(VietNamNet) - Tại Hội nghị chuyên đề Chính phủ điện tử diễn ra vào 12/2006 tại Hà Nội, tác giả cuốn sách nổi tiếng E-Government in Asia, ông James SL Yong, đã chia sẻ về những kinh nghiệm rất quý giá về triển khai Chính phủ điện tử, trong bối cảnh Đề án 112 của Chính phủ Việt Nam sau khi triển khai giai đoạn I đã không thành công và gây nên những lãng phí lớn.
>> Kiểm toán 112: Chưa thể định rõ thất thoát?
>> Vụ 112: Tiếp tục bắt tạm giam 4 đối tượng liên quan
>> Bắt nguyên Trưởng ban Đề án 112 Vũ Đình Thuần
PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông James SL Yong tại hội nghị nói trên về quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam, ghi nhận đánh giá của ông về Đề án 112 và những bài học cần rút ra sau khi giai đoạn I triển khai thất bại. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Nghe âm thanh cuộc phỏng vấn (bằng tiếng Anh) tại đây
PV VietNamNet: Việt Nam đã nói nhiều tới Chính phủ điện tử từ 5 năm qua, thậm chí sớm hơn, nhưng hiện vẫn mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Vậy theo đánh giá của ông, ở các nước châu Á phát triển, từ khi đề cập về Chính phủ điện tử cho tới khi quốc gia đó có một hệ thống Chính phủ điện tử thực sự thường mất khoảng thời gian bao lâu?
Ông James SL Yong: Cho phép tôi bắt đầu bằng thuật ngữ Chính phủ điện tử (e-Government). Thực ra đây là một thuật ngữ tương đối mới, chỉ được đề cập phổ biến từ năm 2000. Trước đó, từ rất lâu, mọi người đã gọi khái niệm này là ứng dụng CNTT trong Chính phủ (ICT in Government).
Lấy ví dụ về một nền Chính phủ điện tử hiện đã triển khai khá thành công tại Singapore của chúng tôi, Chính phủ đã bắt đầu sử dụng CNTT từ rất nhiều năm trước. Từ cuối thập kỷ 70 cho tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước, họ đã sử dụng các hệ thống main-frame, mini computer trong công tác quản lý. Nhưng chúng ta không thể gọi đó là Chính phủ điện tử, bởi lúc đó chưa có Internet.
Nhưng với sự phát triển dần theo thời gian, các công việc quản lý hành chính sử dụng tới máy tính ngày càng nhiều hơn, các mini computer được sử dụng trong các bộ ngành nhiều hơn. Sau đó là sự xuất hiện của máy tính cá nhân PC trong bộ máy công quyền, rồi mạng cục bộ LAN được đưa vào sử dụng… theo quá trình phát triển dần dần.
Rồi đến khi Internet xuất hiện, họ bắt đầu thử nghiệm các phương thức sử dụng web để cung cấp các dịch vụ hành chính công tới người dân qua mạng.
Đôi nét về tác giả cuốn sách E-Government in Asia | ||
Ông James có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho các tổ chức như Wang (UK), Hewlett-Packard, Shell, CapGemini và Singapore Telecom... |
Như vậy, có thể nói Chính phủ điện tử là một hành trình dài qua nhiều năm, và tôi nghĩ là cũng đã có những sai lầm xảy ra trong quá trình từ nhiều năm trước. Không phải mọi thứ đều hoạt động tốt, có một số dự án thành công, và cũng có những dự án thất bại.
Với những dự án thành công, bạn có thể vỗ tay ăn mừng. Còn với dự án thất bại, bạn phải cố gắng tìm ra nguyên nhân vì sao nó thất bại và khắc phục nó trong những giai đoạn kế tiếp.
Khi bạn nhìn vào Singapore ngày nay, có vẻ như quốc gia này đã triển khai Chính phủ điện tử thành công một cách nhanh chóng, nhưng thực tế đó là quá trình kéo dài tới hơn 20 năm. Vào đầu những năm 80, khi Chính phủ Singapore bắt đầu hình thành tổ chức quản lý ứng dụng CNTT có tên là Uỷ ban máy tính quốc gia NCB (National Computer Board), đây là cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ đẩy mạnh mọi hoạt động ứng dụng CNTT trong Chính phủ.
