ở ngay trên nước Mỹ mà có thể ở Ấn Độ, Trung Quốc và không có lí gì không tiến hành ở Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, kinh doanh sẽ ngày càng tiến triển.

- Với kinh nghiệm 13 năm kinh doanh trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam, theo ông, bí quyết để thành công là gì?

Trước hết, sự thành công nằm ở chỗ chúng tôi đến Việt Nam trong một tầm nhìn dài hạn, không phải với mong muốn thu hồi vốn nhanh. Chúng tôi nhìn Việt Nam trong chiến lược dài hơi, khi mối quan hệ song phương ngày càng phát triển và tin tưởng lẫn nhau, và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Khi lợi ích chỉ đến với một phía, lòng tin sẽ bị phá vỡ.

Hiện nay, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, cách nhìn của tôi có sự điều chỉnh. Điều tôi có thể làm bây giờ là thông tin cho DN Mỹ rằng Việt Nam là một nền kinh tế mở, dựa trên cơ sở pháp luật theo những cam kết thương mại của WTO. Và có nhiều cơ hội hợp tác mang lợi ích cho cả hai bên. Có nhiều dự án đầu tư vào VN. Intel là một ví dụ. Và nhiều đại gia CNTT của Mỹ cũng đã tìm đến VN tìm kiếm cơ hội làm ăn của mình: Microsoft, Cisco, IBM... Tất cả các DN này đến Việt Nam không phải cho một kế hoạch ngắn hạn mà theo đuổi một chiến lược dài hạn.

- Việt Nam vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển, trong khi Mỹ là nước phát triển hàng đầu trong lĩnh vực ICT. Để hai bên có thể hợp tác với nhau, những sản phẩm và hệ thống có thể tương thích với nhau, thì hai bên cần xây dựng một tiêu chuẩn chung (gọi là open standard). Phía Mỹ có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng một hệ tiêu chuẩn chung này?

Điều đặc biệt của lĩnh vực ICT chính là ở chỗ nó hình thành một tiêu chuẩn quốc tế thống nhất trên toàn cầu. Khi bạn ở HongKong, Mỹ, châu Âu hay Việt Nam, hệ thống điện thoại vẫn hoạt động tốt, bởi đơn giản, nó chia sẻ một chuẩn chung. Đây là thuận lợi cho sử dụng và cũng là thuận lợi để các DN Việt Nam tạo ra những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế khi ra thị trường bên ngoài. 

DN Mỹ có thể chia sẻ với các DN Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam những nghiên cứu, ứng dụng đã được chúng tôi tiến hành. Một tiêu chuẩn chung được chấp nhận rộng rãi ở các cấp làm việc là rất quan trọng. Để có tiêu chuẩn ấy, các DN và cơ quan của Mỹ đã tốn nhiều thời gian, tiền bạc, nhiều nghiên cứu, khảo sát. Và Việt Nam chỉ cần đơn giản là áp dụng những tiêu chuẩn sẵn có này.

"Điểm thuận lợi của các DN Việt Nam là, Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để tham gia vào hệ thống ICT toàn cầu. Các DN Việt Nam đầy sức sống và đã sẵn sàng để hội nhập." (Ảnh: H.S)

Thành công ở Mỹ: Khởi đầu bằng khu vực nhỏ

Việt Nam có 750 công ty phần mềm đang hoạt động và 35.000 lập trình viên phần mềm đang làm việc, nhưng chỉ một vài DN có quy mô hơn 1.000 nhân viên.

Các công ty cũng có hạn chế trong khả năng sản xuất được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chỉ có 2 DN đạt được chứng chỉ mô hình trưởng thành về năng lực CMMI cấp 5. Cũng chỉ có 40 DN khác đạt chứng chỉ mô hình trưởng thành về năng lực cấp thấp hơn hay năng lực theo tiêu chuẩn ISO 9001.

-  Đối với các DN ICT Việt Nam muốn làm ăn ở Mỹ, đâu là thách thức lớn nhất?

Khó khăn lớn nhất sẽ là những hiểu biết về hệ thống pháp luật tại Mỹ. Khó khăn này có thể được giải quyết thông qua tìm kiếm sự hỗ trợ từ các luật sư Mỹ. Tương tự như vậy, muốn làm ăn ở Việt Nam, các DN Mỹ cũng tìm đến sự trợ giúp pháp lý từ các luật sư Việt Nam. Chúng ta không cần quá lo lắng về điều này.

Ngoài ra, các DN có thể liên hệ với các hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam như VCCI ở Việt Nam và đối tác phía Mỹ là CompTIA... để tìm sự hỗ trợ. Hoặc các DN Việt Nam có thể tham gia các hội chợ thương mại để trao đổi, tìm kiếm đối tác, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh tại Mỹ. Chúng tôi sẵn lòng đón tiếp và chào mừng đoàn DN đến từ Việt Nam tham gia những hoạt động như vậy tại Mỹ. Thậm chí, chúng tôi còn có thể hỗ trợ tài chính từ các chương trình chính phủ.

Tôi tin rằng chúng ta có một tương lai tươi sáng cho sự hợp tác Việt - Mỹ trong ICT. Chúng ta mới chỉ đi bước đầu tiên, một sự khởi đầu tốt đẹp.

- Ông có thể đưa ra lời khuyên nào cho các DN VN muốn làm ăn để thành công ở thị trường Mỹ?

Thị trường ICT Mỹ là thị trường mở và có tính cạnh tranh cao nhất thế giới. Bạn cần phải nghiên cứu, tìm hiểu thị trường cẩn thận. Tôi có thể tập trung vào một khu vực nhỏ hơn để hướng tới, ví dụ như cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, nơi có mối liên kết về ngôn ngữ, văn hóa... Hay cộng đồng các DN Mỹ đang làm ăn ở Việt Nam. Bản thân các DN này cũng muốn hợp tác để bán các sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, việc kinh doanh, thương mại phải tùy thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể. Các DN phải nhận thức rõ lợi thế so sánh trong cạnh tranh của mình.

DN cũng phải xác định một tổ chức hợp tác để từ đó tạo nên mối liên kết như cơ quan thương mại Mỹ, ĐSQ Việt Nam tại Mỹ và ĐSQ Mỹ tại Việt Nam.

Điểm thuận lợi của các DN Việt Nam là, Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để tham gia vào hệ thống ICT toàn cầu. Các DN Việt Nam đầy sức sống và đã sẵn sàng để hội nhập.

  • Phương Loan (thực hiện)

    Quan điểm của quý độc giả về bài viết:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,