221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
997220
Mỗi blogger cần bảo vệ "uy tín" của chính mình
1
Article
null
Mỗi blogger cần bảo vệ 'uy tín' của chính mình
,

(VietNamNet) - Làm thế nào để phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế được những nội dung xấu phát tán qua blog, để blog mang lại những tác động tốt hơn cho xã hội? Các vị khách mời Bàn tròn trực tuyến trên VietNamNet đã đưa ra những ý kiến thú vị để giải đáp cho câu hỏi này.

>>
Ngăn chặn nội dung xấu trên Blog, khó hay dễ?
>>
"Không nên thấy khó quản lý mà cấm blog phát triển!"
>>
Đã đến lúc cần có Luật Quản lý Blog?
>>
Trước khi là blogger, tôi là công dân Việt Nam

>> Giải pháp nào để ngăn chặn blog đen, blog bẩn?


Trong thời gian vừa qua, những thông tin trên blog tại Việt Nam đã hình thành những tác động nhất định đến lĩnh vực truyền thông, thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận. Nổi lên là các sự kiện như ca sĩ Phương Thanh kiện một blogger là phóng viên vì đã đưa lên blog các thông tin không chính xác về show diễn của cô, hay làn sóng phát tán đoạn video "nóng" của diễn viên Hoàng Thuỳ Linh với tốc độ chóng mặt, cùng các thông tin bên lề bàn tán, đồn thổi xung quanh vụ việc… Tuy là thế giới ảo trên mạng, nhưng khả năng tác động đễn đời sống xã hội thực của các blogger tại Việt Nam đã trở nên rõ ràng.

Nhờ khả năng liên kết rộng khắp và truyền tải thông tin nhanh chóng qua Internet, blog là môi trường lý tưởng để mọi người chia sẻ thông tin cá nhân, quan điểm, cảm nhận của mình về mọi khía cạnh, vấn đề của đời sống xã hội. Những câu chuyện cảm động, những phong trào vận động cộng đồng blogger tham gia các hoạt động tình nguyện, ủng hộ từ thiện... đang thu hút ngày càng nhiều người tham gia, đặc biệt là giới trẻ, nhờ khả năng liên kết mọi người lại với nhau dễ dàng chỉ với một vài lần click chuột.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, các mặt trái của blog tại Việt Nam cũng đã manh nha xuất hiện. Những thông tin sai sự thật xuất phát từ blog, vu khống, xâm phạm đời tư... gây tổn hại tới uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức khác đã xuất hiện. Các blog chuyên phát tán nội dung đồi truỵ, cổ suý cho lối sống gấp, ăn chơi truỵ lạc của một bộ phận thiểu số thanh niên cũng đang len lỏi lây nhiễm vào cộng đồng blogger non trẻ, vốn chưa đủ sức đề kháng để "tự miễn dịch" trước những nội dung xấu bị phát tán qua blog.

Nhưng các cơ quan quản lý về thông tin, nội dung cũng không thể vì một bộ phận nhỏ blog có nội dung xấu mà ngăn chặn, kìm hãm sự phát triển của blog, quản lý chặt mọi nội dung của tất cả các blog. Và trên thực tế, tại các quốc gia có hệ thống Internet phát triển trên thế giới như Mỹ hay Trung Quốc đều đã chứng tỏ không thể bắt buộc các blogger đăng ký và khai báo danh tính khi tạo blog.

Làm thế nào để khai thác và phát huy những mặt tích cực của blog, đồng thời hạn chế, ngăn chặn những tác động tiêu cực, nội dung xấu phát tán qua công cụ chuyển tải thông tin rất nhanh chóng này, để blog mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội?

Các vị khách mời hôm nay gồm có: Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - cũng là một blogger được nhiều người biết đến với cái tên "Nguyên đầu bạc" hay "Ông già sành điệu", và blogger Joe Ruelle người Cannada, nổi tiếng trong giới blogger Việt Nam với cái tên Mr. Dâu Tây nhờ khả năng viết blog bằng Tiếng Việt rất thú vị. Dẫn bàn tròn là nhà báo Bình Minh.  

Nhà báo Bình Minh: Lời đầu tiên, xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham gia cuộc Bàn tròn trực tuyến cùng VietNamNet. Tôi xin có câu hỏi đầu tiên cho TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có thể nói blog đã tạo ra những hiệu ứng rất rõ ràng trong xã hội. Ông đánh giá như thế nào về những tác động mà blog đang tạo ra tại Việt Nam?
 
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của blog càng ngày càng lớn. Ở một góc độ nào đó, blog cung cấp cho mỗi người dân những công cụ để có thể thực hiện vai trò cung cấp thông tin của một nhà báo, một nhà xuất bản. Bất kỳ người nào với blog cũng có thể thực hiện được những chức năng thông tin mà trước đây không thể làm được. Blog giúp mọi người tham gia vào lĩnh vực truyền thông ngày càng nhiều, Các nhà cung cấp dịch vụ giúp người dùng tham gia truyền thông ngày càng nhiều, thậm chí hàng triệu người. Có thể coi đó là một sự bùng nổ.