Nhân viên của NCB phải đi tới từng bộ ngành và thăm dò nhu cầu xem các đơn vị này cần gì, họ cần sử dụng máy tính cho những công việc nào. Sau đó các nhân viên NCB quay trở về tập hợp yêu cầu, từ đó xây dựng các chương trình, các phần mềm để đáp ứng các nhu cầu này. Có có thể sẽ là các phần mềm thanh toán thuế, phần mềm quản trị nhân sự, phần mềm kế toán, phần mềm thống kê .v.v.
Ngày nay, có thể đó là những giải pháp phức tạp hơn nhiều với những dịch vụ hành chính điện tử (e-services) cung cấp trực tiếp đến người dân qua Internet, nhưng về khái niệm thì vẫn hoàn toàn giống với những phần mềm làm theo nhu cầu của các bộ ngành đề cập ở trên.
Khi nói đến Việt Nam, với Đề án 112 của các bạn và đánh giá về nguyên nhân thất bại của nó, giống như mọi người đã thấy về Chính phủ điện tử ở nhiều quốc gia khác, tôi nghĩ đó không phải là một điều bất thường khi đề án đầu tiên của các bạn thất bại. Rất nhiều quốc gia triển khai Chính phủ điện tử và không thành công ngay lần đầu tiên, nhưng họ không dừng lại mà tiếp tục phát triển theo một hướng đi khác.
Do đó, tôi nghĩ điều quan trọng là việc Chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng họ có tiềm năng sử dụng web để cung cấp các dịch hành chính công tới người dân, giúp nâng cao khả năng và hiệu quả quản lý của Chính phủ, và thử nghiệm những mô hình mới về sự tương tác giữa Chính phủ với công dân hoặc giữa Chính phủ với doanh nghiệp. Nhận thức được tiềm năng đó cũng đã là một điều rất tốt.
Kể cả khi một dự án về Chính phủ điện tử như Đề án 112 của các bạn được lập kế hoạch một cách chi tiết và được tính toán một cách thành công, tôi nghĩ rằng không phải tất cả mọi thứ đều sẽ thành công khi triển khai.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ lập tức ngừng toàn bộ dự án lại, mà đó là lúc Chính phủ cần thực hiện một số bước để nhận định lại xem những phần nào không hoạt động tốt khi dự án được triển khai, tìm hiểu lý do vì sao nó không hiệu quả và cách làm thế nào để sửa đổi, cải tiến nó hoạt động tốt trong giai đoạn triển khai tiếp theo.
Với tư cách là người quan sát từ bên ngoài, tôi nhận thấy hệ thống hành chính Việt Nam mới đang thử áp dụng Chính phủ điện tử. Theo quan sát của tôi, hiện ở Việt Nam chưa xác định thực sự rõ ràng cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm chủ đạo việc triển khai Chính phủ điện tử. Tôi thấy ở Việt Nam có cả Văn phòng Chính phủ, Bộ Bưu chính Viễn thông (*), một số cơ quan khác nữa… cùng đều tham gia triển khai Chính phủ điện tử.
Đôi khi, việc có quá nhiều đơn vị tham gia triển khai Chính phủ điện tử sẽ làm mọi thứ trở nên phức tạp và rối tung lên hơn, và đó có thể là một trong những lý do vì sao việc triển khai không thể nhanh chóng. Nếu nhìn vào các nước khác như Singapore, Hong Kong,… thậm chí Hàn Quốc, luôn có thể thấy rất rõ một cơ quan duy nhất, hoặc hai cơ quan kết hợp lại thành một hệ thống hợp nhất để triển khai mọi hoạt động liên quan tới Chính phủ điện tử, và chịu trách nhiệm về sự thành công hoặc thất bại của quá trình triển khai đó.
Ở các quốc gia khác, các bạn có thể nhìn ra ngay sự hoạt động không tốt của Chính phủ điện tử, nếu ở nước đó có quá nhiều đơn vị đều cố gắng cùng tham gia làm Chính phủ điện tử. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều lý do có thể khiến Chính phủ điện tử không hoạt động hiệu quả.
"Phải đào tạo con người trước để tránh lãng phí!"
PV VietNamNet: - Sự lãng phí khi triển khai Chính phủ điện tử rất dễ xảy ra, vì một chiếc máy tính có thể bị giảm giá rất nhanh sau khi mua 1 năm, mặc dù chưa hề được sử dụng vào dự án. Nếu triển khai Chính phủ điện tử tràn lan không đúng cách có thể dẫn tới sự lãng phí khổng lồ. Vậy các quốc gia châu Á khác có những kinh nghiệm gì để giải quyết vấn đề này?
