(VietNamNet) - Chỉ vì quá ham game online, những thanh niên trẻ đã tự huỷ hoại cả sức khoẻ, sự nghiệp và tương lai của mình. Không chỉ dừng lại ở bỏ bê sự nghiệp, gia đình tới mức mất việc làm, bỏ nhà đi hàng tháng, những "con nghiện" game thậm chí còn sẵn sàng cầm dao cướp của, dùng dao đâm người chỉ để có tiền... trả quán Net.
>> Những "đại gia" trong thế giới ảo
>> Bi hài chuyện ’’cai nghiện’’ game cho... chồng!
>> Cai nghiện game cho chồng: Phải dùng "độc chiêu"!
Các trang báo và dư luận sáng ngày hôm nay (17/1) đều chú ý tới một vụ trọng án bắt con tin để cướp tiền tại Cầu Giấy, Hà Nội. Sáng ngày 16/1, sau 2 giờ đồng hồ đấu tranh với hung thủ, lực lượng công an đã khống chế thành công tên Khổng Tuấn Linh, sinh năm 1988, trú tại Sơn Dương - Tuyên Quang, giải cứu an toàn cho con tin là em Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 1995.
Đối tượng Khổng Tuấn Linh và tang vật bị thu giữ sau vụ bắt con tin sáng 16/1.
Khai nhận trước cơ quan công an, tên Linh đã khống chế bà Pha, mẹ của em Huyền, bắt bà đưa 1 triệu đồng để hắn có tiền... chơi game. Một động cơ mà nhiều người nghe thấy đều cảm thấy ngạc nhiên.
Nghiêm trọng hơn, khi thấy lực lượng công an khống chế để giải cứu con tin, tên Linh đã không ngần ngại dùng hung khí là một con dao nhọn đâm thẳng vào một chiến sĩ công an, nhưng rất may chỉ làm rách 2 lớp áo và bị thương nhẹ ở 2 ngón tay.
Chỉ vì quá ham mê game và cần 1 triệu đồng để trả tiền hàng Net, tên Linh đã không ngần ngại phạm các tội hình sự nghiêm trọng: Bắt con tin và cướp của, dùng dao đâm người thi hành công vụ. Những bản án nghiêm khắc chắc chắn sẽ được dành cho hung thủ liều lĩnh, manh động, nhưng nghĩ đến động cơ phạm tội của tên Linh, không ít bậc cha mẹ có con ham chơi game không khỏi giật mình.
Anh Tô Quỳnh, Giám đốc một công ty phần mềm từng chia sẻ với người viết khi phải quyết định phải sa thải hai lập trình viên trụ cột trong đội ngũ nhân viên của mình."Tiếc lắm cậu ạ, vì hai đứa nó rất thông minh, năng động. Nhưng từ khi bập vào game online, chúng nó về đến nhà là thức trắng đêm để chơi, sáng đến cơ quan chỉ để ngủ bù, chiều tỉnh dậy là lại tiếp tục truy cập vào trò game để luyện công, kiếm điểm. Công việc được giao bỏ bê, làm mình bị phạt mấy hợp đồng vì chậm tiến độ. Khuyên giải mãi chúng nó không được, đành phải cho nghỉ việc".
Lướt báo hàng ngày, chúng ta có thể đọc được những thông tin đấu giá các đồ vật ảo trong các trò game online, với một chiếc nhẫn có giá hơn 250 triệu đồng, một chiếc bảo đao có giá hơn 500 triệu, thậm chí có món đồ hơn 700 triệu đồng. Tất nhiên là chỉ có những "đại gia" chơi game mới thừa tiền để thị uy quyền lực và sức mạnh của mình trong những trò giải trí như vậy.
Với số tiền đó, nhiều người sẽ có được cơ hội đổi đời, tạo dựng sự nghiệp, thành đạt trong cuộc sống, hoặc cũng có thể cứu được mạng sống của những người nghèo không đủ tiền chữa bệnh. So với con số 1 triệu đồng là động cơ gây án ở trên, mới thấy ảnh hưởng của game không chỉ còn dừng lại ở một trò chơi giải trí nữa.
Cơ quan chức năng đã áp dụng quy định hạn chế thời gian chơi game liên tục, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ game giảm điểm thưởng cho người chơi liên tục từ giờ thứ 4 trở đi. Nhưng bằng các phương thức tránh né, chuyển điểm thưởng, item giữa các nhân vật, các game thủ vẫn có thể ngồi cắm mặt vào màn hình máy tính ngoài hàng Internet thâu đêm suốt sáng.
Không lẽ, chúng ta đành bó tay nhìn con em mình tiếp tục chôn vùi sức khoẻ, sự nghiệp và cả tương lai vào những đam mê thái quá được khoác lớp vỏ bọc "trò chơi giải trí" như thế?
-
Nguyễn Hiếu