Với máy tính, nếu không thích cách thức hoạt động của phần mềm email đang dùng, bạn có thể dễ dàng thay bằng một chương trình khác tối ưu hơn. Khi muốn bổ sung thêm tính năng cho trình duyệt Firefox, bạn chỉ cần cài đặt thêm tiện ích mở rộng là xong.
Nhưng sự linh hoạt này dường như luôn là giấc mơ xa vời đối với hầu hết các mẫu DTDĐ, ít nhất là tại thời điểm hiện nay.
Nền tảng mở sẽ cho phép camera phân giải cao "đáp xuống" ĐTDĐ. Nguồn: Gizmodo
Tuy nhiên, các hãng công nghệ hy vọng tình hình này sẽ sớm thay đổi. Kể từ năm 2008, với sự đổ bộ của nền tảng Google Android, điện thoại di động sẽ bắt đầu mở cửa thông thoáng hơn.
Người dùng sẽ có thể tùy biến giao diện điện thoại, chạy bất cứ ứng dụng nào mà họ thích, và quan trọng nhất, truy cập được vào phần cứng để tìm kiếm chỉ dẫn, gọi điện VoIP và chụp ảnh.
Cuối cùng, trong tương lai, bạn sẽ thấy những thiết bị như máy ảnh, máy quay video... cũng có thể truy cập vào mạng dữ liệu di động, dù cho chúng không thể thực hiện được cuộc gọi.
Google dẫn đầu đoàn đua
Khơi mào cho trào lưu "mở toang cửa ĐTDĐ" chính là gã khổng lồ tìm kiếm Google. Động cơ chính của hãng, chẳng có gì ngạc nhiên, là kiếm quảng cáo từ một thị trường ĐTDĐ đầy béo bở, khi mà thị trường PC truyền thống bắt đầu có dấu hiệu bão hòa.
Trước đây, thế giới di động giống như một khu vườn cấm, cửa đóng then cài, nơi các mạng di động có quyền kiểm soát tất cả những nội dung hiển thị trên màn hình thuê bao.
Chỉ khi nào khai thông được cánh cửa này, Google và các hãng khác mới có thể nhảy vào cuộc và nghĩ đến chuyện làm ăn mà thôi.
Từ giữa năm 2007, Google đã thuyết phục được Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) yêu cầu hãng nào thắng trong cuộc đấu giá dải tần mới (tổ chức vào tháng 1/2008) cũng phải cho phép khách hàng sử dụng mọi model ĐTDĐ, mọi ứng dụng hợp pháp trên nền mạng của mình.
Nào đã hết. Đến cuối năm ngoái, cùng với 30 đối tác, Google lại công bố một hệ điều hành di động nguồn mở "đình đám" với tên gọi Android.
Khẩu thần công Android
Cho tới nay, Android có lẽ là cái tên mà bạn nghe thấy nhiều nhất trong mỗi chủ đề liên quan đến "mở cửa thị trường ĐTDĐ".
Những mô hình ĐTDĐ đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android đã được trình làng. Nguồn: AP
Mới đây nhất, trong Triển lãm Mobile World Congress đang diễn ra ở Barcelona, hai mô hình điện thoại mẫu đầu tiên dựa trên Android đã chính thức trình làng, do Texas Instruments và Qualcomm thiết kế.
Theo lời hứa hẹn của Google, các thiết bị sử dụng nền tảng này sẽ có điểm chung là giao diện chuẩn và ứng dụng đơn giản. Tuy nhiên, mỗi hãng sẽ có một thiết kế menu và danh mục tính năng riêng để bạn lựa chọn.
Hãy tưởng tượng về viễn cảnh này như sau: Bạn khởi động Windows Vista trên máy tính, sau đó thay thế giao diện ba chiều Aero bằng giao diện của "con dế" iPhone, trong khi vẫn truy cập được vào các chương trình, ứng dụng và dữ liệu một cách bình thường.
Cuối cùng, với Android, các nhà phát triển ứng dụng sẽ dễ dàng truy cập mọi linh kiện phần cứng bên trong điện thoại, từ Bluetooth, chip GSP, Wi-Fi cho đến máy ảnh tích hợp.
Nói "Hello" với cả thế giới
Một ưu điểm khác của hệ điều hành nguồn mở là nó cho phép tương tác một cách dễ dàng với các dịch vụ lưu trữ hoặc cung cấp dữ liệu từ xa.
Hãy nghĩ về một chiếc điện thoại với chip GPS, máy ảnh, kết nối di động và mạng WiFi. Bạn "nháy" một pô và đăng nhập vào mạng. Lập tức, bức ảnh sẽ được "dập" thông tin về nơi chụp, sau đó upload tự động lên trang Flickr chỉ trong chớp mắt.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những ứng dụng phức tạp đó có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa. Làn sóng phần mềm đầu tiên sẽ hướng tới việc kết nối các tiện ích cơ bản như danh bạ, lịch, ghi chú, báo thức, nhạc chuông.... với nhau.