Ông James SL Yong: - Tôi nghĩ anh đã đề cập tới vấn đề lớn rất đáng lo ngại khi triển khai Chính phủ điện tử. Và kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này chính là 2 chữ: Giáo dục và Đào tạo.
Có 2 vấn đề trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Chính phủ cần phải tập hợp đủ những con người có đủ khả năng xây dựng hệ thống và duy trì hệ thống đó hoạt động ổn định.
Rất nhiều chính phủ mà tôi đã có dịp quan sát có những kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng Chính phủ điện tử. Nhưng về nội tại, trên thực tế họ không có đủ con người để xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống đó hoạt động ổn định. Đó là vấn đề thứ nhất.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam Đỗ Trung Tá đánh giá về cuốn sách E-Government in Asia: |
Vấn đề thứ hai là khả năng sử dụng của người dân. Đôi khi, một vài chính phủ đi quá nhanh và muốn nhanh chóng hình thành nên hệ thống Chính phủ điện tử. Nhưng khi họ hoàn thành việc xây dựng hệ thống thì không có mấy người dân biết sử dụng. Họ chưa được chuẩn bị đủ về năng lực. Không có nhiều người dân có thói quen sử dụng web, sử dụng PC.
Do đó, Chính phủ phải chuẩn bị năng lực trên cả hai phương diện, bản thân nội tại chính phủ và cho công chúng. Đây không phải là vấn đề tính bằng tháng, thậm chí không phải chỉ là vấn đề một vài năm, mà đôi khi, nó kéo dài nhiều năm. Một trong những điều cần làm cho một kế hoạch chuyên nghiệp về chính phủ điện tử là phải giáo dục và đào tạo, và việc này phải tiến hành ngay từ giai đoạn đầu, trước khi hệ thống được xây dựng và đi vào hoạt động.
Phải bắt đầu bằng việc chuẩn bị về con người, tiến hành các khóa học, các chương trình đào tạo tại các trung tâm máy tính giúp người dân có cơ hội thực nghiệm dùng Internet. Khi người dân đã cảm thấy thoải mái, thuận tiện để tiếp cận và sử dụng Internet, chúng ta có thể phát triển hệ thống, và để họ sử dụng hệ thống ấy. Đó là những kinh nghiệm giúp cho các vấn đề trục trặc sẽ không phát sinh.
Thậm chí, vấn đề này cũng đã xuất hiện tại những nước như Singapore. Ban đầu, khi áp dụng Chính phủ điện tử, người dân không quen với việc sử dụng Internet, chưa quen với công nghệ, với các dịch vụ tiện ích và do đó, họ được đào tạo để thích ứng.
PV VietNamNet: Vậy các quốc gia khác đã phải mất bao lâu để giải quyết được vấn đề này?
Ông James SL Yong: Thực sự rất khó để có thể đưa ra một lượng thời gian cụ thể cho việc này. Vấn đề xảy ra từ từ, từng bước. Chúng ta hãy bắt đầu với những giải pháp tức thời tại Singapore, khi người ta xem xét thực tế vấn đề này.
Năm 1998, Singapore bắt đầu triển khai hệ thống tìm dữ liệu trực tuyến. Trước đây, để tìm dữ liệu, bạn sẽ phải tìm kiếm trên một lượng văn bản khổng lồ, và nhờ các dữ liệu đã có sẵn trên mạng, người dân dễ dàng tiếp cận với chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1998, chỉ khoảng vài trăm nghìn người tiếp cận được với thông tin này.
Trong vài năm tiếp theo, Singapore bắt đầu đào tạo để người dân có thể sử dụng hệ thống dữ liệu trực tuyến. Số người sử dụng sau đó tăng rất nhanh. Đây là ví dụ cho thấy giá trị của việc chuẩn bị tốt cho người dân thông qua giáo dục - đào tạo, giúp họ tiếp cận hệ thống và các dịch vụ. Nếu không, hệ thống sẽ bị lãng phí, cũng tương tự như lãng phí các PC vậy.
