“Nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đình Thuần có thể sẽ phải trả giá vì những sai phạm trong Đề án 112, nhưng lý do thất bại của Đề án này không hoàn toàn do ông Thuần hay những cộng sự của ông, mà lý do nằm ở một vấn đề khác, một cấp khác cao hơn”.
TS Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, đã mở đầu gặp gỡ Chủ nhật với Tiền phong như vậy.
Làm theo nước ngoài lấy gì mà “ăn”
TS Nguyễn Quang A cho biết, khoảng cuối năm 1998, nằm trong hoạt động của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, tôi đã có chuyến công tác đến nước Úc để tìm hiểu họ “tin học hóa” Chính phủ ra sao.
Cách làm ở nước Úc dĩ nhiên là khác, đơn giản hơn nhiều so với... Đề án 112. Chỉ với khoản đầu tư 160.000 USD, sau gần 2 năm tại một bang của nước Úc hầu hết các dịch vụ công đều được thực hiện trực tuyến.
Sau khi trở về, tôi làm báo cáo và gửi đi, đồng thời trình bày kinh nghiệm của cách làm ở nước Úc tại một số hội thảo. Nhưng, cũng như “số phận” bức thư gửi Thủ tướng để cảnh báo về sự thất bại của Đề án 112 ngay khi Đề án này mới bắt đầu của giáo sư Phan Đình Diệu (thư không có hồi âm), tôi hoàn toàn không biết Chính phủ và những người làm Đề án 112 có biết đến kinh nghiệm của nước Úc không, có đọc báo cáo của tôi không?
Tôi không rõ, nhưng tôi nghĩ là không. Cũng có thể họ biết, nhưng làm theo hay học nghiêm túc kinh nghiệm đó thì họ còn gì mà “ăn”. Nghĩ lại thấy quá buồn, vì mình cũng đã tiêu tốn của ngân sách chi phí cho một chuyến công tác, bỏ phí một tuần, mất công viết báo cáo và mất công nói, trình bày mà chẳng ích chi. Thật đau lòng.
Ông cho rằng Đề án 112 sai ngay từ “đề bài”?
- Ý định dùng máy móc công nghệ để tin học hóa cái hiện hành là hoàn toàn vô nghĩa, vì quy trình của nó vẫn như cũ. Giả sử như vấn đề đổi chứng minh thư với yêu cầu có hộ khẩu.
Một ông ở Móng Cái vào Cà Mau làm việc, chẳng may bị mất chứng minh thư, nếu muốn đổi chứng minh thư khác theo quy trình hiện hành phải lấy xác nhận của địa phương nơi cư trú.
Những người làm Đề án này đã nhận thức không thật đúng về mục tiêu tin học hóa cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải nhắm đến các quy trình, cung cách làm việc và tin học chỉ là công cụ. Vì nếu không có tin học, nếu làm bằng tay, chúng ta vẫn phải cải cách hành chính cơ mà! Cho nên, lẽ ra, Đề án 112 phải tập trung vào chuyện quy trình thủ tục hành chính của các cơ quan, từ đó nghiên cứu thay đổi toàn bộ hệ thống và cung cách làm việc. Còn tin học, xin nhấn mạnh, chỉ là công cụ thực hiện TS Nguyễn Quang A |
Việc này ông ta không thể làm ngay được, mà phải lặn lội từ mũi Cà Mau về địa đầu Móng Cái để xin giấy tờ và thực hiện việc đổi chứng minh thư ở đó.
Một quy trình hợp lý là người đàn ông này được cấp đổi chứng minh thư ngay tại Cà Mau, ông ta khai báo ngay tại đó, trong vòng 15 phút cơ quan chức năng cấp mới chứng minh thư cho ông với chi phí 100 ngàn đồng.
Quy trình này rõ ràng là tiện lợi cho người dân hơn khi không phải từ Cà Mau về Móng Cái mất mấy ngày đi lại, mấy ngày chờ đợi, với chi phí tới mấy triệu đồng.
Như vậy, nếu không thay đổi quy trình thì dù máy tính có xuất hiện thật nhiều trong công sở đi nữa cũng vô nghĩa. Ngoài ra, còn hàng ngàn dịch vụ công khác, nên vấn đề đầu tiên ở đây là phải rà soát lại xem Chính phủ làm việc gì, việc gì không nên làm. Đầu tiên phải đặc tả công việc. Sau đó mới đến phần việc của giới chuyên môn là phần mềm, phần cứng... Như thế thì cải cách hành chính là cốt lõi, còn tin học hóa là công cụ. Đặt ra vấn đề máy móc và phần mềm mà không để ý đúng mức câu chuyện quy trình thì chắc chắn là phí tiền và thất bại.
Nhưng thay đổi quy trình thường là những quyết định rất lớn và chỉ những người lãnh đạo cao nhất mới có thẩm quyền quyết định, thưa ông?
- Đúng vậy. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thất bại khác của Đề án 112. Trong hầu hết các đề án, mà người đứng đầu cơ quan không làm chủ sở hữu dự án, trong trường hợp của Đề án 112 là ông Thủ tướng không đứng ra chủ trì, thì rất khó. Ngay như câu chuyện chứng minh thư, muốn thay đổi sẽ “đụng” đến bên công an, chính quyền cấp phường, xã...
Chỉ khi nào Thủ tướng quyết định rằng bây giờ phải làm như thế này, bởi vì quy trình này mới hợp lý, thì lúc đó công an cũng như các cơ quan khác mới làm theo.
Ngoài ra khi thay đổi quy trình đó cũng sẽ đụng đến rất nhiều các văn bản pháp quy khác, vậy những ông “cỡ” Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì không đủ quyền hạn để làm.
Một vấn đề khác là quản lý các đề án, mặc dù không phải quá phức tạp, nhưng cũng cần phải chuyên nghiệp. Rõ ràng Đề án 112 chưa được quản lý một cách chuyên nghiệp, góp phần vào sự thất bại của Đề án.
Đừng để thất bại làm nhụt trí
Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin trước đây từng bị đình chỉ mà hầu như không được kế thừa. Đề án 112 đã được xem là thất bại. Vậy ông nghĩ sao về việc thực hiện Chính phủ điện tử, điều mà người dân cũng đang rất chờ đợi?
Việc xóa trắng bất cứ một chương trình, một đề án nào đó, là điều không nên. Càng không nên “tát nước theo mưa”, mà phải ngồi lại để rút ra những bài học, nhất thiết phải có những phân tích, khách quan, cẩn trọng để tìm ra những bài học xác đáng để rút kinh nghiệm, để góp ý cho các đề án tiếp theo.
Tới đây, đối với việc triển khai những đề án của Nhà nước có liên quan đến tin học, tôi cho rằng điều quan trọng đầu tiên là xác định được phạm vi và quy mô của những việc cần làm thật rõ ràng, sau đó tới chuyện thay đổi quy trình làm việc.v.v.., cuối cùng mới tính đến vấn đề công nghệ.
Như tôi đã từng phát biểu, có những cách tiếp cận khác nhau đến chính phủ điện tử, trong đó chúng ta nên hướng theo cách tiếp cận cơ quan Chính phủ coi mình là các nhà cung cấp dịch vụ công cho công chúng.
Nếu người dân đang chờ đợi, thì các cơ quan của Chính phủ không nên để cho sự thất bại của Đề án 112 làm nhụt chí.
Cảm ơn ông!
(Theo Võ Văn Thành - Tiền Phong)
Quan điểm của quý độc giả: