Các dịch vụ băng thông rộng di động sẽ "đẻ" ra nguồn doanh thu lên tới 400 tỷ USD vào năm 2012, hãng nghiên cứu Informa Telecoms & Media dự đoán.
"Băng thông rộng di động sẽ chiếm gần một nửa tổng doanh thu dịch vụ từ ĐTDĐ vào thời điểm đó. Đây sẽ là thị trường nhộn nhịp nhất, lớn nhất và quan trọng nhất (xét về mặt chiến lược) của ngành công nghiệp di động", chuyên gia Mike Roberts của Informa cho biết.
Nguồn: VNUnet
Bản báo cáo này cũng dự đoán rằng HSPA, tức Truy cập gói tốc độ cao, sẽ là hệ thống băng rộng đi đầu về số lượng thuê bao, kế đến là EV-DO và WiMax di động.
Tính đến hết năm 2007, EV-DO có thể tạm chiếm ngôi đầu bảng về số lượng thuê bao, nhưng chỉ đến năm 2009, ngôi vị này sẽ bị HSDPA giành mất.
TD-SCDMA, chuẩn 3G riêng do Trung Quốc tự phát triển, cũng sẽ trở thành một "thế lực đáng kể" trên thị trường băng thông rộng di động, với gần 50 triệu thuê bao vào năm 2012.
"WiMax di động đang rất hứa hẹn, nhưng LTE (4G) sẽ qua mặt WiMax trên chặng đường dài, bởi LTE tận dụng được cơ sở hạ tầng và thuê bao hiện tại của WCDMA/HSPA - vốn là đời trước của LTE", Informa cho biết.
Thống trị thị trường băng rộng
Cũng theo ông Roberts thì tính đến hết tháng 6 vừa qua, đã có hơn 200 triệu mạng băng thông rộng di động đang triển khai và kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, thu hút hơn 50 triệu thuê bao, sử dụng hàng trăm model điện thoại, thiết bị cố định và cầm tay khác nhau.
"Đã có thể dùng từ "đáng kể" để mô tả về thị trường băng thông rộng di động tại thời điểm này. Nhưng phải chờ 5 năm nữa thì nó mới thật sự bùng nổ", Roberts phân tích.
Tuy nhiên, với một quy mô đổ bộ "hoành tráng" đến như vậy, bất cứ doanh nghiệp hay mạng di động nào mắc sai lầm về chiến lược kinh doanh sẽ phải "lĩnh đủ".
"Băng rộng di động là một bước ngoặt cho ngành công nghiệp di động, giống như việc chuyển từ kết nối quay số sang băng thông rộng đã làm thay đổi hẳn diện mạo ngành công nghiệp cố định. Những doanh nghiệp chậm chân sẽ phải nhường chỗ cho những đối thủ mới, nhiều sáng kiến và năng động hơn".
Bản báo cáo của Informa cũng cho rằng, sự bùng nổ của băng rộng di động sẽ giúp công nghệ này biến thành nền tảng băng rộng thống trị vào năm 2011, với số lượng người dùng nhiều hơn cả băng rộng qua đường DSL, cáp và sợi quang.
Trọng Cầm (Theo VNUnet)