Nhà báo Bình Minh: Xin hỏi Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ông đánh giá thế nào về ý kiến mỗi blog là một nhà xuất bản?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi rất đồng ý với ý kiến đó, vì theo dõi hoạt động của cộng đồng blog trên mạng và bản thân tôi cũng tham gia. Khi mỗi người khi tham gia trong blog, dù chỉ viết 1 comment thôi nhưng đã tham gia vào hoạt động truyền thông. Và mỗi người viết đó đã thông tin, cho người đọc. Và với lĩnh vực văn học, rõ ràng, blog vừa có tính báo chí, vừa là xuất bản tích hợp vào. Đặc biệt, thông tin này lan truyền trên mạng rất nhanh, xóa mọi biên giới, mọi ngăn cách, có tính phản hồi rất nhanh. Nó thúc đẩy đời sống văn hoá xã hội nói chung và văn học nói riêng phát triển. 

Nhà báo Bình Minh: Với anh Joe, là một trong những người được cộng đồng blogger Việt Nam biết đến nhiều nhất với cái tên "Mr. Dâu Tây". Anh cũng đã tham gia vào cộng đồng blogger tại Việt Nam trong một thời gian khá dài. Vậy anh đánh giá thế nào về sự phát triển của cộng đồng blogger tại Việt Nam?

Blogger Joe Ruelle: Việt Nam, Joe thấy blog phát triển rất nhanh. Điều đó cũng thể hiện một phần nét văn hoá của người Việt Nam. Người Việt Nam rất dễ thích nghi. Blog cũng tương tự như chuyện chơi cổ phiếu vậy. Một năm trước, chưa mấy ai biết cổ phiếu là gì, chơi như thế nào. Nhưng trong vòng một năm sau thì bây giờ nhà nhà đều biết đến cổ phiếu, "lên sàn", chỉ số.... Lẽ tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái, có những biểu hiện tiêu cực đã được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng nhìn chung, tôi cho rằng cộng đồng blogger việt nam đã có sự phát triển khá tích cực.

Nhà báo Bình Minh: Độc giả Thanh Thuý, ĐăkLak có một câu hỏi gửi anh "Dâu Tây": "Là 1 blogger, tôi nhận thấy blogger Việt Nam nếu ko phải là người nổi tiếng hoặc có entry ấn tượng thì sẽ phải dùng ...thông tin giật gân để hút khách. Đây phải chăng chỉ là tình trạng của riêng Việt Nam, hay ở Canada cũng như vậy?" 

Blogger Joe Ruelle:  Tôi nghĩ đó là một phần tâm lý bản chất của con người thôi: luôn thích được chú ý. Vấn đề là bằng cách nào, như thế nào để thu hút sự chú ý. Thật ra ở Canada, blogger cũng thế thôi, cũng muốn blog của mình có đông người truy cập. Nhưng thật ra vì tôi ở Việt nam nhiều nên nắm được tình hình tại Việt Nam thôi, còn trên thế giới thì không rõ lắm. Bạn bè ở canada của tôi thì hay dùng mạng xã hội ảo Facebook.

Nhà báo Bình Minh: Về nhu cầu thu hút độc giả của blogger. Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, hiện tại có một xu hướng trong các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ, là đưa các tác phẩm lên blog, thậm chí có những tuyên ngôn gây sốc, và kể cả chụp ảnh nude của mình để tạo ấn tượng thu hút. Ở góc độ nhà phê bình văn học, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Điều này có mặt tích cực, như: phổ biến tác phẩm của mình và giao lưu với độc giả, dù là ảo nhưng rất thật. Blog của tôi cũng thế, chủ yếu post bài của mình lên, cũng như một số blog của các nhà văn khác như Trang Hạ làm cho báo Tiền Phong, nhà văn Phong Điệp của Văn Nghệ Trẻ và gần đây nhất là blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ông Nguyễn Trọng Tạo còn mở một blog có tên Hội ngộ Văn chương, như một trang báo hay diễn đàn và có mặt tích cực rất lớn. Đó là mọi người có thể tham gia thảo luận, trao đổi, tranh luận…như một sân chơi, diễn đàn, và công bố tác phẩm của mình.

 

Và tất nhiên, vì blog là chốn riêng tư, nên mỗi người có thể tạo nên những hình ảnh của riêng mình: đưa hình ảnh của mình… Trong giới văn chương, nhà văn cũng muốn thử phản ứng của cộng đồng và độc giả. Theo quan sát của tôi, cộng đồng blogger  hẹp văn học Việt Nam là lành mạnh và tích cực, chưa gây phản cảm và gây ra các động thái tiêu cực.

Nhà báo Bình Minh: Trở về vấn đề Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng vừa nêu rằng blog có thể có những tác động giống như một tờ báo. Theo ông, có thể coi blog như một loại hình báo chí hay không?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng:
Thực chất có coi blog hoàn toàn như 1 cơ quan báo chí hay không thì còn phải xem xét. Bởi báo chí còn gắn theo nhiều tiêu chí về tin tức, hệ thống tổ chức toà soạn, ban biên tập, có mục tiêu và định hướng của mình... Tôi nghĩ nếu nói blog
để đạt tiêu chí của báo chí thì không phải. Có thể blog đạt tiêu chí truyền tin, đưa quan điểm cá nhân, nhưng còn khía cạnh quản trị tờ báo, kinh doanh, hệ thống tổ chức… thì không đạt.

Nhà báo Bình Minh: Về độ khách quan của thông tin, theo ông blog có thể đảm bảo?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi vấn đề này sẽ tùy vào từng blogger. Có người đang đi ngoài đường gặp khoảnh khắc thú vị, người ta chụp lại hình và đưa lên blog. Trường hợp này thì chúng ta nên tin rằng nó khách quan, không thể không khách quan và thường thì tính khách quan là nhiều.

Báo chí cũng vậy thôi. Với một sự kiện thì báo chí cũng có thể đưa tin với những góc nhìn khác nhau. Mỗi blogger cũng sẽ nhìn sự việc dưới góc nhìn riêng của mình. Tính khách quan là có. Thậm chí báo chí cũng có những điểm chưa khách quan lắm. Blogger cũng có cái không khách quan. Do đó, chúng ta cũng không nên lấy làm ngạc nhiên khi blogger có điểm gì không khách quan.

Nhà báo Bình Minh: Nhưng khi một “tờ báo” chỉ của riêng 1 người thì tính cá nhân sẽ nhiều hơn không?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nó mang tính cá nhân nhiều. Một sự kiện mà cá nhân đó cho là quan trọng thì sẽ được đưa lên. Điều đó thể hiện rõ nhất tính cá nhân của blogger. Nếu các blogger khác cùng hưởng ứng thì điều đó lại mang hiệu ứng xã hội. Đó cũng là một điểm khởi đầu để một vấn đề từ một cá nhân trở thành sự quan tâm của xã hội. Tùy vào vấn đề đưa lên như thế nào. Có cái đưa lên thì bị chết chìm, mà tôi nghĩ phần chết chìm này là chủ yếu.

Nhà báo Bình Minh: Vậy ông đánh giá thế nào về việc các blogger là nhà báo hoặc phóng viên sử dụng blog như một phương tiện thu hút một lượng độc giả riêng, tạo dư luận riêng của mình bên ngoài tòa soạn?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Vấn đề đó nên là vấn đề của tòa soạn hơn là nằm ngoài tòa soạn, không phải là vấn đề của công chúng hay thậm chí của các nhà chức trách. Nếu anh Joe đến đây thì chắc hẳn anh ấy cũng rất quan tâm với cái việc sẽ xuất hiện trước công chúng như thế nào.

Khi tham gia một chương trình nào đó, với một cơ quan báo đài nào đó hay đơn vị nào đó, rõ ràng cam kết của anh phóng viên với một tờ báo là hợp đồng với những quy định cụ thể. Nếu quy định không chặt thì phóng viên có quyền đưa thông tin ra bên ngoài theo những kênh riêng như blog.

Nếu hợp đồng đã quy định chặt thì anh ta có lẽ không được phép làm như thế. Có những tờ báo thì quy định chặt việc này, nhưng một số tờ báo thì không chặt lắm. Ví dụ như đại học Harvard thì không chấp nhận việc giáo sư của họ giảng dạy ở bên ngoài. Nhưng các trường khác thì chấp nhận chuyện đó. Đó cũng là chính sách của từng tờ báo nữa.

Trong trường hợp đưa thông tin đưa ra bên ngoài thì có thể ảnh hưởng đến tờ báo, nhưng cũng có thể là nước đôi. Người phát tán được chú ý thì tờ báo cũng được chú ý. Hiệu quả đến đâu chúng ta chưa biết được, nhưng khi thông tin của blogger – nhà báo được đọc nhiều, có thể tờ báo ấy cũng được đọc nhiều hơn.

Nhà báo Bình Minh: Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, nếu như có một nhà văn họ không xuất bản được cuốn sách của mình vì một số nội dung nhạy cảm, họ đưa lên blog. Theo ông thì những cơ quan quản lý nên có biện pháp quản lý hay để tự do những nội dung như vậy?Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo tôi thì nên để tự do. Liên quan đến một chủ đề gần đây trong giới văn học có bàn đến là "Văn chương mạng". Mình phải tìm cách thích nghi. Chúng ta cũng đã nói: Blog là một kênh thông tin, người ta có thể “xuất bản” thông tin lên đó.

Có cái hay nữa là nếu sách in ra giấy thì rất khó thay đổi. Nhưng blog thì thay đổi từng ngày, từng giờ được, có thể phản hồi. Từ đó mà nảy sinh ra khái niệm “tác phẩm mở”, loại tác phẩm không định hình, càng trở nên rõ rệt hơn nữa. Đối với văn trên mạng, họ có quyền như vậy.

Tôi muốn nói thêm về vấn đề tính khách quan của blogger mà anh Dũng đã nói. Thực ra là với tính trực tiếp và cá nhân như vậy, đôi khi có những thông tin đăng tải trên blog khách quan hơn báo chí vì báo chí đôi khi cũng phải có "bộ lọc". Tôi đọc được nhiều bài bình luận hay của các nhà báo trên những trang blog. Họ viết rất tốt với tất cả tinh thần công dân, tất cả tinh thần nhà báo. Chính những thông tin như vậy góp phần làm nên giá trị của blog.

Trở lại với văn chương, tôi thấy những nhà văn là những người rất có ý thức về sản phẩm mình đưa ra. Cho nên họ không phải vì bức xúc, bực bội, bất mãn gì cả, mà họ hiểu tác phẩm của họ trong hoàn cảnh này, khung cảnh này chưa thể ra đời được. Khi họ đưa lên blog tức là họ đã đặt một lòng tin vào người đọc và cả các cấp quản lý nữa. Đương nhiên nó sẽ “đụng chạm” đến vấn đề "quản lý thế nào với blog". Trong blog lại có nhiều dạng blog, nhiều ngành nghề khác nhau chứ không đơn thuần là văn học nghệ thuật nói chung. Vì thế không thể cào bằng được.
 