Như tôi đã quan sát, ở Việt Nam đã có rất nhiều quán cafe Internet. Tôi nghĩ đó là một điều kiện rất hữu ích, giúp mọi người có cơ hội học tập. So với những lần đầu tôi đến Việt Nam năm 2001, 2002, các quán cafe Internet hiện đã phổ biến hơn rất nhiều, và rất đông người sử dụng dịch vụ này. Đây có thể xem là một dấu hiện tốt, bởi vì rất nhiều người trẻ đã có thói quen sử dụng chúng, họ sử dụng Yahoo, truy cập các website khác, và việc sử dụng Internet đã trở nên thông dụng. Khi Chính phủ xây dựng và đưa hệ thống chính phủ điện tử vào hoạt động, người dân có thể sử dụng dịch vụ.
Năng lực cán bộ triển khai CPĐT - Yếu tố sống còn
PV VietNamNet: Năng lực của những người xây dựng và quản lý Chính phủ điện tử rất quan trọng. Tại các quốc gia khác, như Singapore, vấn đề nhân lực này đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông James SL Yong: Đây là một câu hỏi hay, và cũng là nội dung trình bày của tôi tại hội thảo này về bài học kinh nghiệm từ Singpore. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Singapore được chia ra thành nhiều giai đoạn, nhiều chặng khác nhau, và được bắt đầu từ những năm 1980.
Từ 1980 đến 1985 là giai đoạn đầu: chương trình phổ cập máy tính quốc gia. Trọng tâm của giai đoạn này là đảm bảo rằng Chính phủ có đủ những người có khả năng sử dụng máy tính. Họ có con số những người sử dụng máy tính ở Singapore và từ đó, có kế hoạch tăng số người có khả năng sử dụng hệ thống máy tính để tìm kiếm, xử lý dữ liệu...
Singapore đã có những học bổng để cán bộ có thể ra nước ngoài học tập, xem xét và học hỏi kinh nghiệm chính phủ điện tử của các nước, và sau đó trở về nước xây dựng Chính phủ điện tử của Singapore. Trong tiến trình ở giai đoạn đầu này, Singapore đáp ứng đủ khả năng, đào tạo đủ số người có kiến thức để xây dựng chương trình, hệ thống cho Chính phủ.
Giai đoạn tiếp theo, khi đã có đủ nhân lực, Chính phủ bắt đầu điều chuyển nhân sự đã qua đào tạo sang các cơ quan khác nhau, kể cả các liên doanh với công ty tư nhân, giúp họ chạy các chương trình như hệ thống điều khiển điện tử tại cảng biển, sân bay. Những người có kinh nghiệm về chính phủ điện tử cũng bắt đầu hoạt động trong các công ty tư nhân, chuyển tải những kiến thức về chính phủ điện tử từ Chính phủ sang khu vực tư nhân.
Sau đó, giai đoạn tiếp theo, bắt đầu từ năm 2000, họ tập trung vào thu thập các tài liệu, văn bản để đưa lên mạng Internet.
Từng giai đoạn có một nội dung ưu tiên cần tập trung riêng. Ngày nay, những văn bản đang được thu thập tại Singapore là những văn bản hướng dẫn làm thế nào người dân có thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách.
Mỗi giai đoạn, mỗi cơ cấu trong hệ thống đều đóng góp vào thành công chung của xây dựng Chính phủ điện tử. Tôi nghĩ cách duy nhất để có một hệ thống tốt, như lời đánh giá của anh, một trong những lí do thất bại của Đề án 112 là việc thiếu có đội ngũ nhân lực có kỹ năng ứng dụng CNTT tốt, là các bạn cần bắt đầu với việc đảm bảo rằng có kế hoạch để đào tạo đủ nhân lực có kỹ năng. Thời gian sẽ có thể là 1 năm, 2 năm hoặc hơn nữa. Cần phải có thời gian để họ học tập các kiến thức và kỹ năng.
Tại Việt Nam, có thể tất cả các bộ ngành sẽ bắt tay vào xây dựng một chính phủ điện tử để thay thế cho đề án 112 vào năm 2009 nếu như các bạn bắt đầu từ thời điểm này (thời điểm cuối năm 2006 - NV), và cần 3 năm để đảm bảo có đủ nhân lực hoạt động trong một hệ thống tốt.
PV VietNamNet: Xin chân thành cảm ơn ông!
-
Bình Minh (thực hiện)
(*) Tại thời điểm cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 12/2006,
Quan điểm của quý độc giả về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam: