Nghị định 55 về quản lý Internet ban hành từ năm 2001 cho tới thời điểm này được đánh giá là không còn phù hợp nữa với tình hình phát triển của Internet Việt Nam. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện nhiệm vụ sửa đổi lại Nghị định, cũng có thể một Nghị định mới sẽ ra đời để thay thế. Vấn đề quan trọng nhất trong thời điểm này là phải xác định rõ mục tiêu quản lý Internet là gì?
10 năm qua, Internet ở VN đã phát triển rất nhanh. (Ảnh: LAD)
"Một người mắc bệnh, cả làng phải uống thuốc"
Trong buổi hội thảo vừa diễn ra cuối tuần trước lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Nghị định 55 của các chuyên gia và doanh nghiệp Internet, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông đã cho rằng, hiện chính sách quản lý Internet đang tồn tại tư duy: một người mắc bệnh cả làng uống thuốc. Vì vậy, để tìm ra những hiệu quả từ việc quản lý Internet cho tới thời điểm này vẫn còn chưa rõ.
Nếu như khi Chính phủ ban hành Nghị định 55 về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet vào năm 2001, Nghị định đã được đánh giá là một bước phát triển quan trọng tới sự phát triển của Internet với tư duy "quản lý phải theo kịp với sự phát triển” thay vì "quản lý tới đâu, phát triển tới đó" được áp dụng trước đấy thì với sự phát triển nhanh chóng của Internet ở thời điểm này, Nghị định 55 cùng những văn bản, chính sách nhằm cụ thể hoá nghị định lại bộc lộ những điểm “chưa theo kịp sự phát triển”.
Hiện công tác quản lý Internet Việt Nam đặt vào "tầm ngắm" đối với 8 đối tượng cụ thể đó là: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối (IXP); Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập Internet (ISP); Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP); Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung Internet (ICP); Đại lý Internet; Doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại Internet và người sử dụng dịch vụ Internet.
Ban biên tập và tổ soạn thảo sửa đổi Nghị định đã đưa ra một loạt những vấn đề cần xin ý kiến các chuyên gia trước khi đặt bút sửa đổi. Với các ISP, có nên cấp 1 giấy phép cho tất cả các dịch vụ Internet (bao gồm kết nối, truy cập, ứng dụng Internet); có nên bỏ ISP dùng riêng; các ISP có được kết nối trực tiếp đi quốc tế, kết nối vào các IX (VNIX)?
Một số "điểm nóng" hiện nay như ICP, đại lý Internet; doanh nghiệp game online, vấn đề quản lý các dịch vụ data center, Ip_IVN, blogs... cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết khi thay đổi nghị định như có nên phân loại, cấp phép cho các ICP không? Có cấp phép thiết lập website không? Với các đại lý Internet vốn đã có Thông tư 02 quản lý song khi sửa đổi nội dung của Nghị định 55, câu hỏi đặt ra lại là có cần sửa đổi thông tư hay không?...
Trước những băn khoăn được đặt ra từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp được nêu ra tại Hội thảo.
Chính sách quản lý cần cởi mở
Lịch sử của công tác quản lý Internet đã được ghi dấu bởi hai chính sách lớn đó là Nghị định 21 (được ban hành tạm thời từ năm 1997 khi dịch vụ Internet bắt đầu vào Việt Nam) và Nghị định 55 ban hành vào năm 2001. Theo tiến sỹ Mai Anh, để có thể sửa đổi Nghị định 55 cho phù hợp với xu hướng quản lý Internet hiện nay, trước khi đặt bút cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những tìm hiểu để thực hiện theo thông lệ quốc tế và phù hợp với pháp luật hiện hành.
Nên chăng tách bạch việc quản lý Internet hiện nay thành hai mảng cụ thể. Thứ nhất, quản lý về hạ tầng Internet Việt Nam với việc xem xét, nghiên cứu mô hình tối ưu cho hạ tầng Internet của Việt Nam nên như thế nào?... Thứ hai, với vấn đề gây nên nhiều bức xúc hiện nay là quản lý đại lý Internet, cần phải xác định rõ cần quản lý nó như thế nào với chính sách cấp phép cởi mở.
Với quan điểm mục tiêu lớn nhất phải hướng tới quyền lợi của người dùng Internet, ông Vũ Hoàng Liên, giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC cho rằng, việc quản lý trước hết cần cởi mở cho chính người sử dụng Việt Nam dù phải có những nguyên tắc quản lý theo mục tiêu. Và để có mục tiêu đúng đắn lại cần phải sử dụng ngay công nghệ để giải quyết vấn đề. Ngược lại, môi trường quản lý cũng phải tạo điều kiện cho công nghệ phát triển.
Chủ trương xây dựng, sửa đổi lại chính sách về quản lý Internet Việt Nam là rất đúng, nhưng tựu chung lại, ý kiến được nhiều đại biểu băn khoăn nhất vẫn là phải xây dựng được nội dung quản lý như thế nào cho phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay. Trong khuôn khổ một cuộc hội thảo chưa thể làm "thoả mãn" được những đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp Internet tham dự hội thảo. Chính vì vậy, bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, Bộ sẽ xây dựng một chuyên mục nhằm xin ý kiến đóng góp rộng rãi của mọi đối tượng về quản lý Internet trên website.
Dự kiến, năm 2008, Nghị định về chính sách quản lý Internet mới sẽ được ban hành và chính thức áp dụng.
(Theo Thuỷ Nguyên/VnMedia)