Blogger Joe Ruelle.

Nhà báo Bình Minh: Xin có một câu hỏi với anh Joe. Khi tham gia cộng đồng blogger Việt Nam, có bao giờ anh gặp phải những thông tin xấu, lẽ ra không nên đưa lên blog hay không?
Blogger Joe Ruelle:  Tôi có biết đến một người là nạn nhân của blog "giả". Một kẻ nào đó đã lập ra blog giả, nhân bản y hệt để post những thông tin không hay, đưa lên số điện thoại của chị ấy, bảo chị ấy sẵn sàng đi... "ấy" để nhằm mục đích quấy rối.

Nếu như ở nước ngoài, bạn có thể phản ánh với Yahoo trong trường hợp cảm thấy mình bị quấy rối (qua Yahoo 360!). Bạn có thể viết email cho Trung tâm giải quyết các hành vi quấy rối duy nhất của Yahoo trên toàn thế giới, đặt tại California. Vấn đề là ở đó, không ai biết tiếng Việt cả.

Tôi cho rằng đây là vấn đề mà Yahoo nên chịu trách nhiệm và tìm cách giải quyết chứ không phải nhà quản lý hay ai khác. Đại diện Yahoo cũng cho biết sắp tới, họ sẽ dịch toàn bộ 360! ra tiếng Việt và hợp tác với chính phủ các nước để xoá bỏ tình trạng blog "giả mạo" này.

Nhà báo Bình Minh: Quay trở lại vấn đề những nội dung chắc chắn bị coi là xấu và không nên để phát tán trên mạng. Thưa Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, theo ông thì chúng ta nên có những biện pháp nào để ngăn chặn những nội dung như vậy?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thứ nhất là Luật ở không gian thực thế nào thì luật trong không gian thực tế ảo cũng vậy. Anh phải cố gắng áp đặt thôi. Nếu những ai vi phạm luật Hình sự bị xét xử ngoài đời thực như thế nào, thì với những hành vi vi phạm tương tự trong thế giới ảo đó, cũng đều phải chịu trách nhiệm giống nhau.

Vấn đề chỉ là điều tra và áp đặt, khả năng của đội ngũ thực thi pháp luật trong không gian thực tế ảo đó, theo dõi cái đó như thế nào. Chẳng hạn như dùng blog để vu khống ai đó, thì tội vu khống của luật Hình sự Việt Nam phải được áp đặt. Ở trong thế giới ảo cũng như ở ngoài đời thôi.

Nhiều người sẽ đặt vấn đề là: thông tin xấu, nhiễu loạn đưa lên một cách tự do sẽ phải chống. Tôi cho rằng như vậy cũng hơi cực đoan. Ví dụ chuyện ăn cắp, cả ngàn năm nay xã hội cùng chống. Đến bây giờ thì có vụ chúng ta bắt được, cũng có vụ chúng ta không. Tham nhũng cũng thế.

Thế giới ảo cũng như vậy mà thôi. Không nên vì những chuyện tiêu cực thế nọ, thế kia mà phải quản lý chặt, phải đóng cửa. Chúng ta cũng phải thấy đó là chuyện rất bình thường. Nếu cảnh sát trong không gian thực tế ảo của chúng ta mạnh thì việc điều tra sẽ dễ dàng. Bản thân các cuộc điều tra trong thế giới thật còn bị bỏ sót, thì phải chấp nhận việc tương tự trong thế giới ảo thôi.

Ở đây cần có tính cảnh báo, tính răn đe. Cuối cùng lại là vấn đề: Ai bảo vệ tài sản của bạn? Bạn bảo vệ tài sản của bạn là chính chứ. Các blogger phải tự bảo vệ mình là chính. Các công cụ để blogger bảo vệ mình chỉ là thêm vào thôi. Giống như việc bảo vệ tài sản trong thế giới thật: chống trộm cắp thì vẫn phải chống, nhưng người bảo vệ chính vẫn là chủ tài sản. Những người tham gia blog cũng như vậy. Họ phải bảo vệ mình và dựa vào những công cụ pháp luật sẵn có để bảo vệ mình. Nên quan điểm như vậy thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn.

Nhà báo Bình Minh: Theo ông Phạm Xuân Nguyên có nói khi nãy rằng: Báo chí thì cũng có “bộ lọc”. Vậy xin hỏi TS Nguyễn Sĩ Dũng, liệu chúng ta có nên có một “bộ lọc” tương tự do chính những blogger tự tạo ra cho cộng đồng của mình không?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nếu nói về một bộ lọc của blogger thì trước hết đó chính là văn hóa của blogger. Đó chính là bộ lọc quan trọng nhất. Những giá trị mà những blogger chia sẻ với nhau, nếu anh vi phạm những giá trị đó thì bị các blogger khác tẩy chay. Rồi còn những khả năng có thể hợp tác với nhau khác nữa thì tôi cũng chưa nghĩ ra. Có thể là chính các blogger sẽ nghĩ ra chăng. 

