"Nhiều người cho rằng tôi bỏ quá nhiều tiền ra để chơi game, nhưng thực tế tôi biết có nhiều người còn "đầu tư" cho nhân vật của mình hơn tôi gấp nhiều lần" - Excavator nói.
Sức hút của game online có thể khiến game thủ bỏ bê cuộc sống ngoài đời thực của mình. (Ảnh: Thế Phong)
Ngoài 30 tuổi, phong độ trong bộ vest đen thẳng nếp, Excavator cho biết anh làm việc trong một công ty xây dựng liên doanh với nước ngoài: "Số tiền mà tôi bỏ ra chơi game chỉ bằng 2/10 thu nhập của tôi. Và tôi cho rằng chi phí cho một trò giải trí mà tôi đam mê như vậy là có thể chấp nhận được."
Cũng thuộc nhóm "đại gia" trong một game online khác, game thủ N.T trong TLBB cho hay đã dốc vào nhân vật của mình không dưới 50 triệu đồng để mua một bộ ngọc cấp 6 và một bộ đồ full môn phái cấp 100 (đồ full: đồ hiếm đi theo bộ, giúp nâng cao sức mạnh cho nhân vật lên nhiều lần).
"Một đại gia trong game online phải đứng TOP mọi bảng xếp hạng trong sever của mình. Ít nhất phải có vài "đệ" cày chung, nếu cần thì đi thuê - để có thể lên cấp 24/24h. (Game TLBB hiện vẫn cho phép game thủ chơi 24/24 mà vẫn nhận điểm kinh nghiệm bình thường - NV). Sau đó phải có đội mạnh "bảo kê" đi luyện cấp, kiêm vai trò "quấy rối" người khác nếu cần, để đại gia yên tâm không bị game thủ khác "qua mặt" trong TOP đua level." - T. giảng giải.
Có cung tất có cầu, bên cạnh "đại gia", có một bộ phận game thủ coi thế giới ảo trong game online là nơi để kiếm tiền thật. Phần lớn trong số họ rơi vào vòng luẩn quẩn: Chơi game để kiếm tiền và có tiền để tiếp tục chơi game.
Thường được gọi là "farmer" - "thợ cày" làm mọi việc để kiếm tiền: train (đánh quái luyện cấp) thuê cho người khác, làm "bảo kê", "chém mướn" trong game... nhưng chủ yếu là "cày" đồ, tiền trong game để bán bằng tiền thật.
Trong một quán Net hơn 20 máy tại đê Tô Hoàng (Hà Nội), tôi từng chứng kiến một nhóm game thủ độ tuổi sinh viên chơi game miệt mài, một số ăn ngủ ngay tại quán, lập thành đội mạnh chuyên đi săn boss để kiếm đồ hoàng kim trong game VLTK. Nếu may mắn, mỗi tháng có thể nhặt được một món đồ và bán với giá trung bình khoảng 5 - 10 triệu đồng. Số tiền đó đương nhiên chẳng đáng là bao so với chi phí trả tiền máy và sinh hoạt tập thể.
Cũng có những trường hợp, "thợ cày" ngoài đời và "đại gia" trên thế giới ảo chỉ là một. Đó là hình ảnh một nhóm sinh viên nợ dầm nợ dề tiền Net, dăm người cởi trần thâu đêm trong một quán net để "cày" cho một nhân vật chơi chung là "bang chủ", "hạm trưởng" hay đứng TOP cực kỳ hoành tráng trong một game online nào đó.
Bóp méo hình ảnh game thủ?
"Game online nào cũng vậy cả thôi, bao giờ cũng có ba nhóm người chơi" - M.P., một game thủ kỳ cựu từng vô địch Warcraft III và là một trong những đại diện của Việt Nam đầu tiên tham dự giải đấu WCG 2003, nhận xét.
"Cày game đêm" (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Theo P., mỗi người chơi game có một mục đích, nhóm "đại gia" là nhóm chơi game để thể hiện đẳng cấp, thể hiện cái tôi cá nhân. Họ thường là những người thành đạt cả ở ngoài đời thật, sẵn sàng chi tiền để có được danh tiếng và sức mạnh trong thế giới ảo. Theo đúng cung cầu, nhóm thứ hai, sẵn sàng trở thành các "thợ cày" để phục vụ nhu cầu của nhóm thứ nhất với mục đích kiếm tiền nhờ game.
Bộ phận thứ ba, là những người chơi game thuần túy để giải trí. Đây là bộ phận luôn luôn chiếm số lượng đông nhất trong bất kỳ game online nào. Những game thủ này, coi mục đích chơi game của mình là hợp lý hơn cả và quay sang chỉ trích cách chơi của hai nhóm kia.
Tiến Anh - một Game Master (người quản lý trong game) nói, việc đa phần game thủ lên án nhóm "đại gia" và "thợ cày" hoàn là có lý do của họ.
"Thứ nhất, điều này tạo ra sự mất bình đẳng trong game, dù anh có kỹ năng đối kháng tốt đến mấy, đẳng cấp và sức mạnh vốn có của nhân vật là tương đương, anh cũng không bao giờ đối chọi được với một "đại gia" được hỗ trợ bởi những item mua bằng rất nhiều tiền."