"Bạn ghét những ứng dụng có sẵn trong chiếc điện thoại Android của mình ư? Hãy cài đặt loạt ứng dụng mới và yên tâm rằng dữ liệu của bạn chẳng hề bị thay đổi chút nào", chuyên gia Charles Golvin của hãng nghiên cứu Forrester cho biết.
"Bạn nghe tin nhắn thoại và muốn bật ứng dụng ghi chú để lưu lại lời nhắn - tất cả diễn ra liền mạch, tự nhiên như khi bạn ngồi bên bàn làm việc của mình vậy.
Nhưng đó là một sứ mệnh mà không người nào, không chiếc điện thoại nào tại thời điểm hiện tại có thể thực hiện được. Với Android, người ta hy vọng tương lai sẽ khác", Golvin cho biết.
Các dịch vụ mới
Một mỏ vàng nữa cho các hãng công nghệ chính là dịch vụ trả tiền. Hiện nay, chỉ có các mạng di động và một số đối tác thân thiết là được cung cấp dịch vụ kiểu này.
Nguồn: BusinessWeek
Thế nhưng khi nền tảng mở ra đời, bất cứ hãng nào cũng có thể vào cuộc, và hệ quả tất yếu là biểu giá sẽ phải thấp xuống.
Với chip GPS và mạng WiFi trong tay, bạn có thể tự do lựa chọn các dịch vụ cung cấp thông tin "trang vàng địa phương" - dù cho đó là Google, Yahoo hay gì đi nữa.
Trang bị camera tối tân cho điện thoại cũng là việc trong tầm tay. Thường thì các mạng di động chỉ cho phép chia sẻ những bức ảnh chất lượng thấp trên nền mạng của họ, do lo sợ nghẽn mạng.
Để có được hình ảnh phân giải cao nguyên gốc, bạn bắt buộc phải kết nối máy ảnh thông qua cổng USB với máy tính, hoặc là dùng thẻ nhớ.
Nhưng với nền tảng mở, các hãng sản xuất điện thoại sẽ có thêm động lực để tích hợp máy ảnh loại tốt. Người dùng sẽ có quyền chọn lựa phương thức truyền ảnh phù hợp nhất, bởi thật kỳ quặc khi một chiếc ĐTDĐ Wi-Fi mà lại phải sử dụng kết nối USB để "bắn" ảnh lên máy tính hay mạng Internet.
Cuối cùng, một nền tảng mở sẽ cho phép người dùng truy cập những ứng dụng VoIP như Skype hay Gizmo Program tương đối thoải mái. Sẽ không còn những hóa đơn di động dài dằng dặc cho những người có thói quen "nấu cháo" điện thoại nữa.
Và phần cứng mới
"Nghe có vẻ tuyệt đấy, nhưng còn phần cứng thì sao?" - bạn tự hỏi.
Bất cứ thiết bị điện tử nào cũng có thể truy cập vào mạng dữ liệu di động trong tương lai, kể cả khi chúng không thể thực hiện nổi một cuộc gọi. Nguồn: Gizmodo
Google hứa hẹn rằng bất cứ mẫu điện thoại nào cũng có thể truy cập mạng dữ liệu di động, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị "trói tay trói chân" với "cục gạch xấu xí" mà mạng di động phát cho.
Trong một tương lai ngắn, những dòng ĐTDĐ từ bên ngoài nước Mỹ sẽ ồ ạt đổ bộ lên các dải tần di động của nước này.
Đây quả là giấc mơ tuyệt vời cho Nokia, bởi hệ điều hành Symbian của hãng đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu nhưng lại chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ ở Mỹ mà thôi.
Được lợi từ xu hướng "mở cửa" không chỉ có ĐTDĐ. Chúng ta sẽ chứng kiến máy chơi game, máy ảnh, máy nghe nhạc số và nhiều loại thiết bị điện tử khác được trang bị chip di động. Chúng sẽ có thể truy cập vào mạng dữ liệu từ bất cứ đâu, kể cả khi không thể thực hiện được cuộc gọi nào.
Lấy thí dụ, trong một thế giới mở, Microsoft sẽ có thể tích hợp khả năng truy cập dữ liệu di động cho chiếc máy nghe nhạc Zune. Cứ mỗi lần người dùng truy cập vào mạng, Microsoft sẽ trích một ít tiền cho nhà mạng, thay vì bó buộc mình trong hợp đồng "đối tác toàn diện".
Golvin dự đoán rằng viễn cảnh thế giới di động mở sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010. Với sự tiếp sức từ công nghệ không dây WiMax và mạng 4G, xem ra cơ hội của những hãng như Google đang lớn hơn bao giờ hết.
Trọng Cầm (Theo PC World)