Tôi nhớ rằng ngày trước có một điều luật bắt buộc rằng: Những người bị nhiễm HIV mỗi lần quan hệ phải dùng bao cao su. Điều luật đó sau rồi phải bỏ vì không thể đặt được mỗi ông cảnh sát bên cạnh từng đôi một. Tức là thực thi nó không được. Đối với blogger chúng ta cũng nên hiểu như vậy. Đừng nên đặt ra vấn đề quá lớn là kiểm tra hàng triệu blogger. Anh làm điều đó không thực tế và không thể áp đặt thực thi điều luật đó được. Nếu nghĩ đến việc cần làm thì điều đó phải mang tính thực tế, nếu ngoài khả năng về tài chính, nhân lực, kỹ thuật của Nhà nước thì Nhà nước cũng chịu.

 
Nhà báo Bình Minh: Xin có một câu hỏi với ông Phạm Xuân Nguyên: Trong cộng đồng văn chương như ông nói, các blogger thường có quan điểm tích cực và tư cách cũng rất tốt. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một cộng đồng nhỏ gồm các nhà văn viết blog. Nếu nhìn toàn bộ cộng đồng blogger rộng lớn, đa dạng như một tấm gương phản chiếu xã hội thực tế hiện nay, cũng có người tốt, người xấu, ông có cho rằng các blogger nên công khai hay hình thức nào đó để khẳng định danh tính của mình trên blog?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo tôi thì cái đó tùy tính cách nghĩ của từng người. Đó là quyền tự do lựa chọn của họ. Phần lớn các nhà văn đều để tên thật vì cái tên đó khẳng định giá trị của họ nữa. Đó cũng là yếu tố thu hút người đọc của những người đã có tên tuổi. Còn việc bắt buộc thì có lẽ là bất khả thi.

Ngay cả khi viết báo chúng tôi cũng đã từng tranh cãi nhau: khi viết báo thì có thể sử dụng nhiều bút danh khác nhau, nhưng khi tranh luận về vấn đề học thuật thì cần để tên thật. Nhưng cũng có người cho rằng vấn đề là những quan điểm thế nào, chứ cái tên không quan trọng. Trước đây báo Thể thao Văn hóa cũng có mục như A+ và BA+,  có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đứng sau, nhưng không ai nói rõ tên ra cả.

Blog là thế giới, không gian ảo. Nên theo tôi nghĩ là không. Trong giới nhà văn thì có thể họ đứng tên thật. Giới nghệ thuật cũng thế. Còn toàn thể cộng đồng rộng lớn thì không thể yêu cầu họ cùng làm như thế được. Chúng ta cũng không thể nghĩ ra một chế tài cho vấn đề này.

Khi tôi đưa các bài viết lên blog của mình, tôi nhận được những ý kiến đọc rất hay, và cả ý kiến phản đối. Tôi vẫn đọc dù không biết là ai viết. Tôi nghĩ blog là đề cao văn hóa cá nhân. Trong blog của mình, tôi có nói rằng: “Hãy để tôi đọc blog của anh, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”. Nhưng sau khi đọc hơn 200 comment trong một entry blog của mình, tôi đã sửa lại thành: “Hãy cho tôi đọc blog và comment của anh, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”.

Nhà báo Bình Minh: Khi anh Joe đọc được một thông tin nóng hổi, gây sốc trên blog của ai đó, anh có bao giờ quan tâm xem ai là người đã phát tán nội dung đó hay không?

Blogger Joe Ruelle: Cũng tùy thôi, tùy nội dung thôi. Trong thế giới ảo thì cái gì cũng phải tùy. Giống như bác Nguyên đã nói, quan điểm của một số người thì nội dung là chính, còn tên thì không quan trọng. Ví dụ như đạo diễn Lê Hoàng dùng tên của vợ để viết rất nhiều bài. Đó cũng là một trong những trường hợp khá phổ biến.

Tôi cũng có quan điểm rằng, nếu đó là một thông tin có nội dung xấu thì tôi cũng không biết phải làm thế nào để quản lý được. Ví dụ như là 1 clip phim chỉ cần xuất hiện 10 giây thì đã bị copy 10 lần, 1 phút trôi qua, nó đã được sao chép 1000 lần. Cũng giống như cháy rừng vậy, chỉ cần đốt một cái cây, thậm chí một lá cây, là chết hết cả rừng rồi, đã start không có cách nào để stop cả. Một phút cũng đã là quá muộn vì nó đã bùng phát rồi. Là một nhà quản lý, bạn cũng khó mà xoá hết, dập kịp được.

Nhà báo Bình Minh: Trên thực tế, Trung Quốc cũng chỉ có thể khuyến khích các blogger công khai danh tính nhằm tăng cường tính xác thực của thông tin. Vậy ông Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá như thế nào về vai trò của nội dung blog và tính xác thực của nó trong việc thu hút độc giả?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho là chúng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu anh công khai tên tuổi, danh tính, thì anh sẽ có được lòng tin của người đọc. Điều đó rất quan trọng. Họ sẽ tin hơn vào những thông tin anh đưa lên blog khi cho rằng người đưa ra thông tin sẽ có trách nhiệm về độ chính xác. Khi đó, anh có cái để mất nếu đưa thông tin sai.

Còn khi anh che giấu danh tính, thì người ta cũng đọc, cũng bán tín bán nghi, nhưng độ tin cậy sẽ không thể bằng khi anh công khai danh tính. Cái gì cũng có hai mặt. Khi công khai danh tính, anh sẽ phải thận trọng hơn vì phải chịu trách nhiệm với những nội dung đưa lên blog của mình. Vì thế, sự hài hước, dí dỏm một chút đôi khi lại phải cân nhắc nên sẽ không viết ra hay được. Khi bỏ danh tính, có khi viết sẽ thoáng hơn, hay hơn.

Tôi nghĩ là nếu anh muốn có được lòng tin của các blogger khác, để họ thường xuyên vào xem blog của anh, thì việc công khai danh tính sẽ tốt hơn. Tất nhiên một blog nếu chỉ tồn tại bằng "nick name" có thể cũng có được lòng tin của cộng đồng, nhưng đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng "thương hiệu" và thường là phải rất nổi tiếng hoặc có nội dung hấp dẫn.

Chẳng hạn với một nhà văn hoặc nhà bình luận nào đấy có tên tuổi rồi, chẳng hạn như anh Phạm Xuân Nguyên đây, thì bản thân tên của anh cũng đã là một thương hiệu thu hút người đọc vào xem rồi. Nên tôi nghĩ rằng việc công khai danh tính sẽ kèm theo trách nhiệm, nhưng sẽ có thuận lợi về mặt giúp tạo dựng lòng tin với người đọc.

Nhà báo Bình Minh: Xin hỏi ông Phạm Xuân Nguyên, khi tính xác thực của thông tin có vai trò quan trọng như vậy, liệu cộng đồng blogger có thể tự nâng cao dần khả năng đánh giá, phán đoán về độ tin cậy của các thông tin trên blog hay không?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo như tôi đọc trong giới blogger về văn học thì các thông tin được đưa lên, chẳng hạn về một giải thưởng, một cuốn sách, tác giả nào đó... thì đều có tính xác thực, không có chuyện vu khống, nói quá, nói không thành có. Tuy nhiên, với các cộng đồng blogger theo nhóm khác thì họ phải tự xây dựng dần "thương hiệu" của mình.

Báo chí cũng như vậy. Một nhà báo cũng có thể lấy nhiều bút danh, nhất là các bài phóng sự điều tra thường phải lấy bút danh để đảm bảo sự an toàn bí mật, thường chỉ đề là nhóm phóng viên điều tra hoạc một cái tên khác. Cùng một sự kiện tất cả các mặt báo đều đưa, nhưng sao người ta đọc , trong cộng đồng ảo cũng thế thôi, anh phải tạo ra được thương hiệu, giá trị của mình.

Blog của anh Joe được nhiều người biết đến không chỉ bởi vì đó là một blogger người nước ngoài viết blog bằng Tiếng Việt, mà còn cả về cách viết thú vị, hài hước, góc nhìn độc đáo của một người nước ngoài đối với Việt Nam. Nhiều người cũng chỉ biết đến anh "Dâu Tây", chứ cũng không biết tên thật của anh là Joe Ruelle.

Nhà báo Bình Minh: Vậy anh Joe có thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao "thương hiệu" cho blog của mình hay không?

 
Blogger
Joe Ruelle: Tất nhiên là có. Nhưng tôi xin nói thêm một chút về chuyện công khai danh tính của blogger. Ở bên Mỹ có 1 blogger rất nổi tiếng - ông này lập 1 blog mạo danh Steve Jobs - Giám đốc điều hành của Apple. Blog này được viết rất dí dỏm, hài hước theo phong cách châm biếm rõ nét, và ai đọc cũng hiểu là ông ta chỉ là giả danh thôi, để viết cho vui thôi. Cá nhân tôi cho rằng trong trường hợp này, nếu ông ta công khai danh tính thật của mình thì chưa chắc đã hay, chưa chắc đã tạo được hiệu ứng châm biếm, hài hước như vậy.

Tính châm biếm trên blog cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như một người viết một bài châm biếm về một vấn đề nào đó, mà người quản lý không biết đó là châm biếm, mà cứ tưởng đó là nói thật hoặc là bôi nhọ hoặc cố làm cho cộng đồng tò mò xôn xao, và có thể sẽ đóng cửa cái blog đó.

Bản thân tôi cũng rất "kết" phong cách châm biếm này. Mới đây, tôi có viết một bài về chuyện Phương Thanh và Cô gái Đồ long trên blog của mình. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra, nếu như nhà quản lý không hiểu đây chỉ là bài viết chấm biếm? Nếu họ nghĩ đấy là nói xấu, là chửi bới người khác thì... chết đến nơi rồi!

Nên tôi nghĩ phải xem xét trên cơ sở từng trường hợp một. Đó là một câu trả lời rất chán nhưng không còn trường hợp nào khác.

Nếu anh hỏi Joe về cảm nghĩ khi xem những vụ không hay trên mạng blog thì tôi nghĩ rằng tôi phải biết một ví dụ cụ thể. Nhưng với những việc chung chung trên blog thì rất khó nói. Tôi nghĩ là phải có ví dụ cụ thể và phải xem xét trên cơ sở từng trường hợp một.

Nhà báo Bình Minh: Chẳng hạn có một blogger có những lời lẽ không tốt về anh Joe, thông qua bạn bè anh biết được cái blog đó, lúc này anh sẽ làm gì?

Blogger Joe Ruelle: Cách đây không lâu, cũng có một người đã "nhân bản" giống y xì blog của Joe để giả mạo, tức là copy tất cả những bài của Joe, background, avatar, và mọi thứ khác... mà nhìn vào thì y hệt giống blog của Joe. Và người đó đã dùng blog giả để chửi tất cả những người bạn của Joe, chửi cả những người mà Joe không quen. Và những người không tỉnh táo, không để ý đến các chi tiết như page view, thời gian post bài... thì họ cứ tưởng là họ đã bị chính Joe chửi. Họ đã gọi điện và gửi email rất nhiều "tại sao Joe lại làm như thế...". Tôi rất là sợ và tôi cho đó là một hành động quấy rối.