"Còn với nhóm farmer, sẽ chẳng có thủ đoạn nào được bỏ qua, lừa đảo, đàn áp, gây rối những nhân vật chơi khác để đạt được mục đích là chuyện thường. Nhóm này không có khái niệm "chơi đẹp".
"Thứ hai, việc các đại gia ngoài đời thật không tiếc tiền mua hàng khủng để trang bị cho nhân vật chơi trong game, cũng như các fammer ngày đêm vào game cày tiền, cày đồ để bán kiếm lợi, khiến cho thị trường ảo không ngừng chao đảo".
Lượng tiền trong game ngày một nhiều lên khiến giá trị của nó trượt giá thê thảm, còn các món đồ quý hiếm dưới sự săn lùng của các "đại gia" thì tăng giá VNĐ vù vù mà chẳng có bất cứ sự điều tiết nào, ngoài sự tự do định giá của chính các game thủ.
"Càng ngày càng chán, những "bằng hữu" thân thiết ngày nào, giờ vào game chào hỏi thì té ra là một cậu đang... chơi thuê. Còn lên bãi luyện, thì chỉ thấy những cái tên vô hồn "kjhsdfd", "ssggags"... được tạo ra chỉ để chạy auto đánh quái nhặt đồ" - Anita - một game thủ VLTK ca thán.
Giá trị thật sự
T.M.T, "hạm trưởng" một "hạm đội" nổi tiếng trong game online "PĐ" của VTC , cũng được coi là một gamer thuộc hàng "đại gia", cách đây không lâu từng gom góp hàng chục triệu đồng mua các item từ một game thủ khác.
Hai món đồ ảo trong game V.LT.K. được rao bán với giá 6,5 và 9 triệu đồng.
Cả giới "cao bồi" trong game "PĐ" chưa kịp trầm trồ thì đùng một cái, accout của T cùng nhiều account khác trong hạm đội của cậu đều bị nhà phát hành block (khoá tài khoản). Lý do rất đơn giản, những item mà T và các bạn mua phải đều là đồ bất hợp pháp, bước đầu nhà phát hành cho biết các món đồ này sẽ bị xóa bỏ. Hàng chục triệu đồng bỗng chốc mất trắng, T. chỉ còn biết kêu trời...
"Sự thật là chưa hề có các quy định về mua bán, định giá hay bảo hộ các tài sản ảo trong game online" - Tiếp đó, theo GM Tiến Anh, toàn bộ các item, kể cả nhân vật nào đó của người chơi tồn tại trong một game online, bao gồm các đoạn mã, hình ảnh đồ họa... theo luật sở hữu trí tuệ - chỉ thuộc về nhà sản xuất game.
"Nghĩa là nếu bỗng chốc nhà cung cấp game xóa bỏ nó đi, hay tệ hơn, nhà cung cấp phá sản và game đó không còn tồn tại nữa, thì tất cả những thứ trong game mà bạn bỏ tiền mua sẽ có giá trị bằng không. Mà bạn không có quyền kiện tụng hay đòi bồi thường". - Tiến Anh nói.
Đó là nói chuyện to tát, trên thực tế, "đại gia" hay "thợ cày" trong quan điểm của phần đông, là những người chơi game một cách quá đà.
Chính Excavator thừa nhận, những người khác trong gia đình không biết việc anh chi 251 triệu để mua chiếc nhẫn trong game. Anh nói: "Nếu biết, chắc là mọi người cũng không đồng ý".
C. War, một quái thủ từng ghiền nặng game online, nay đã "cai nghiện" được, tâm sự: "Giữa ảo và thật vênh nhau nhiều lắm anh ạ. Trong game, em nắm quyền sinh quyền sát, gặp đứa nào thấy ngứa mắt là đồ sát không hề ghê tay, giang hồ nghe tiếng là đã sợ xanh mặt. Nhưng ra ngoài đời thật thì cứ lấm la lấm lét, chẳng có nổi chút tự tin giao tiếp vì chỉ toàn ngồi trước máy tính. Nghe tiếng ai quát to một tiếng có khi cũng dúm dó hết cả người vào, chẳng còn tí bản lĩnh nào cả".
Gặp thợ cày "kjeuphongxxx" trong một quán net sâu trong Ngõ tự do để kì kèo mua một món đồ trong game TLBB, cậu thanh niên chỉ tầm 17, 18 tuổi nói gọn lỏn: "Anh thông cảm không mặc cả, em dạt nhà!"
"Em cày cả tuần mới được món đồ bán cho anh, chứ không như nhiều thằng toàn lừa đảo. Tuần trước một thằng lừa qua giao dịch trong game lấy mất của em 1000 vàng. Em mà hỏi ra nó ở đâu, cả đội em sẽ vác dao đến hỏi thăm". Sau chừng nửa tiếng đứng nói chuyện, cho đến lúc về, tôi vẫn chỉ nhìn thấy một nửa khuôn mặt của "thợ cày", vì cậu chưa hề rời màn hình máy tính ngước lên một giây nào.
Không thể phủ nhận sức hút của những trò game online, nhưng sức hút đó cũng đồng nghĩa nhiều người mê game thái quá đang tự buông xuôi, bỏ mặc cuộc sống ngoài đời thật của mình. Nguy hại hơn, phần lớn đó lại là những gamer ở độ tuổi thanh niên, với nhiều cơ hội và thành công đang chờ đón họ ngoài cuộc sống thật.
-
Thế Phong
Quan điểm của quý độc giả: