Một trong những khó khăn trong việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước là tâm lý "chùng" xuống của những người làm CNTT sau thất bại của Đề án 112.
Ngày 25/10/2007, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã chủ trì cuộc họp bàn về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2007 - 2010, hay còn gọi là Đề án Chính phủ điện tử (do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng trên cơ sở có kế thừa kết quả và rút kinh nghiệm từ Đề án 112). Hiện Chương trình đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã nêu lên những khó khăn lớn thực tế Chương trình gặp phải như tâm lý “chùng xuống” của những người làm CNTT sau thất bại của Đề án 112, chưa rõ nguồn vốn đầu tư...
Ngoài ra, trong số những khó khăn như Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Vũ Đức Đam nói, có vấn đề mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước triển khai chậm và không đồng bộ gây ra lãng phí, đồng thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng CNTT đang đòi hỏi phải nhanh chóng bổ sung, như sớm ban hành quy chế đầu tư cho ứng dụng CNTT, định mức kinh tế - kỹ thuật cho xây dựng phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu...
Để vượt qua những khó khăn trên, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đề nghị nêu cao tinh thần quyết tâm và khẩn trương làm với 7 giải pháp cơ bản gồm: Hoàn chỉnh cơ chế chính sách về ứng dụng CNTT; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nguyên tắc thực dụng như đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc”, có khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo quyết liệt để phát triển công nghiệp CNTT; quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; xây dựng mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng giai đoạn, tới năm 2020, trong đó phải xác định rõ mô hình, những chủ trương xã hội hóa, phải lấy hoạt động ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông làm hình mẫu về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước; chuẩn bị cán bộ để tổ chức bộ máy chỉ đạo, điều hành, thực hiện và tổ chức hành động; xây dựng các chương trình hành động cụ thể và thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm.
(Theo BĐVN)