Bạn bè tức quá gọi đến chất vấn tới tấp mà Joe chẳng hiểu gì cả. Rất may là sau đó, Joe đã được một người bạn làm việc ở Yahoo hướng dẫn cách liên hệ xin trợ giúp. Trung tâm của Yahoo đã tiếp nhận vụ việc (tất nhiên là bằng tiếng Anh - may quá đây là tiếng mẹ đẻ của Joe) và hình như gửi mail cảnh cáo người giả mạo. Cuối cùng thì blog giả kia đã được xoá đi. May mà tôi có quan hệ ở bên đó!

Như tôi đã nói, tôi rất tin vào khả năng của những công ty như Yahoo về phát triển dịch vụ để cộng đồng blogger Việt Nam không phải đối mặt với những mặt trái (như xúc phạm qua blog) nữa. Nếu Yahoo làm tốt, phục vụ khách hàng Viêt Nam của mình tốt, thì 90% của những trường hợp tiêu cực mà vừa rồi đã lên báo sẽ không lên báo nữa, và mọi chuyện sẽ được giải quyết trước khi trở thành scandal.

Tất cả những user của Yahoo phải đồng ý cái gọi là "Terms of Service" (điều khoản sử dụng dịch vụ), trong đó có điều khoản là không được quấy rối người khác. Như vậy thì Yahoo hoàn toàn có quyền điều tra và giải quyết những vụ quấy rối vừa nói.

Nhà báo Bình Minh: Quay trở lại mối liên hệ giữa blog và báo chí, Tiến sĩ Nguuyễn Sĩ Dũng có thể đánh giá gì về sự tương tác của hai loại hình thông tin này?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có lẽ là cũng có sự tương tác rất lớn, chẳng hạn vụ cảnh sát giao thông "đóng phim hành động" trên phố khi chặn xe taxi vi phạm giao thông, hình ảnh và thông tin đã được đưa lên blog trứớc, rồi mới lên truyền hình báo chí sau. Các blogger có thể "chộp" được ảnh đưa lên trước, từ đó báo chí có thể theo, mà thực chất báo chí không thể chụp lại những bức ảnh đó được, và phải lấy lại từ blog.

Tính tương tác có thể thấy là blogger có thể có hàng ngàn hàng triệu người, theo dõi và tham gia vào tất cả các lĩnh vực, mọi sự kiện của cuộc sống, những người đó phản ứng nhanh hơn, có khi báo chí không thấy. Những cái đó ban đầu có thể dẫn dắt cho một phóng sự điều  tra, giúp cho báo có gợi mở ban đầu hay có thể có tư liệu cho báo, đó là điều rất tốt.

Ngoài ra blogger cũng phải học ở báo chí ở cách viết thế nào cho hấp dẫn, văn phong báo chí, cách thức thể hiện của báo chí, các ý tưởng, chẳng hạn như cách nói hóm của anh Joe... để cuốn hút người đọc, nếu không chỉ vài dòng là người ta đã chán. Ngắn gọn súc tích để hàm lượng thông tin được nén nhiều. Đó là những điều blogger có thể học được ở báo chí.

Tôi nghĩ đây là quá trình tương tác hai chiều, và nếu có một quá trình cộng sinh nào đó thì sẽ là sự cộng sinh có lợi cho cả hai cá thể blog và báo chí.

Nhà báo Bình Minh: Theo ông Sĩ Dũng, cộng đồng blogger có thể tự làm tốt mình lên, tạo ra nhiều tác động tích cực hơn và tránh được những tác động xấu hay không? Hay họ cần những tác động từ phía cơ quan quản lý, từ các phương tiện truyền thông để có thể vững chắc hơn về bản lĩnh khi tiếp nhận các thông tin từ blog?

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ là mỗi thứ một chút. Không thể thiếu vai trò quản lý, ít nhất là vai trò của các hãng như Yahoo như anh Joe vừa nói là rất quan trọng. Để những thông tin không xác thực, lừa đảo bôi nhọ... sẽ được xử lý từ máy chủ ở nước ngoài, và đã có phương thức để giải quyết được thì cũng rất quan trọng. Không thể để mặc những chuyện sai rõ ràng đó, để có thể kéo theo những hệ lụy khác.

 

Quản lý tiếp theo là áp đặt các chuẩn mực để bảo đảm quyền lợi của mọi blogger. Rõ ràng là những quyền con người cơ bản như quyền bí mật đời tư... những gì mà tôi không đưa lên và giữ kín cho tôi, thì những cái đó phải được bảo vệ.

Những nền tảng pháp luật để bảo vệ quyền tự do riêng tư và quyền con người là phải có. Nền tảng đó có bên ngoài thì cũng có trong thực tế ảo. Tôi thường dùng cụm từ thực tế ảo hơn là chỉ gọi thế giới ảo, vì nó có yếu tố thực tế trong đó. Chỉ là nó không có đầy đủ những không gian thực tế thật thôi.

