Giáo dục ý thức cho người dùng và sự hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các hãng công nghệ chính là chìa khoá chống tội phạm mạng, Trưởng nhóm cố vấn bảo mật của Microsoft tuyên bố.
Phát biểu tại Diễn đàn IT TechED đang diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha, ông Roger Halbheer cho biết số lượng các vụ tấn công nhằm vào hệ điều hành đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, hacker lại có xu hướng tăng cường khai thác các lỗ hổng bên trong ứng dụng.
Nguồn: CNET
Ngày càng tinh vi
"Mắt xích yếu nhất trong hệ thống bảo mật chính là người dùng, và hơn ai hết, hacker hiểu rõ điều đó. Những mánh khoé lừa đảo, dẫn dụ nạn nhân của chúng ngày càng tinh vi", Halbheer cho biết.
Riêng trong vòng nửa năm qua, số lượng các vụ tấn công phishing đã tăng tới... 500%. Số lượng Trojan cũng tăng tròm trèm 150%.
"Chìa khoá để giải quyết vấn nạn này, là phải có sự hợp tác giữa tất cả các bên, từ nhà sản xuất, giới bảo mật, chính phủ các nước cho đến bản thân người dùng.
Chúng ta phải được đào tạo kiến thức cơ bản về nhận dạng tội phạm mạng, đề phòng và cảnh giác trước những dấu hiệu khả nghi, sau cùng là lần theo dấu vết của chúng".
Tuy vẫn gặp vô vàn thách thức trong việc triệt phá tội phạm mạng, nhưng Halbheer tin rằng lực lượng cảnh sát các nước đã hiểu hơn về hình thức tội phạm trực tuyến, cũng như cách thức hoạt động của các băng nhóm tội phạm trên mạng.
"Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy: những quốc gia có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với doanh nghiệp ít bị tấn công hơn. Các doanh nghiệp luôn cảm thấy thoải mái khi xin trợ giúp và hướng dẫn từ phía chính phủ".
Đưa vào trường học
Mặc dù vậy, Halbheer vẫn tin rằng giáo dục nhận thức cho người dùng chính là vấn đề mấu chốt. "Cần phải truyền tải một thông điệp thống nhất đến cho tất cả người dùng, dù là họ đang xài máy tính ở nhà hay ở văn phòng, về những nguy cơ và hiểm hoạ của việc lơ là bảo mật.
Nguồn: Daily Mail
Người dùng cần tiến hành những biện pháp bảo mật cơ bản để tự bảo vệ chính mình".
"Tôi nghĩ, học sinh cần được học cách cài đặt chương trình diệt virus và thói quen bật tường lửa ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường", Halbheer tuyên bố.
"Độ tuổi để giảng dạy kiến thức bảo mật càng nhỏ càng tốt. Có như thế, bảo mật mới trở thành một thói quen bất di bất dịch".
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của việc giảng dạy bảo mật trong nhà trường, chính là việc trẻ em thường thông thạo về công nghệ mới hơn cả phụ huynh lẫn giáo viên của chúng.
"Các mô hình giáo dục truyền thống sẽ trở nên vô ích và phản tác dụng. Người lớn cần tìm ra một phương pháp mới để nuôi dạy bọn trẻ. Họ phải làm sao biến bảo mật thành một phần cuộc sống của chúng, giúp trẻ hiểu được điều gì tồi tệ có thể xảy ra khi chủ quan, bất cẩn".
Tất nhiên, trách nhiệm và trọng trách của các thầy cô giáo sẽ càng thêm nặng. "Họ đã phải dạy về giới tính, về cách phòng chống AIDS, dạy văn hoá cho trẻ... giờ lại phải đảm nhận thêm bảo mật nữa".
"Đưa bảo mật vào cuộc sống là một quá trình mất rất nhiều thời gian. Ai cũng muốn thành công chỉ trong một sớm một chiều, nhưng hãy nghĩ về nó như câu "kiến tha lâu đầy tổ", Halbheer kết luận.
Trọng Cầm (Theo VNUnet)