Nhưng tôi cũng trở lại ý kiến trước, các blogger tự xây dựng cộng đồng, cơ sở văn hóa và lòng tin của mọi người đối với mình. Đó là những nền tảng quan trọng nhất, và những cái đó thì không ai tốt hơn là các blogger cùng làm với nhau. Nếu họ liên kết lại, áp đặt các mức tiêu chuẩn hành xử ở trong không gian ảo và trong các hoạt động trên blog thì tôi nghĩ đó là điều hết sức quan trọng. Mà thực chất cũng đã có chứ không phải không.

Những cách như anh Nguyên vừa nói là mọi người trao đổi với nhau, nếu ở không gian thực tế bên ngoài có những người tử tế trung thực, đứng đắn thì đưa lên không gian ảo cũng thế thôi. Những người đó sẽ được trân trọng và những cái đó sẽ được lâu dài. Chuẩn mực đó cũng là quan trọng và tôi nghĩ các blogger nêt sát cánh cùng nhau xây dựng. Cũng như báo chí, nhà báo có các chuẩn mực của hội nhà báo đặt ra để áp đặt cho nhau chứ không phải bao giờ cũng chỉ có cơ quan quản lý báo chí không. Mặc dù cơ quan quản lý báo chí cũng là cần thiết.

 

 
Nhà báo Bình Minh: Có lẽ là thời lượng của buổi Bàn tròn trực tuyến hôm nay cũng đã khá dài. Tôi xin có một câu hỏi cuối, cũng là câu hỏi của nhiều bạn đọc gửi cho cả ba vị khách mời. Đó là nếu có một thông điệp gửi tới cộng đồng blogger Việt Nam, các vị khách mời sẽ nhắn nhủ điều gì?

Blogger Joe Ruelle: An ủi. Như là tôi đã nói, tôi rất tin tưởng vào khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ như là Yahoo để phát triển dịch vụ của mình, cộng đồng Việt Nam sẽ không cần đối phó với những chuyện như vừa rồi. Tôi có một người bạn làm ở bên kia đã nói với tôi điều ấy.

Ngoài ra thì tôi nghĩ không cần an ủi nhiều, cứ tiếp tục như thế. Tại vì blog đã thổi một luồng gió mới vào hình ảnh truyền thông của Việt Nam, rất nhiều người viết những điều rất thú vị, rất là hay. Và Joe thì coi đó như một cách học tiếng Việt và Joe vào đó viết blog như các bạn Việt Nam. Tại vì trên báo mình không có quyền viết quá tự nhiên, cũng phải hạn chế để giữ nghiêm túc, còn blog thì cứ viết theo những gì mình nghĩ. Và với những người như Joe đang học tiếng Việt thì đó là điều rất hay. Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả các bạn blogger đã viết rất tự nhiên mà không hạn chế mình để giúp những người như Joe hiểu Việt Nam hơn, hiểu về cái gọi là Việt Nam thật, và tôi nghĩ rằng Blog Việt Nam vẫn chủ yếu là tích cực.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, các blogger nên hiểu rằng, blog là một không gian ảo mình được cho không, nhưng như vậy là có người cho và khi anh không biết sử dụng một cách hữu ích không gian ấy thì sẽ bị lấy mất. Yahoo 360 cũng thế mà Vnblog cũng thế, vì nói như anh Joe, nó sẽ có những người quản trị, quản lý. Thực ra nếu phải trả tiền, lượng blogger sẽ rất thấp, không thể như bây giờ. Đừng vì được cho không mà quên mất những chuyện đó.

Hai là đừng đánh mất cơ hội mà thời đại đã cho ta, nhân loại tiến bộ ngày nay đã cho ta phương tiện, công cụ truyền tải thông tin hữu hiệu ấy. Nó là ảo, nhưng những người làm ra nó không phải là ảo. Chúng ta sống đời sống thực tế và đó là thực tại ảo để chúng ta bày tỏ sự thật của mình. Cho nên hãy tiếp tục viết blog và để blog phát triển như những người đã tạo ra nó cho chúng ta.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng:

Tôi có một thông điệp thế này: Với công cụ blog, bạn được hưởng một quyền tự do rộng hơn rất nhiều: Quyền tự do trong hoạt động báo chí, quyền tự do trong xuất bản, trong việc nói lên tiếng nói cá nhân của bạn với cả thế giới này. Những quyền đó mở ra rộng lớn vô cùng vô tận. Quyền lớn bao nhiêu, tự do lớn bao nhiêu thì trách nhiệm đi kèm cũng lớn bấy nhiêu.

Không có một tự do nào không đi kèm trách nhiệm cả. nếu anh nhận thức được việc tận dụng sự tự do, có nghĩa là anh nhận thức được trách nhiệm đối với cộng đồng blog, đối với xã hội, thì những cái anh đưa lên đó, anh hãy sáng tạo ra những giá trị, chứ không phải tạo ra tổn thất cho xã hội. Rất cần tự do luôn luôn đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ.

Nhà báo Bình Minh: Kính thưa quý độc giả VietNamNet. Do thời lượng có hạn, Buổi bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Để blog có ích hơn với mọi người" xin được kết thúc tại đây. Xin trân trọng cảm ơn tất cả những ý kiến đóng góp, câu hỏi quý độc giả đã gửi về cho chúng tôi trong những ngày vừa qua. Một lần nữa, xin được cảm ơn ba vị khách mời đã tham gia buổi Bàn tròn trực tuyến hôm nay.

  • Ban CNTT-VT VietNamNet(Ảnh: Phạm Hải)

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,